HV Tài chính thay đổi chuẩn đầu ra ngoại ngữ với K57, SV lo lắng, hoang mang

23/08/2022 06:24
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  "Chúng em phải thi chuẩn đầu ra 4 kỹ năng mà điểm số tối thiểu cần đạt của các kỹ năng đó được quy định rất cao so với năm trước", Vũ L. cho hay.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số sinh viên Học viện Tài chính về việc nhà trường thay đổi quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên khóa 57. Theo đó, sinh viên phải đạt chứng chỉ chuẩn đầu ra với 4 kỹ năng (nghe hiểu, nói, đọc hiểu, viết) thay vì chấp nhận chuẩn đầu ra 2 kỹ năng (nghe hiểu, đọc hiểu) như khóa 56 trở về trước.

Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ, Học viện Tài chính cũng đưa ra Bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng từ năm học 2022-2023 để sinh viên tham khảo. Thế nhưng, nhìn vào bảng tham chiếu này, nhiều sinh viên lo lắng không thể ra trường đúng hạn vì yêu cầu điểm số quy đổi tương ứng ở cả 4 kỹ năng của chứng chỉ TOEIC quá cao. Theo chia sẻ, sinh viên thường chọn thi chứng chỉ TOEIC.

Đối chiếu với số điểm tối đa của bài thi TOEIC hiện nay thì mức điểm tối đa cụ thể của 4 kỹ năng như sau: Nghe hiểu: 495 điểm; đọc hiểu: 495 điểm; viết: 200 điểm, nói: 200 điểm.

Theo quy định mới của Học viện Tài chính, sinh viên khóa 57 hệ đại trà phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam tương đương IELTS 4.5, TOEFL iBT 45, TOEIC (4 kỹ năng), trong đó: nghe hiểu: 275 điểm; đọc hiểu: 275 điểm; nói: 120 điểm; viết: 120 điểm.

Sinh viên hệ chất lượng cao phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam tương đương IELTS 5.5, TOEFL iBT 60, TOEIC (4 kỹ năng), trong đó: nghe hiểu: 400 điểm; đọc hiểu: 385 điểm; nói: 160 điểm; viết: 150 điểm.

Sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc 5 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam tương đương IELTS 7.0, TOEFL iBT 95, TOEIC (4 kỹ năng), trong đó: nghe hiểu: 490 điểm; đọc hiểu: 455 điểm; nói: 180 điểm; viết: 180 điểm.

Bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng từ năm học 2022-2023 mà Học viện Tài chính sử dụng làm căn cứ xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ. (Ảnh: Sinh viên cung cấp)

Bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng từ năm học 2022-2023 mà Học viện Tài chính sử dụng làm căn cứ xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ. (Ảnh: Sinh viên cung cấp)

Theo phóng viên tìm hiểu, đối với các sinh viên trước khóa 57, Học viện Tài chính áp dụng quy định sinh viên chỉ cần đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh với 2 kỹ năng (nghe hiểu, đọc hiểu). Với Bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên, chứng chỉ TOEIC cũng có mức quy đổi điểm thấp hơn hẳn.

Trong bảng tham chiếu năm trước, ở khung năng lực ngoại ngữ bậc 3, số điểm được tính chung cho 2 kỹ năng (nghe hiểu, đọc hiểu) là 450; nói: 105 điểm; viết: 90 điểm; ở khung bậc 4 thì điểm tính chung cho cả 2 kỹ năng (nghe hiểu, đọc hiểu) là 600; nói: 140 điểm; viết: 130 điểm; ở khung bậc 5, điểm tính chung cho cả 2 kỹ năng (nghe hiểu, đọc hiểu) là 850; nói: 170 điểm; viết: 165 điểm.

Ảnh: Sinh viên cung cấp.

Ảnh: Sinh viên cung cấp.

Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Lương C. cho biết: "Quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ với chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng mới bắt đầu áp dụng từ khóa em học - là khóa 57. Em thấy tiếng Anh khá quan trọng trong thời đại hội nhập như hiện nay, việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ này cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, ngành em học không yêu cầu sử dụng tiếng Anh quá nhiều. Đối chiếu với điểm quy định từng kỹ năng, em thấy hơi "quá sức".

