Quốc tế hóa trong giáo dục đại học là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa. Trong đó, hoạt động phổ biến hiện nay mà các trường đại học đang triển khai chính là liên kết đào tạo quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh hai năm qua, đại dịch COVID-19 làm hạn chế việc di chuyển, lưu thông giữa các quốc gia phần nào đẩy mạnh xu hướng du học trong nước.
Đào tạo liên kết quốc tế giúp người học được trải nghiệm môi trường học tập, chất lượng đào tạo quốc tế,... với chi phí tiết kiệm nhất có thể. Tuy nhiên, hiện liên quan đến vấn đề đào tạo liên kết vẫn còn một số tồn tại, yêu cầu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đến việc quản lý chất lượng đào tạo, bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho người học.
Để có cái nhìn rõ hơn về thực tế các chương trình liên kết quốc tế hiện nay (trên cơ sở so sánh nhóm ngành cụ thể), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chọn khảo sát ngẫu nhiên 5 cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kế toán - ngành học thuộc nhóm ngành chiếm đến hơn 60% tổng số chương trình liên kết hiện nay là Kinh tế - Quản lý.
Cụ thể, chúng tôi khảo sát 5 trường: Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
100% trường đối tác đến từ Vương quốc Anh
STT |
Tên trường |
Tên ngành |
Đối tác | |
Tên trường | QS World University Rankings 2023 | |||
1 | Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội | Kế toán và Tài chính | Trường Đại học East London (University of East London) - trường đại học công lập của Vương quốc Anh | 801 |
2 | Trường Đại học Thương mại | Kế toán | Trường Đại học West of England/Vương quốc Anh (UWE) | 801 |
3 | Trường Đại học Hà Nội | Kế toán Ứng dụng | Đại học OXFORD BROOKES (Anh Quốc) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) | 438 |
4 | Trường Đại học Tôn Đức Thắng | Kế toán | Đại học West of England (UWE) | 801 |
5 | Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh | Kế toán - Tài chính | Đại học Lincoln, Vương quốc Anh | 801 |
Kết quả khảo sát cho thấy, cả 5 trường đào tạo chương trình liên kết quốc tế ngành Kế toán đều có đối tác là các trường đến từ Vương quốc Anh. Đây cũng là quốc gia có số lượng các chương trình liên kết đào tạo được nhiều trường đại học ở Việt Nam lựa chọn nhất (theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cụ thể: Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với một trường công lập tại Anh, đó là Trường Đại học East London (University of East London).
Trường Quốc tế là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội - với uy tín 5 năm liên tiếp được xếp hạng trong top 1000 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo tiêu chí của QS WUR. Cụ thể, theo kết quả xếp hạng QS World University Rankings 2023 - QS WUR 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 801-1000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất toàn cầu. Đây cũng là vị trí của trường đối tác.
Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng liên kết đào tạo với Trường Đại học West of England/Vương quốc Anh (UWE). Đại học này cũng nằm trong 801-1000 của bảng xếp hạng đại học thế giới QS WUR 2023.
Trường Đại học Thương mại không nằm trong bảng xếp hạng QS WUR; trong khi đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm 1001-1200 QS WUR 2023. Với sự bắt tay hợp tác này, hai cơ sở giáo dục đại học đến từ Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc nhập khẩu chương trình tiên tiến của nước ngoài, từ đó mở ra cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, tiến tới xuất khẩu chương trình đào tạo của Việt Nam ra nước ngoài.
Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng lựa chọn trường đối tác thuộc nhóm 801-1000 (theo QS WUR 2023), đó là Đại học Lincoln, Vương quốc Anh.
Đơn vị có đối tác - thứ hạng cao nhất trong số các trường khảo sát là Trường Đại học Hà Nội. Cụ thể, đại diện Việt Nam liên kết đào tạo với Đại học Oxford Bookes (Anh Quốc). Đây là trường đại học trẻ duy nhất của Vương quốc Anh lọt vào danh sách các trường đại học tốt nhất trên thế giới dưới 50 năm thành lập trong 5 năm liên tiếp.
Như vậy nhìn chung, các trường đại học đối tác đều là những cơ sở đào tạo uy tín, được xếp hạng. Sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị trên cơ sở có xếp hạng quốc tế ngang bằng, hoặc đáng khích lệ hơn khi có trường đại học ở Việt Nam chưa tham gia vào bảng xếp hạng, tuy nhiên vẫn lựa chọn được đối tác uy tín trên thế giới.
