Sở GD Thừa Thiên Huế: "Sóng và máy tính cho em" chậm vì làm kỹ, chắc về pháp lý

02/01/2023 06:33
AN NGUYÊN
GDVN- Ông Tân cho rằng, quá trình triển khai tuy có chậm nhưng để chắc chắn về mặt thủ tục, pháp lý, tránh các sai sót có thể xảy ra.

Sau khi có công văn đôn đốc lần 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em ngày 20/12, nhiều địa phương ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên (được thụ hưởng chế độ hỗ trợ) như: Gia Lai, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… đã khẩn trương triển khai các bước, hoàn thiện thủ tục để sớm trao máy tính cho học sinh.

Sau công văn đôn đốc lần 2 của Bộ giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai các thủ tục để mua sắm máy tính bảng cho học sinh nghèo. (Ảnh: AN)

Sau công văn đôn đốc lần 2 của Bộ giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai các thủ tục để mua sắm máy tính bảng cho học sinh nghèo. (Ảnh: AN)

Tuy nhiên, thực tế triển khai ở địa phương này cũng đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục, pháp lý trong việc thẩm định giá, chất lượng máy tính, công tác đầu thầu, mua sắm thiết bị cũng rườm rà, kéo dài.

Bởi đây cũng là lần đầu tiên, ngành giáo dục địa phương thực hiện một chương trình có mức quy mô kinh phí lớn, “chưa có tiền lệ” nên mỗi nơi lại thực hiện một kiểu. Sự chồng chéo giữa cơ chế hỗ trợ từ Bộ và các quy định địa phương đã khiến việc triển khai thêm khó và kéo dài.

Liên quan đến việc triển khai chương trình “sóng và máy tính cho em”, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện địa phương đã gần như hoàn tất các thủ tục để đấu thầu cung cấp thiết bị máy tính. Và dự kiến những tuần đầu năm 2023 sẽ trao máy cho học sinh.

“Do địa phương làm kỹ, làm chặt chẽ theo đúng các quy định. Vì “Sóng và máy tính cho em” là chương trình mang nhiều ý nghĩa do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời có sự tham gia của các nhà tài trợ.

Nên phải làm chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của các em học sinh cũng như uy tín của nhà tài trợ. Tránh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình mua sắm trang thiết bị. Tất nhiên, khi làm chặt chẽ thì nó có hơi chậm một chút.

Về cơ bản, địa phương đã hoàn thành việc tổ chức đấu thầu và dự kiến trong những ngày đầu năm 2023 này sẽ trao máy tính về tận tay các em”, ông Tân nói.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, kinh phí dành cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” ở địa phương này là hơn 11,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ chương trình do Thủ tướng phát động là 10 tỷ đồng và công đoàn kêu gọi sự quyên góp, hỗ trợ từ các mạnh thường quân là hơn 1,5 tỷ đồng.

Hiện địa phương này cũng đã hoàn tất việc thống kê số lượng học sinh được nhận máy trong đợt này.

Cũng theo ông Tân, nếu như ở các địa phương khác còn gặp khó khăn khi triển khai chương trình này (vướng các thủ tục, quy định về tài chính, mua sắm) thì ở Huế không có gì trở ngại.

“Chỉ có một vấn đề là khi nguồn kinh phí của các nhà tài trợ chuyển về phải đến tháng 7, tháng 8 mới vào tài khoản. Và từ tháng 8 đến nay, chúng tôi mới bắt đầu các thủ tục về thẩm định, đấu thầu nên cũng không phải là “quá chậm”.

Tất nhiên, phải thực hiện theo đúng các bước, các quy trình cụ thể chặt chẽ chứ không sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Với Thừa Thiên Huế, các bước làm kỹ chứ không có vấn đề gì tiêu cực trong việc tiến hành chậm cả. Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhắc nhở nhiều địa phương.

Còn lý do chậm trễ đến giờ chưa thực hiện được cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc các đơn vị tài trợ họ còn phải gom nguồn kinh phí từ nhiều nơi, nhiều nguồn chứ không phải một lúc họ có hết được.

Khi có tiền đó về, địa phương mới thực hiện được các thủ tục mua sắm. Nguồn kinh phí này rất quý nên mình phải làm chặt chẽ, dẫn đến chậm”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Tân cũng cho biết, sau khi Bộ có văn bản “nhắc nhở”, Sở đã có báo cáo trực tiếp. Trong đó, xác định dù máy chưa về nhưng đã phân công khai (công bố số lượng máy) về các địa phương. Huyện nào bao nhiêu, trường nào bao nhiêu máy… đã xong rồi, chỉ đợi máy về là phát cho các em theo đúng tên, tuổi của từng học sinh. Các khâu thẩm định, giá máy cũng đã xong.

“Mặc dù chậm nhưng do những điều kiện khách quan và địa phương cũng muốn làm cho chặt chẽ. Mua sắm thiết bị mà lỡ để xảy ra sơ suất thì không hay. Trong chương trình này, quan điểm của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở là triển khai rất rốt ráo chứ không phải không làm. Nhưng vì nguồn kinh phí mỗi thứ mỗi ít nên kéo theo chậm tiến độ”, ông Tân nhắc lại.

AN NGUYÊN