Tới đây, Bộ GD sẽ quy định chặt chẽ về kiểm định chương trình liên kết quốc tế

20/02/2023 06:33
Thủy Tiên
GDVN- Bộ GD sẽ quy định chi tiết về kiểm định chương trình, công nhận văn bằng và minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết quốc tế.

Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học mở hướng đào tạo theo cách cho sinh viên “du học tại chỗ" với các chương trình liên kết quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng tuyển sinh của những chương trình liên kết quốc tế này đang đặt ra nhiều “dấu hỏi”, nhất là có những trường công khai tuyển sinh “không yêu cầu trình độ ngoại ngữ ở thời điểm nhập học”.

Điều này được cho là không đảm bảo theo quy định về chuẩn ngoại ngữ tại Điều 16 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Việc này cũng khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại về chất lượng tuyển sinh, dự báo tình trạng sinh viên có thể “nản” và bỏ học; hoặc nhà trường có thể “dễ dãi” với các yêu cầu chuẩn đầu vào... dẫn đến chất lượng đào tạo không cao.

Trước những lo ngại trên, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chia sẻ về những vấn đề cần thực hiện nhằm “siết” chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Anh Dũng, chất lượng các chương trình liên kết quốc tế tại một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang đặt ra nhiều “dấu hỏi”. Qua giám sát, thực hiện vai trò quản lý, Vụ Giáo dục đại học có nhận định như thế nào về vấn đề trên?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Nghị định 86/2018/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ về cơ sở giáo dục đại học (trong nước và ngoài nước) tham gia thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài các trình độ của giáo dục đại học (đã được kiểm định/công nhận về chất lượng giáo dục; chương trình đào tạo của nước ngoài đã được kiểm định/công nhận về chất lượng giáo dục ở nước sở tại; chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam).

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Thủy Tiên.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Thủy Tiên.

Ngoại ngữ là yêu cầu đầu vào bắt buộc theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đối với sinh viên tham gia chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đối với các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đối tượng tuyển sinh phải có trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương; trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh phải có trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Nghị định 86 cũng quy định: “Căn cứ nhu cầu của người học, các cơ sở giáo dục liên kết có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ giúp học viên đạt trình độ quy định tại điểm d khoản này trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa”.

Vì vậy, các cơ sở đào tạo có thể tuyển sinh và tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa.

Đặc biệt, sự phát triển bền vững của các cơ sở đào tạo phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, và người học ngày nay có nhiều thông tin, có nhiều lựa chọn, không hề dễ dãi, nhất là khi phải trả học phí cao trong những chương trình liên kết.

Những cơ sở đào tạo luôn chú trọng tới chất lượng sẽ ngày càng thu hút được thí sinh, ngược lại dễ dãi về mặt chất lượng thì sớm muộn cũng sẽ đánh mất uy tín và không được thí sinh chọn học.

Phóng viên: Được biết, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn liên quan đến các chương trình liên kết quốc tế qua các Thông tư. Vậy cụ thể, các Thông tư sẽ tập trung đến những nội dung nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Thông tư tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo (chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...) trong tổ chức đào tạo, trách nhiệm của các bên liên kết, quy định chế tài xử lý khi vi phạm trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tại Việt Nam theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ quy định chi tiết về kiểm định chương trình đào tạo và công nhận văn bằng nhằm bảo đảm quyền lợi của người học và minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định chi tiết về kiểm định chương trình đào tạo, công nhận văn bằng và minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định chi tiết về kiểm định chương trình đào tạo, công nhận văn bằng và minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Ảnh minh họa: Thủy Tiên.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, xếp hạng của các trường đối tác trên thế giới không phải là yếu tố quyết định toàn bộ chất lượng chương trình liên kết, bởi lẽ có những trường tốt nhưng không tham dự bất kỳ bảng xếp hạng nào. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học trong nước cũng nên có thêm căn cứ để chọn được đối tác có uy tín, để nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy, các cơ sở giáo dục có thể dựa trên những căn cứ gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Hiện tại, Nghị định 86/2018/NĐ-CP chưa quy định bắt buộc phải lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài đã được xếp hạng trong các bảng xếp hạng có uy tín của thế giới.

Tuy nhiên, để thu hút sinh viên tham gia các chương trình đào tạo có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thường tìm những cơ sở giáo dục đại học tốt trên thế giới đã được xếp hạng để hợp tác/liên kết đào tạo.

Trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ (nếu đáp ứng điều kiện) quyết định lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín để liên kết và cùng tham gia tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nhằm tăng uy tín của mình.

Nhằm bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thủy Tiên