Nhưng để đánh giá chất lượng chương trình liên kết, ngoài vị trí xếp hạng các trường đại học nước ngoài, cần có thêm đánh giá về chương trình đào tạo liên kết. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thống kê nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo liên kết.
Thông tin tại buổi tọa đàm trực tuyến “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” (ngày 25/11/2022), Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện cả nước có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, khoảng trên 25 nghìn sinh viên theo học. Để thắt chặt chất lượng các chương trình liên kết, bà Thủy cho biết, dự kiến trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.
Học phí chênh lệch lớn
Cùng chương trình đào tạo liên kết quốc tế ngành Kế toán, tuy nhiên học phí giữa các chương trình giữa các trường lại có sự chên lệch khá lớn, trong đó mức chênh lệch có thể lên đến 500 - 600 triệu đồng. Điều này phụ thuộc một phần vào mô hình đào tạo của từng chương trình. Nhìn chung, các chương trình liên kết quốc tế với chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ ở trong nước thì chi phí sẽ rẻ hơn so với chương trình đào tạo theo mô hình chuyển tiếp - sinh viên học tập ở cả trong nước và ở các trường đối tác.
Căn cứ vào báo cáo công khai của các trường, chúng tôi có bảng tổng hợp dưới đây:
Cụ thể, trong 5 trường khảo sát, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng có mức học phí chương trình liên kết cao nhất - khoảng gần 800 triệu đồng (chi phí chưa bao gồm tiền học tiếng Anh, chi phí ăn ở, sinh hoạt tại trường đối tác).
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành Kế toán - Tài chính theo mô hình 1+2. Nghĩa là chương trình đào tạo gồm 3 năm, trong đó năm thứ nhất sinh viên học tại Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Năm thứ hai, thứ ba học tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh.
Theo thông tin từ nhà trường, chương trình sẽ cấp bằng cử nhân giá trị quốc tế sau 3 năm, do Đại học Lincoln cấp.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo theo mô hình 3+1. Giai đoạn 1 kéo dài 3 năm, sinh viên sẽ học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Năm học cuối, sinh viên sẽ được học trực tiếp tại trường đại học đối tác. Hoàn thành chương trình, sinh viên được cấp 2 bằng là Bằng Cử nhân Kế toán của Đại học Tôn Đức Thắng và Bằng Cử nhân Danh dự Tài chính và Kế toán của Đại học West of England.
Cũng đào tạo ngành kế toán, cùng trường đối tác, tuy nhiên Trường Đại học Thương mại thực hiện đào tạo toàn phần tại Việt Nam. Sinh viên nhận 1 bằng là Bằng Cử nhân đại học chuyên ngành Kế toán - Tài chính được Đại học West of England cấp được thừa nhận tại Việt Nam và quốc tế. Mức học phí được thông báo là khoảng 7.100.000 đồng/tháng tương đương 10.000 bảng Anh/toàn bộ khóa học (gần 300 triệu đồng).
Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thực hiện đào tạo ngành Kế toán - Tài chính toàn phần tại Việt Nam. Bằng Cử nhân Kế toán và Tài chính do Đại học East London (Vương Quốc Anh) cấp. Học phí khoảng 11.900 USD/1 sinh viên/1 khóa học (gần 300 triệu đồng).
Ảnh minh họa: BS |
Đáng chú ý, Trường Đại học Hà Nội có đối tác là trường thuộc top 400 trường đại học chất lượng hàng đầu thế giới theo xếp hạng QS World University Rankings - Đối tác có thứ hạng cao nhất so với các trường được chọn khảo sát. Tuy nhiên, mức học phí đào tạo chương trình này của Trường Đại học Hà Nội chưa tới 200 triệu đồng/toàn khóa (cụ thể là 160.550.000 đồng với 6 kỳ).
Theo giới thiệu, sinh viên theo học sẽ được học tập với học liệu của Đại học Oxford Brookes (Vương Quốc Anh) và đội ngũ giảng viên tại trường Đại học Hà Nội và Sunway TES (Malaysia). Trong đó, sinh viên sẽ học năm 1 và năm 2 học tại Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam); năm 3 chuyển tiếp học tại Sunway TES, Đại học Sunway (Malaysia) với học phí không đổi (có điều kiện kèm theo về yêu cầu tiếng Anh và các chương trình học hoàn thành đi kèm).
Sinh viên được nhận 2 bằng quốc tế sau khi kết thúc chương trình: Cử nhân Kế toán Ứng dụng do Đại học Oxford Bookes (Anh Quốc) cấp và bằng Nâng cao về Kế toán và Kinh doanh do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc - ACCA cấp, có giá trị quốc tế.
