Quảng Trị kiến nghị kinh phí đào tạo sư phạm diện NĐ 116 lấy từ nguồn trung ương

14/01/2023 06:34
Trần Phương
GDVN-  Nghị định 116 đã có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh, thu hút đầu vào… Tuy nhiên khi thực hiện vẫn còn vướng.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Nghị định 116) ra đời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học sư phạm nhưng nâng tầm lên một bước.

Được biết, Nghị định chia thành 2 nhóm: Nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu).

Qua chia sẻ, một số địa phương đang có những khó khăn nhất định khi triển khai Nghị định 116.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Huy Phương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng:

Nghị định 116 đã có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh, thu hút đầu vào… Tuy nhiên khi thực hiện vẫn còn vướng mắc.

Chẳng hạn, sinh viên được tỉnh đặt hàng (tức là tỉnh chi trả kinh phí) nhưng cơ chế/chế tài để đảm bảo sinh viên khi tốt nghiệp trở về để phục vụ tỉnh là chưa có khiến cho việc theo dõi thu hồi kinh phí hỗ trợ nếu sinh viên ra trường không làm việc cho cơ sở giáo dục gặp khó khăn, khó có thể thu hồi được.

Ngoài ra, cho dù đào tạo theo cơ chế “đặt hàng” hoặc “đấu thầu” thì sinh viên khi tốt nghiệp muốn tuyển dụng cũng phải thực hiện theo Nghị định 115 hoặc Nghị định 140.

Không có/chưa có cơ chế để tuyển dụng thẳng các sinh viên được gửi đi đào tạo theo phương thức “đặt hàng” hoặc “đấu thầu”.

Nói về tình hình triển khai Nghị định 116 tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết: “Sau khi có Nghị định 116, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Quảng Trị mới chủ động được nguồn đào tạo giáo viên mầm non với trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị trên địa bàn. Ảnh: Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị

Quảng Trị mới chủ động được nguồn đào tạo giáo viên mầm non với trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị trên địa bàn. Ảnh: Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị

Qua rà soát sơ bộ, có một số sinh viên sư phạm ra trường nhiều năm nhưng chưa có việc làm. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay tỉnh Quảng Trị đang thực hiện tinh giản 10% biên chế hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước theo lộ trình của trung ương quy định.

Đồng thời, hiện nay tỉnh Quảng Trị đang xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên các cấp học giai đoạn 2022 - 2026 tầm nhìn đến năm 2030 chưa hoàn thành.

Vì vậy, nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp vẫn chưa thể thống kê chính xác nên chưa có căn cứ để “đặt hàng” hoặc “đấu thầu” theo Nghị định 116.

Vì chưa đặt hàng nên chưa tính đến nguồn kinh phí tổ chức thực hiện. Trong trường hợp sau này đặt hàng thì sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định 116.

Cũng nói về việc rà soát, dự báo nguồn nhân lực để “đặt hàng” theo Nghị định 116, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng: “Nếu rà soát kĩ lưỡng thì việc đặt hàng có thể dự báo được 5 năm.

Tuy nhiên dự báo cho dù sát nhất vẫn là số tương đối vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví như khả năng trở lại địa phương làm việc của giáo viên, số giáo viên có thể nghỉ hưu trước tuổi, chuyển dịch dân số…

Đặc biệt, trong đó, việc lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông cũng ảnh hưởng đến dự báo nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Chia sẻ về năng lực đào tạo sư phạm tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị hiện nay chỉ có 01 trường cao đẳng sư phạm đào tạo ngành Cao đẳng sư phạm Mầm non, vì vậy khó để trường này tồn tại với một ngành nghề đào tạo duy nhất.

Hiện nay tỉnh đang chờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện theo hướng sáp nhập để trường Cao đẳng sư phạm tỉnh trở thành một phân hiệu và tiến đến phát triển thành trường đại học thành viên của một đại học vùng nhằm phát huy hết cơ sở vật chất và đội ngũ.

Trong quá trình triển khai Nghị định 116, Quảng Trị gặp thuận lợi đối với đào tạo giáo viên mầm non vì có trường cao đẳng sư phạm trực thuộc tỉnh.

Vì vậy tỉnh sử dụng phương thức “giao nhiệm vụ” bằng cách giao chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng sư phạm cho trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng phạm căn cứ chỉ tiêu giao nhiệm vụ đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao để thực hiện công tác tuyển sinh.

Những sinh viên được tuyển sinh trong phạm vi giao nhiệm vụ đó thì được tỉnh thực hiện ngay chính sách theo Nghị định 116.

Vì vậy tại Quảng Trị, Nghị định 116 được triển khai với phương thức “giao nhiệm vụ” bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến nay (năm 2021 - 66 sinh viên và năm 2022 - 93 sinh viên). Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp khó khăn như tôi đã nêu ở trên.”

Trên cơ sở khó khăn và thuận lợi khi triển khai Nghị định 116, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị kiến nghị:

“Để thực hiện Nghị định 116 được thuận lợi hơn, thay vì các tỉnh “đặt hàng”, “đấu thầu” thì cần sửa Nghị định 116 theo hướng: Các trường sư phạm được giao chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ xác định dựa trên tổng hợp nhu cầu của các địa phương và năng lực đào tạo của các trường sư phạm.

Sinh viên được tuyển sinh theo Nghị định 116 thì kinh phí được Bộ (tức là trung ương) cấp trực tiếp cho các trường sư phạm để thực hiện.

Trần Phương