Chưa được tăng học phí, nhiều trường ĐH vừa được giao quyền tự chủ gặp khó

17/02/2023 06:47
AN NGUYÊN
GDVN- Các trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2022-2025 gặp khó khi áp dụng Nghị quyết 165 vì chưa được tăng học phí.

Ngày 16/2, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo”.

Các trường tự chủ gặp khó

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã báo cáo với Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng như những thành tích trong công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đại học Đà Nẵng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để giúp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165. Ảnh: AN
Đại học Đà Nẵng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để giúp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165. Ảnh: AN

Đồng thời, cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo.

"Việc thu hút, giữ chân người tài, cán bộ, giảng viên giỏi hiện gặp rất nhiều khó khăn do một số bất cập trong cơ chế, chính sách và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cơ sở đào tạo.

Công tác chuẩn hóa đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, sinh viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức", đại diện Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng đã nêu lên những bất cập về quy định, chính sách đang gây khó cho các cơ sở giáo dục thành viên hiện nay.

Cụ thể, Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm 2022-2023 tại khoản 2 quy định: "Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021.

Trong khi đó, ngày 27/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 399 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2022-2025 cho Trường Đại học Bách khoa và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (thuộc Đại học Đà Nẵng).

Theo đó, các đơn vị này tự bảo đảm thu chi thường xuyên và không được giao dự toán chi thường xuyên từ năm 2022.

Nếu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 165 và Nghị định số 81 nêu trên, mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên không được tăng. Trong khi không được cấp ngân sách chi thường xuyên gây khó khăn về tài chính cho các đơn vị tự chủ.

Từ thực tế đó, Đại học Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để giúp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ theo 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: Tại điểm b, khoản 2 điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định học phí từ năm học 2022-2023: “Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này tương ứng với từng khối ngành và từng năm học”.

Để tạo điều kiện đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, đề xuất được vận dụng quy định này cho mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên.

Phương án 2: Trong trường hợp không được tăng học phí như đề xuất ở mục 1, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học tự bảm đảm chi thường xuyên theo quyết định số 399 của Bộ giáo dục và Đào tạo như trước đây để đảm bảo nguồn lực cho các đơn vị hoạt động.

Vì nếu bị cắt kinh phí chi thường xuyên mà không được tăng học phí thì trường tự chủ sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, khó thu hút được nhân tài.

Ủng hộ Đại học Đà Nẵng lên Đại học Quốc gia

Trao đổi với Đoàn công tác, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ cũng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục Đại học. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp.

"Trong mô hình đại học 2 cấp thì đại học vùng vừa là cấp trên, được phân cấp, ủy quyền thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý các trường đại học thành viên như vai trò của Bộ đối với các trường trực thuộc Bộ.

Nhưng cũng vừa là đơn vị sự nghiệp do có các đơn vị trực thuộc. Vì vậy, cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trách nhiệm của giám đốc, Hội đồng đại học, Hội đồng trường trong mô hình đại học 2 cấp", thầy Vũ nói.

Về chủ trương xây dựng thành Đại học Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ủng hộ.

Đồng thời, có các ý kiến với các Bộ, ngành liên quan về chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết trên.

"Việc phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia sẽ tạo được bước ngoặt về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững kinh tế xã hội của các địa phương trong những năm tới.

Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư công nghệ mới, những ngành nghề có yêu cầu hàm lượng chất xám cao, góp phần quan trọng và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đại học Quốc gia Đà Nẵng khi thành lập có trụ sở chính tại thành phố Đà Nẵng – địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực và các đơn vị đào tạo thành viên được sáp nhập từ các trường đại học thuộc các địa phương trong vùng.

Việc sáp nhập này cũng phù hợp với Nghị quyết số 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", lãnh đạo Đại học Đà Nẵng nêu.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thay mặt đoàn khảo sát đánh giá cao những thành tựu mà Đại học Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến, đề xuất của Đại học Đà Nẵng và sẽ có những kiến nghị kịp thời với các các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

Đại học Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ủng hộ và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan về chủ trương thành lập Trường Đại học Việt – Anh (Đại học Đà Nẵng) trên cơ sở phát triển Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Chủ trương này đã được Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc.

AN NGUYÊN