Khó tìm kiếm thông tin công khai về giảng viên
Tính công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế giữa các trường chưa có sự đồng bộ. Ảnh minh họa: BS |
Tìm hiểu trang thông tin tuyển sinh chương trình liên kết của các trường, chúng tôi nhận thấy các thông tin công khai về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,... giữa các trường còn chưa đồng đều, các thông tin còn mang tính chất khái quát, chung chung.
Cụ thể, trong số 5 trường khảo sát, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất công khai đầy đủ, minh bạch các thông tin liên quan đến chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, chi phí phát sinh nếu sinh viên học thêm chương trình tiếng Anh dự bị,...
Đáng chú ý, hầu hết các trường chỉ công khai điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển đầu vào, còn ngưỡng xét tuyển là bao nhiêu lại không có số liệu công khai cụ thể. Nhìn chung, các trường thường xét 2 yếu tố: điểm học bạ trung học phổ thông với ngưỡng từ 6-6,5 điểm/môn và yêu cầu tiếng Anh 5.5 IELTS (một số trường sử dụng thêm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Về chuẩn đầu vào, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có khâu kiểm soát khá chặt chẽ khi thí sinh cần đáp ứng cả 3 yêu cầu: điều kiện xét tuyển, trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 và yêu cầu phỏng vấn do Trường Quốc tế tổ chức.
Việc xét đầu vào ở 4 trường còn lại cũng căn cứ điểm học bạ, trình độ tiếng Anh, tuy nhiên không có vòng phỏng vấn.
Trong đó, tất cả các trường đều cho phép sinh viên “nợ” chứng chỉ tiếng Anh trong trường hợp trình độ ngoại ngữ thí sinh ở thời điểm đăng ký chưa đạt theo yêu cầu. Theo đó, trường hợp thí sinh chưa có IELTS sẽ làm bài test năng lực tương đương do chương trình tổ chức, hoặc sẽ theo học chương trình tiếng Anh dự bị của trường và thi đạt chứng chỉ theo yêu cầu của chương trình trước khi công nhận và nhập học chính thức.
Chi phí học chương trình dự bị tiếng Anh là một khoản không hề rẻ. Ví dụ, ở trường Quốc tế, học phí của chương trình tiếng Anh dự bị là 11.500.000 đồng/1 sinh viên/1 cấp độ (tương đương 500 USD/1 sinh viên/1 cấp độ).
Về chuẩn đầu ra, Trường Quốc tế -Đại học Quốc gia Hà Nội công khai các yếu tố gồm yêu cầu về kiến thức, chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng bổ trợ, chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng bổ trợ. Không tìm thấy quy định chuẩn đầu ra về trình độ tiếng Anh với chương trình đào tạo ngành Kế toán.
Các trường khác chúng tôi không tìm được thông tin trên trang tuyển sinh của trường.
Tương tự với đội ngũ giảng viên, chỉ có duy nhất trang thông tin tuyển sinh của Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công khai chi tiết đội ngũ giảng viên giảng dạy.
Điều 19 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đội ngũ giảng viên của chương trình liên kết đào tạo đại học, giảng viên ít nhất phải có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với nhóm ngành giảng dạy; Trình độ ngoại ngữ không thấp hơn trình độ Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Cụ thể, trang thông tin của Trường Quốc tế công khai đội ngũ giáo viên phụ trách chương trình liên kết gồm 28 người, trình độ từ thạc sĩ trở lên, 7/28 giảng viên là người nước ngoài. Cụ thể, gồm có 5 giảng viên trình độ thạc sĩ, 21 tiến sĩ, 1 nghiên cứu viên và 1 phó giáo sư.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, có 2 trường không công khai chỉ tiêu tuyển sinh là Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Trong 3 trường còn lại, Trường Quốc tế có chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất là 130 chỉ tiêu, Trường Đại học Thương mại là 40 và Trường Đại học Hà Nội là 50 (số liệu tuyển sinh năm 2022).
Một yêu cầu quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học chính là việc nêu cao trách nhiệm giải trình, minh bạch trong các thông tin về tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế, gồm: thông tin trường đối tác và chương trình đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, các quy định về điều kiện tiếng Anh, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất,... Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng các chương trình liên kết, mặt khác còn là cơ sở để nâng cao uy tín xã hội đối với loại hình du học mới này.