Em khá lo lắng về vấn đề này. Em là sinh viên năm cuối và cũng đang tập trung học tốt những môn chuyên ngành còn lại để đủ điều kiện tốt nghiệp. Em không giỏi tiếng Anh nên với chuẩn mới này em thấy áp lực".

Là sinh viên hệ đại trà, Lương C. phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Sinh viên C. dự định thi chuẩn đầu ra tiếng Anh với 4 kỹ năng tại trường và thi TOEIC 2 kỹ năng vì chứng chỉ của trường cấp chỉ để xét tốt nghiệp, không có hiệu lực ở bên ngoài nên khi đi phỏng vấn xin việc em cũng không dùng đến.

Tương tự, sinh viên Vũ L. cho rằng: "Bảng tham chiếu mà nhà trường đưa ra, cụ thể với phần chứng chỉ TOEIC khiến nhiều sinh viên hoang mang. Chúng em phải thi chuẩn đầu ra 4 kỹ năng mà điểm số tối thiểu cần đạt của các kỹ năng đó được quy định cao hơn hẳn so với năm trước.

Vốn tiếng Anh của em không được tốt nên việc phải thi 4 kỹ năng với mức điểm yêu cầu cao như vậy, em sợ mình có thể ra trường muộn".

Cùng tâm trạng này, sinh viên Nguyễn T. bày tỏ sự lo lắng: "Em dự định sẽ thi chuẩn đầu ra vào đầu năm sau vì chương trình học sắp tới của em khá nặng, nhiều môn khó, em phải ưu tiên dành thời gian để hoàn thành chương trình học trước.

Em và các bạn đều lo vì quy định mới này và không rõ trường căn cứ vào đâu để đưa ra bảng tham chiếu quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ với số điểm quy đổi của chứng chỉ TOEIC sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cao như vậy.

Em cũng không thấy trường thông báo hay phổ biến gì về quy định chuẩn đầu ra mới. Em biết được sự thay đổi này thông qua một số nhóm trao đổi thông tin trên mạng xã hội và qua các bạn học cùng khóa".

Liên quan đến vấn đề này, trả lời những thắc mắc của sinh viên, thầy Nguyễn Bá Thịnh, đại diện Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Học viện Tài chính cho biết, khi khóa 57 nhập học, trong tuần đầu sinh hoạt công dân, nhà trường đã thông báo và phổ biến rõ những yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ tới các em.

"Sinh viên có thể chứng minh đạt chuẩn bằng 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC (4 kỹ năng)… sau đó nộp hồ sơ về Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học để đề nghị xét đạt chuẩn đầu ra. Ngoài những chứng chỉ quốc tế này, trung tâm vẫn chấp nhận các chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của các trường đại học được phép cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện có 21 trường cấp chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc, theo Thông báo 297/TB-QLCL của Cục Quản lý chất lượng - PV)

Hình thức thứ hai là đăng ký tham dự các kỳ thi sát hạch tiếng Anh chuẩn đầu ra tại Học viện Tài chính, kết quả của kỳ thi là căn cứ xét đạt chuẩn đầu ra.

Trung tâm không khuyến khích sinh viên thi TOEIC 4 kỹ năng, các em nên thi IELTS, TOEFL iBT hoặc thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của các trường đại học tổ chức, bởi TOEIC 4 kỹ năng có chi phí thi khá cao và rất ít khi tổ chức", thầy Thịnh thông tin.

Cũng theo thầy Thịnh, bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được nhà trường sử dụng dựa trên bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 và bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học lấy mức điểm thấp nhất của bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 và bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ để làm căn cứ xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên khóa 57. Mức điểm này cũng là điều kiện đối với chuẩn đầu vào chương trình đào tạo thạc sĩ của trường.

"Càng ngày chuẩn đầu ra ngoại ngữ càng phải được nâng lên chứ không thể hạ xuống. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Học viện Tài chính hiện vẫn còn thấp so với một số trường đại học khác.

Năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định mới đối với sinh viên khóa 57 nên không tránh khỏi việc các em hoang mang, lo lắng. Còn điều gì chưa hiểu, chưa rõ, các em có thể đến trung tâm để được các thầy cô giải đáp, hỗ trợ", thầy Thịnh nói.

Hoài Ân