Liên quan đến việc triển khai chương trình: “Sóng và máy tính cho em”, ngày 20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình này (lần 2).
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính, đã rất lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền. Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức mua sắm máy tính bảng để bàn giao cho học sinh; đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác tham mưu gây ra sự chậm trễ trong tổ chức mua sắm.
Ngày 27/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã có lý giải về chương trình “Sóng và máy tính cho em” đang được triển khai tại Quảng Trị.
Theo đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, để triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngoài việc thực hiện các công văn, văn bản cần thiết theo các chỉ đạo của các cấp, các ngành.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các cơ sở giáo dục trong tỉnh chung tay giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu điều kiện, thiết bị để học tập.
Số tiền và hiện vật tài trợ cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” tiếp nhận được trên 38,363 tỷ đồng (trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam: 25 tỷ đồng; Ngân hàng Techcombank: 10 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị: 0,7 tỷ đồng và các tổ chức khác...).
Hình ảnh trao máy tính bảng đợt 1 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị |
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức trao máy tính bảng đợt 1, năm học 2021 - 2022 cho 650 em học sinh từ nguồn vận động hỗ trợ từ địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu, triển khai hợp đồng và bàn giao đợt 2 máy tính bảng cho 10.000 học sinh trong năm học 2022-2023 từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện triển khai thực hiện hợp đồng đợt 3 từ nguồn của Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị để trao tặng máy tính bảng cho 4.280 học sinh.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, tỉnh này đã tham mưu triển khai thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu nhằm mục tiêu chọn được nhà thầu đủ năng lực và mua sắm được thiết bị có giá cả thấp nhất đảm bảo tiết kiệm theo quy định.
Quá trình thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tuân thủ quy trình, thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng.
Lý giải về có sự chậm trễ và nằm trong danh sách đôn đốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Lê Thị Hương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu thiết bị máy tính bảng cho học sinh theo quy định của Luật đấu thầu, thiết bị với số lượng lớn yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật với các tính năng nổi trội đảm bảo an toàn cho học sinh nên các quy định về tiêu chuẩn chưa đầy đủ.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham khảo ý kiến đánh giá từ các chuyên gia đấu thầu, ý kiến về công nghệ từ Sở Thông tin và Truyền thông; ý kiến về các tiêu chí như: Tiêu chuẩn chống nước - IPX5; Tiêu chuẩn tiết kiệm điện - ENERGY STAR; Sử dụng chất liệu thân thiện môi trường – RoHS; Công nghệ lọc ánh sáng xanh... vì vậy thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu mất nhiều thời gian.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng những đánh giá trên là điều cần thiết để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo đúng quy định.