Chưa tăng học phí theo Nghị quyết 165, các trường sư phạm không bị ảnh hưởng

16/01/2023 06:41
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo một số trường đại học cho biết, việc giữ nguyên mức thu học phí đại học không ảnh hưởng nhiều đến các trường, bởi trước đó trường chỉ tăng ít học phí.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thực hiện Nghị định trên, năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã thu học phí theo mức trần học phí. [1]

Nghị định 81 quy định về mức trần học phí đối với các ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. (Ảnh: chụp màn hình)

Nghị định 81 quy định về mức trần học phí đối với các ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. (Ảnh: chụp màn hình)

Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục đại học và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Theo đó, mức thu học phí năm học 2022-2023 sẽ bằng mức thu học phí năm học 2021-2022. [2]

Liên quan đến vấn đề học phí, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho hay, vào đầu năm học 2022-2023 đơn vị dự kiến tăng mức thu học phí theo Nghị định 81 nhưng sau đó Nghị quyết 165 được ban hành, đơn vị đã điều chỉnh lại.

"Khi có Nghị quyết của Chính phủ về việc này, Hội đồng trường cũng đã họp với Ban giám hiệu nhà trường, quyết định giữ nguyên mức học phí như năm ngoái", thầy Tùng cho hay.

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. (Ảnh: Website nhà trường)

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. (Ảnh: Website nhà trường)

Về câu hỏi, không tăng học phí có ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ của các trường đại học hay không, thầy Tùng cho hay, việc này cũng có tác động đến nguồn thu của nhà trường nhưng không nhiều. Bởi lẽ đơn vị đang điều chỉnh mức học phí theo lộ trình, trước đó nếu có tăng học phí cũng chỉ tăng ít, phụ thuộc tính chất của ngành đào tạo.

"Nghị quyết 165 của Chính phủ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các gia đình, bởi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội trong những năm vừa qua.

Việc giữ nguyên mức học phí không có ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch chung của nhà trường. Nếu tăng học phí, nhà trường sẽ thuận lợi hơn, nguồn thu tăng sẽ tạo ra những bước cân đối chi phí để phục vụ cho nhiều hoạt động đào tạo liên quan", thầy Tùng chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết thêm, dù còn có những khó khăn nhưng năm nay nhà trường đạt được mục tiêu đề ra trong đề án tuyển sinh.

Được biết, trước khi Nghị quyết 165 được ban hành, mức học phí năm 2022 của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định dự kiến sẽ tăng 5%. Tương đương mỗi tín chỉ dành cho sinh viên sẽ dao động từ 420 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng.

Thông tin thêm về nội dung trên, lãnh đạo một trường đại học tại khu vực quận Bắc Từ Liêm (Thành phố Hà Nội) cho hay, trước khi Nghị quyết 165 được ban hành, nhà trường cũng đã thực hiện thu xong học phí học kỳ I, năm học 2022-2023.

Theo đó, nhà trường đã thực hiện tăng học phí so với năm học trước, nhưng mức tăng ít. Khi có Nghị quyết 165, nhà trường sẽ thực hiện điều chỉnh theo Nghị quyết này.

"Trong Nghị quyết 165 có nêu giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm 2021-2022.

Theo đó, nhà trường là sẽ rà soát và trả lại tiền học phí thừa của sinh viên đã đóng tại học kì I vào học kì II", vị này cho biết.

Liên quan đến việc thu học phí theo Nghị quyết 165, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một số trường như: Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương... cho biết, việc thay đổi trên không tác động đến hoạt động đào tạo của nhà trường. Bởi các đơn vị sư phạm thực hiện đào tạo sinh viên theo Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho hay, năm học 2022-2023, đơn vị đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, áp dụng cho sinh viên có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Đối với sinh viên ngoài tỉnh, sẽ đào tạo theo nhu cầu của người học.

Theo đó, việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của đơn vị sẽ dựa trên việc cân đối ngân sách tỉnh. Điều này đồng nghĩa, hoạt động đào tạo của nhà trường, các nguồn chi cho giảng viên, cán bộ, nhân viên đã được tỉnh chi.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hường cho biết thêm, đối với sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh nếu không đăng ký đào tạo theo Nghị định 116, cũng sẽ được ưu tiên không phải đóng học phí, bởi tỉnh đã giao ngân sách cấp bù theo chỉ tiêu để nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2021/08/81.signed.pdf

[2]: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/12/165-cp.signed.pdf

Mạnh Đoàn