Liên quan đến việc triển khai chương trình: “Sóng và máy tính cho em”, mới đây (ngày 20/12), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình này (lần 2).
Ngày 26/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, hiện Điện Biên đang tổ chức mua các thiết bị để cấp phát cho học sinh.
Lý giải về thời gian cuối tháng 12 mới tổ chức mua thiết bị, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết, việc mua sắm thiết bị phải theo quy trình tổ chức đấu thầu theo quy định.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam trao biểu trưng 30 tỷ đồng hỗ trợ chương trình "Sóng và máy tính cho em" cho tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo Dân tộc và Miền núi |
Về văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đôn đốc triển khai chương trình, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, địa phương đã có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Cho đến thời điểm này, địa phương đã tiến hành báo cáo và đang triển khai thực hiện, không có vướng mắc gì”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, ngoài số tiền 30 tỷ đồng hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục ở Điện Biên ủng hộ 2,5 tỷ đồng cho chương trình.
Sau khi đấu thầu mua sắm, toàn bộ máy tính và các thiết bị sẽ được phát đến tận tay các em học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, tỉnh huy động tài trợ được 5.000 máy tính bảng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và 5.000 sim của Viettel, những thiết bị này đã được phát đến các em học sinh.
Theo văn bản phát đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính, đã rất lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền. Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức mua sắm máy tính bảng để bàn giao cho học sinh; đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác tham mưu gây ra sự chậm trễ trong tổ chức mua sắm.