16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 và bài toán lương giáo viên

27/01/2023 08:43
Kim Oanh
GDVN- Suy cho cùng, chỉ khi nào chuyện cơm áo gạo tiền không phải nghĩ ngợi thì giáo viên mới có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình.

Khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì toàn ngành phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Có những môn học mới phải tuyển dụng giáo viên như Tin học ở cấp tiểu học, giáo viên Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông nhưng cũng có những môn học sẽ thừa giáo viên- nhất là các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Song, có một thực trạng đáng lo ngại đã xuất hiện trong năm 2022 là tình trạng giáo viên ở một số tỉnh phía Nam xin nghỉ việc mà nguyên nhân chủ yếu là thu nhập hàng tháng thấp và áp lực công việc thì nhiều.

“Bao giờ giáo viên sống được bằng lương” vẫn là một câu hỏi đang ám ảnh đối với một bộ phận giáo viên hiện nay, nhất là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên có thâm niên còn ít.

Đặc biệt, gần 4 năm nay, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được giữ nguyên ở mức 1.490 000 đồng do tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19 càng khiến cho đời sống một bộ phận giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Nhiều giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 có nguyên nhân từ thu nhập (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Nhiều giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 có nguyên nhân từ thu nhập (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Hàng loạt giáo viên xin nghỉ việc trong năm 2022

Có một nghịch lý đang tồn tại ở ngành Giáo dục là nhiều sinh viên sư phạm ra trường khát khao có việc làm đúng chuyên môn, nhiều người phải đi dạy hợp đồng để giữ chuyên môn và đợi cơ hội được ký hợp đồng không xác định thời hạn để trở thành viên chức của ngành.

Nhưng, cũng có những giáo viên đã được tuyển dụng vào ngành thì lại xin ra khỏi ngành để làm việc khác.

Chính vì thế, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 sáng ngày 12/8/2022, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã cho biết địa phương này có tới 527 giáo viên nghỉ việc.

Một trong những nguyên nhân, theo bà Hằng: “Do lương của giáo viên chưa trang trải được cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”. [1]

Chiều 4/11/2022, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc thiếu giáo viên vẫn đang tiếp tục được các đại biểu quan tâm.

Ông cho biết để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, Bộ sẽ đề xuất tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nghề giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học. Đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực thì đạo mới vực được. [2]

Việc nhiều trường học thiếu giáo viên nhưng do ít chỉ tiêu tuyển dụng hoặc đã tuyển dụng được giáo viên thì một số thầy cô lại nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhà trường và mục tiêu của ngành giáo dục đang trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thế nhưng, nguyên nhân chính không thể phủ nhận được khi những giáo viên nghỉ việc là do thu nhập hàng tháng của họ chưa đủ trang trải cuộc sống gia đình. Một khi đồng lương quá eo hẹp bắt buộc nhiều thầy cô giáo phải lựa chọn giữa tình yêu nghề với chuyện cơm áo gạo tiền.

Đặc biệt là những địa phương có chi phí sinh hoạt cao và cơ hội việc làm nhiều như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương thì đồng lương giáo viên công lập rất khó để thu hút và “níu chân” một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay.

Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo đang công tác ở những khu vực khó khăn nhiều năm nhưng họ không thuyên chuyển được về gần nhà. Chi phí đi lại tốn kém, đồng lương còn eo hẹp nên một số thầy cô cũng chọn cách bỏ nghề đi đi tìm công việc khác phù hợp hơn.

Rất nhiều những lý do như vậy, dẫn đến tình trạng năm 2022 có đến 16.000 giáo viên trên cả nước nghỉ việc (tương đương với 1% giáo viên trên cả nước cho thấy một thực trạng đáng lo ngại.

Nếu như bài toán lương giáo viên chưa tìm được lời giải khả quan thì những năm tới đây nhân lực ngành giáo dục có thể tiếp tục có nhiều thầy cô dịch chuyển nghề nghiệp của mình, nhất là những giáo viên trẻ thuộc khu vực thị thành.

Lương giáo viên trẻ hiện nay rất khó trang trải cuộc sống ở những nơi đô thị

Mặc dù trước khi dịch bệnh Covid- 19 xảy ra, lương, phụ cấp nhà giáo đã điều chỉnh nhiều lần nhưng so với giá cả thị trường thì lương giáo viên trẻ rất khó lo cho bản thân trong bối cảnh hiện nay chứ chưa nói đến lo cho gia đình của họ.

Theo cách tính lương giáo viên hiện nay, 5 năm đầu không có phụ cấp thâm niên nhà giáo nên một giáo viên có trình độ đại học, đi dạy ở một trường phổ thông công lập, khi đang hưởng lương bậc 1, bậc 2 sẽ có mức lương dao động mỗi tháng khoảng 3,5- 4 triệu đồng.

Bởi lẽ, lương bậc 1 sẽ có hệ số lương 2,34; lương bậc 2 có hệ số 2,67 của lương cơ sở là 1.490.000 đồng, nhân với 30-35 % phụ cấp đứng lớp (tùy vào cấp học) nhưng sẽ bị trừ bắt buộc khoảng trên 13-15% cho các loại bảo hiểm và các loại quỹ, phí khác. Nếu không vi phạm, không bị kỉ luật thì 3 năm sẽ được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33- khoảng 500 ngàn đồng cho 1 lần tăng lương.

Thế nhưng, khác với ngành nghề khác, hàng tháng giáo viên đều phải đầu tư cho công việc giảng dạy của mình như in ấn, đồ dùng dạy học, tài liệu…cũng không hề ít so với đồng lương của mình.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách của ngành những năm qua khiến cho phần lớn giáo viên phải học thêm các loại văn bằng chứng chỉ. Nhiều thầy cô giáo phải học nâng chuẩn cho đủ chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 bằng kinh phí tự túc vì nhiều lý do khác nhau.

Nhiều giáo viên phải đi học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo các văn bản của ngành trong những năm qua cũng tốn kém không ít.

Bên cạnh đó, khi Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì hàng loạt giáo viên phải đi học chứng chỉ tích hợp. Giáo viên Tin học ở cấp tiểu học phải đi học để về dạy môn Tin học và Công nghệ theo Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT.

Giáo viên cấp trung học dạy các môn học Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý phải đi học để có chứng chỉ về dạy 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cơ bản, cho dù giáo viên đi học để lấy văn bằng, chứng chỉ theo diện nào cũng đều tốn kém rất nhiều tiền cho nhiều loại chi phí phát sinh. Và, tất nhiên, họ phải lấy kinh phí từ đồng lương ít ỏi của mình để đóng góp, trang trải việc học tập.

Trong khi, đa số giáo viên ở các địa phương không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương. Vì thế, 16.000 thầy cô giáo xin nghỉ việc trong năm 2022 không phải là điều khó lý giải.

Một khi đồng lương hàng tháng eo hẹp, nhiều giáo viên còn phải chắt bóp để đi học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác theo quy định khiến cho cuộc sống một bộ phận giáo viên ngày càng khó khăn- nhất là những thầy chưa có nhà cửa phải chi trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng.

Đứng trước những khó khăn như vậy, nhiều thầy cô giáo trẻ xin nghỉ việc cũng là điều dễ thông cảm. Suy cho cùng, chỉ khi nào chuyện cơm áo gạo tiền không phải nghĩ ngợi thì họ mới toàn tâm, toàn ý để phát triển, cống hiến cho nghề nghiệp của mình tốt và có lẽ đội ngũ nhà giáo cũng vậy.

Hy vọng, những nỗ lực của ngành giáo dục trong năm 2022 với rất nhiều chủ trương, đề xuất khác nhau thì tới đây thu nhập hàng tháng của giáo viên sẽ được cải thiện phần nào nhằm giúp họ yên tâm với công việc mà họ đã gắn bó và theo đuổi nhiều năm qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/nam-hoc-moi-2022-2023-nong-bong-chuyen-thieu-giao-vien-20220812124036452.htm

[2]https://vnexpress.net/bo-truong-nguyen-kim-son-tang-luong-giao-vien-la-viec-cap-bach-4532183.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Oanh