Thực tế hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
Với sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, yêu cầu đối với nguồn nhân lực sẽ ngày càng khắt khe.
Điều này đòi hỏi giáo dục đại học phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh bị đào thải.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, giáo dục mở đã tồn tại trước đó khá lâu, nhiều mô hình giáo dục mở trên thế giới được thử nghiệm áp dụng tại Việt Nam.
Việc thành lập Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Viện đại học Mở Hà Nội vào đầu thập niên 1990 bước đầu khẳng định vai trò của giáo dục đại học mở trong việc cung cấp các chương trình đào tạo mở.
Tuy nhiên, cho đến nay giáo dục mở ở nước ta mới dừng lại ở việc cung cấp các chương trình đào tạo đến với người học ở xa và không đòi hỏi phải thi đầu vào.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm “Giới thiệu Tài nguyên giáo dục mở (OER)” (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Khoa học Công nghê) |
Nhìn nhận thực trạng đó, Thạc sĩ Trần Thị Trang – Đại học Công nghiệp Việt Trì đề xuất một số khuyến nghị trong đổi mới giáo dục đại học theo định hướng mở ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, về mục tiêu giáo dục
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đối với nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao hơn.
Vì vậy, giáo dục phải hướng đến mục tiêu bên cạnh việc đảm bảo những kiến thức cơ bản và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thì cần thiết phải trang bị kiến thức về ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
Nền giáo dục mở đòi hỏi phải đa phương hóa các mục tiêu đào tạo, đa dạng các ngành nghề, tạo ra một cơ cấu lao động hợp lý nhằm đáp ứng có hiệu quả nền kinh tế quốc dân và nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế.
Giáo dục theo hướng mở về mặt nội dung chương trình là cần phải có những bổ sung, điều chỉnh trong chương trình dạy học theo một lộ trình nhất định cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, tài liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt, nội dung giảng dạy phải bám sát và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề đào tạo.
Về phương pháp, thay vì sử dụng các phương pháp giảng dạy truyền thống, người dạy cần phải tích cực, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy với phương trâm lấy người học làm trung tâm, phát huy vai trò của người học.
Khuyến khích người học tự học, tự nghiên cứu biến quá trình học thành tự học, đào tạo thành tự đào tạo, trong đó vai trò người dạy chỉ là cố vấn, định hướng quá trình học của người học.
Thứ ba, vai trò, vị trí của người dạy và người học trong nền giáo dục phát triển theo định hướng mở.
Với tư cách là người định hướng, cố vấn quá trình tự học, tự nghiên của người học, người dạy phải là những người vững về chuyên môn, luôn tích cực vận động chiếm lĩnh tri thức.
Nhiệm vụ của họ không chỉ giảng dạy mà đồng thời còn là người bạn, người hướng dẫn, người cùng làm việc trong các dự án có người học tham gia.
Người dạy còn có thể là một người lao động, nhà quản lý giỏi, một chuyên gia hay một nhân chứng lịch sử cũng được mời thuyết trình cho sinh viên về các vấn đề thực tiễn hay kinh nghiệm, vốn sống của họ.
Vì vậy, các trường đại học cần tạo dựng môi trường làm việc tốt để thu hút cán bộ giỏi, chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác.
Nhà nước và ngành giáo dục cần tăng cường các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện tốt cho các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ tham gia hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo lập được môi trường giáo dục đại học có sáng tạo và tính tự lập cao.
Với đặc trưng khuyến khích việc tự học, tự đào tạo của nền giáo dục mở người học được lựa chọn nội dung, phương pháp, địa điểm, thời gian học tập, thực tập, thực tế; được phát huy hết năng lực tích cực, tự giác của mình trong việc tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức.
Lúc này, thậm chí người học cũng có thể được trình bày kinh nghiệm học tập, kết quả nghiên cứu hay những ý tưởng sáng tạo cho một vấn đề cụ thể như một diễn giảng.
Như vậy, trong nền giáo dục mở người học không chỉ có nhiệm vụ học tập mà còn là người tham gia các dự án cộng đồng, hỗ trợ giảng viên trong việc truyền đạt kiến thức đến bạn bè đang cùng học. Giáo dục mở không chỉ dành riêng cho tuổi trẻ mà là mọi lứa tuổi.
Thứ tư, đánh giá kết quả giảng dạy.
Đánh giá kết quả giảng dạy là một bộ phận không thể thiếu của quá trình dạy học, làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy học, tình trạng kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ của người học so với yêu cầu của chương trình đào tạo, yêu cầu của xã hội.
Với ý nghĩa như vậy trong nền giáo dục mở, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng chuyên trách về giáo dục, thì việc đánh giá kết quả giáo dục cần phải được xã hội hóa, trong đó có vai trò của các tổ chức giáo dục bên ngoài nhà trường, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp.