Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở đang nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận, một số ý kiến cho rằng, đây là chính sách quan trọng, thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục đối với đội ngũ giáo viên mầm non.
Mong có thêm chế độ khác cho giáo viên
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ quan điểm xoay quanh đề nghị tăng phụ cấp giáo viên mầm non lên 70%.
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển về trí tuệ, tinh thần và thẩm mỹ của trẻ. Do vậy, theo vị này, ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm, động viên và có những chính sách cụ thể nhằm phát triển giáo dục mầm non, đồng thời, tích cực tạo tác động làm thay đổi nhận thức của xã hội về vị trí của bậc học cũng như vai trò đội ngũ giáo viên mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Lương giáo viên thấp, đời sống vật chất, tinh thần chưa được đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên bỏ nghề, trong đó có giáo viên tâm huyết nhưng vẫn ngậm ngùi bỏ việc, chuyển nghề.
Chính vì thế, tăng phụ cấp giáo viên mầm non lên 70% đang được kỳ vọng là giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống, tâm lý giáo viên.
Chia sẻ về vất vả của giáo viên mầm non, vị phó giám đốc Sở nói: “Thực tế, mức lương và phụ cấp hiện hành cho giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng còn thấp, đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong tất cả các cấp học, giáo viên mầm non là lao động có tính đặc thù, phần nào vất vả hơn do tính chất, môi trường, công việc.
Do vậy, kiến nghị tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 70% rõ ràng là một chủ trương tích cực, thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục, nhà nước đối với giáo viên”.
Vị này nhấn mạnh, tăng lương cơ sở cộng với tăng phụ cấp 70% cho giáo viên mầm non sẽ góp phần giúp đời sống giáo viên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, đối với đội ngũ giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung cần có thêm những chính sách ưu đãi khác để tạo điều kiện phát triển tối đa cho giáo viên, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Cụ thể, theo phó giám đốc Sở này, ngoài điều chỉnh chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ về vật chất thì việc đầu tư phát triển mặt tinh thần cho giáo viên cũng rất quan trọng và cần thiết.
Thứ nhất, cần phải có thêm sự động viên, khuyến khích và tạo động lực cho giáo viên mầm non hăng say làm việc.
Vị này cho rằng, dạy học là hoạt động rất đặc thù, đòi hỏi phải có yếu tố thoải mái về tinh thần. Do vậy, cần có thêm chủ trương, những cách làm, yếu tố khác để tạo nguồn cảm hứng cho giáo viên mầm non, để họ xác định mục tiêu và tự phấn đấu, tự hoàn thiện.
Thứ hai, cần huy động thêm nguồn lực địa phương để giáo viên yên tâm công tác.
Cụ thể, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên mầm non thông qua các hoạt động nhằm khích lệ để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cụ thể như các yếu tố: nâng cao điều kiện làm việc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong nhà trường cho giáo viên, các chính sách hỗ trợ thu nhập khác từ nguồn lực xã hội, thường xuyên động viên thăm hỏi kịp thời... Từ đó, góp phần từng bước thực sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên.
Cú hích để đời sống giáo viên được thuận lợi hơn
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Trần Thị Oanh, phụ trách chuyên môn Giáo dục Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, niềm vui và cũng là may mắn của đội ngũ giáo viên mầm non đó là ngày càng được ngành giáo dục quan tâm cải thiện đời sống, điều kiện phát triển.
Theo cô Oanh, nếu kiến nghị tăng phụ cấp giáo viên mầm non lên 70% của Bộ Giáo dục và Đào tạo trở thành hiện thực sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho đời sống giáo viên mầm non của địa bàn huyện.
Giờ ra chơi của trẻ Trường Mầm non Họa Mi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). |
“Tôi thực sự cảm thấy xót xa khi nhiều giáo viên mầm non đi làm với 100% tâm huyết, trách nhiệm nhưng do hoàn cảnh gia đình kinh tế vất vả nên họ buộc phải đi làm nghề khác để có mức thu nhập cao hơn, chăm lo cho gia đình, báo hiếu cha mẹ.
Khi biết thông tin Bộ đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tôi thực sự vui mừng, phấn khởi mong cuộc sống của giáo viên mầm non tới đây sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhất là không có thêm những giáo viên bỏ nghề, đồng thời thu hút giáo viên trẻ về công tác tại các cơ sở giáo dục”, cô Oanh chia sẻ.
Theo đó, cô Oanh cho rằng, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non giúp giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt hàng ngày cho giáo viên. Đồng thời, giảm áp cho giáo viên trong bối cảnh nhiều đồng nghiệp đang có tư tưởng bỏ việc.
Cô Oanh tâm sự: “Theo tôi tìm hiểu, có một số giáo viên là lao động chính trong gia đình, có người nuôi bố mẹ già, con nhỏ nên mức lương hiện tại không đủ để họ lo cho cuộc sống, người thân, chứ chưa kể đến tích lũy, có tài chính để xoay sở lúc ốm đau.
Vùng III là khu vực đặc biệt khó khăn, điều kiện giao thông đi lại không thuận lợi nhưng mỗi ngày có những giáo viên phải di chuyển hơn 30 km để đến trường. Tính cả đi và về trong ngày sẽ rất vất vả nhưng họ vẫn phải về với gia đình vì có con nhỏ. Còn những giáo viên gia đình thấu hiểu, thu xếp được thì họ sẽ ở lại trường chứ không về vì đường quá xa, tốn tiền xăng xe và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Giáo viên đi dạy đều nhưng vẫn phải làm thêm những công việc khác để tăng nguồn thu nhập nên rất vất vả. Hơn nữa, thiếu giáo viên nên họ phải kiêm thêm nhiệm vụ khác. Cường độ công việc cao nên đôi khi giáo viên cảm thấy áp lực nặng nề, không thể giải tỏa.
Có một khó khăn nữa ở khu vực III đó là giáo viên phải làm thêm giờ như đón trẻ đến lớp sớm, trông nom trẻ buổi trưa. Song, việc huy động nguồn lực xã hội để chi trả hỗ trợ thời gian làm thêm ngoài giờ cho giáo viên khó thực hiện vì hầu hết gia đình ở khu vực III là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn”.
Theo chia sẻ của cô Oanh, hiện tại, có một số trường hợp giáo viên đã làm đơn xin nghỉ việc. Qua thăm hỏi nắm bắt tâm tư, những giáo viên này thể theo nguyện vọng muốn đổi việc với nguyên nhân chính là mức thu nhập không đủ để họ trang trải cuộc sống.
“Càng ngày công việc của giáo viên mầm non càng đặt ra yêu cầu cao hơn về chuyên môn. Đơn cử, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, trong các nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thì riêng nhiệm vụ giáo dục trẻ phải thực hiện đổi mới theo hướng mở.
Do đó, để tổ chức hoạt động giáo dục trẻ theo hướng mở thì đòi hỏi giáo viên phải có nghiên cứu và đầu tư hơn.
Với phương châm giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm thì mọi hoạt động phải hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Để làm tốt nhiệm vụ này thì buộc giáo viên phải được bồi dưỡng, có độ sâu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
Theo quy luật, khi yêu cầu về giáo viên tăng lên để đáp ứng mục tiêu giáo dục đổi mới thì chính sách tiền lương, phụ cấp cũng cần phải được điều chỉnh. Do vậy, theo tôi, việc tăng lương cơ sở và phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 70% về cơ bản sẽ tạo thuận lợi, là món quà động viên giáo viên. Nhất là trong hơn 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lương không tăng trong khi lạm phát kinh tế tác động lớn đến đời sống xã hội.
Bậc học mầm non không phải chỉ dừng lại ở nuôi dưỡng, chăm sóc mà cần phải chăm sóc trẻ. Trước đây, nhiều người quan niệm rằng “mầm non thì có gì mà phải học”. Thế nhưng ngày nay, có thể thấy, từ phụ huynh vùng nông thôn hay thành thị đều đang có những bước chuyển theo hướng nhìn nhận đúng về giáo dục mầm non.
Đặc biệt, thông qua những kiến nghị, đề xuất tăng lương, phụ cấp cho giáo viên của người đứng đầu ngành giáo dục đã cho thấy sự quan tâm đầu tư và chăm lo nhiều hơn cho đội ngũ giáo viên mầm non, giúp họ có động lực để tiếp tục yên tâm ở lại với nghề”, cô Oanh chia sẻ kỳ vọng.
Có thế thấy, muốn có giải pháp khắc phục khó khăn thì phải tìm ra nguyên nhân. Và chuyện 40% giáo viên mầm non nghỉ việc có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất đó là chính sách tiền lương, đãi ngộ chưa đảm bảo.
Chăm lo đến đời sống của giáo viên cũng chính là đầu tư cho giáo dục. Do đó, thực hiện chương trình mới, yêu cầu với giáo viên cao hơn thì chính sách tiền lương, phụ cấp tăng lên là một quyết sách hoàn toàn thấu tình, đạt lý.