Xét tuyển thẳng IELTS ở phổ thông: Bộ GD cần “kê đơn”, “tuýt còi”

25/02/2023 06:38
Ngân Chi
GDVN-Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, với vai trò quản lý, Bộ GD&ĐT phải xem xét mức độ cần thiết của những “ưu ái” đối với chứng chỉ IELTS để kịp thời điều chỉnh.

Học IELTS khi chưa sẵn sàng, không khác nào nhồi nhét

Có trường phổ thông cho phép tuyển thẳng vào lớp 6, lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ IELTS, điều này đang khiến một số giáo viên, chuyên gia giáo dục băn khoăn về chất lượng, hiệu quả thực sự.

Là một giáo viên môn tiếng Anh, lại luôn nhận được những câu hỏi của nhiều phụ huynh về việc cho con học và thi IELTS, cô giáo Phạm Thị Liên (Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên - Hà Giang) nhìn nhận: “Với học sinh phổ thông, dù là tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông, các em cũng chỉ nên học IELTS khi bản thân đã đủ kiến thức nền tảng, đủ hiểu và có thể áp dụng những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết cho IELTS.

Theo tôi, đây là một kỳ thi mang tính học thuật và hàn lâm cao, nếu các em học sinh chưa chuẩn bị được một kiến thức nền thật tốt, thì việc học IELTS thực sự rất áp lực. Trước khi học IELTS, ít nhất học sinh cũng cần phải có khoảng 5-6 năm trau dồi tiếng Anh, kiến thức nền thật vững rồi mới học tốt được. Nếu phụ huynh “ép” con phải học khi con chưa sẵn sàng, thì chính việc học không hiệu quả và gặp nhiều áp lực sẽ dẫn đến chuyện bản thân học sinh dễ chán, dễ nản, dẫn đến giảm chất lượng giáo dục.

Cô giáo Phạm Thị Liên (giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên - Hà Giang) cho rằng: “Khi học sinh chưa sẵn sàng, việc học IELTS không khác nào nhồi nhét”. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Phạm Thị Liên (giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên - Hà Giang) cho rằng: “Khi học sinh chưa sẵn sàng, việc học IELTS không khác nào nhồi nhét”. Ảnh: NVCC.

Vậy nên, tôi cho rằng, việc một số trường căn cứ vào chứng chỉ IELTS để xét tuyển thẳng thí sinh ở phổ thông là thực sự không phù hợp.

Nhất là với các em ở bậc tiểu học, độ tuổi này còn quá non nớt, chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiếng Anh, khả năng tập trung cũng rất khó, chưa đủ năng lực để tham gia các khóa học IELTS. Vậy mà lại có những trường cho phép xét tuyển thẳng cả với học sinh vào lớp 6 (tức là các em phải học tiếng Anh khi là học sinh tiểu học), độ tuổi này mà học IELTS là hoàn toàn không ổn”.

Cô giáo Liên cũng cho biết thêm: “Học sinh tiểu học cũng như những năm đầu trung học cơ sở, cần phát huy năng lực toàn diện. Việc học sinh phổ thông đi học và thi IELTS quá sớm, đồng nghĩa với việc các em phải dành nhiều thời gian tập trung vào chứng chỉ này, điều đó sẽ khiến các em có thể không tập trung vào các khía cạnh khác như rèn luyện khả năng và tư duy sáng tạo,... đồng thời, các em cũng sẽ bỏ lỡ những kiến thức và kỹ năng cơ bản của các môn học khác, kể cả với ngay môn tiếng Anh (tại trường). Khi các em chưa sẵn sàng, việc học IELTS không khác nào nhồi nhét”.

“Cũng có nhiều phụ huynh thường hỏi tôi có nên cho con học IELTS hay không, nhưng tôi thường tư vấn rất kỹ càng, một mặt để bố mẹ nắm bắt được tâm tư và nhu cầu của con, mặt khác để con có thời gian tiếp xúc và trau dồi tiếng Anh cơ bản trước, chuẩn bị kiến thức nền đủ để đáp ứng rồi mới nghĩ đến IELTS.

Ngay như với con trai tôi, mặc dù đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm, nhưng đến đầu năm lớp 11, thấy con có nhu cầu và nền tảng cũng đã tốt, cũng như đã có khả năng tập trung để học, tôi mới để con đăng ký học IELTS.

Việc học IELTS của con cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của học sinh, khi con chưa sẵn sàng thì không thể học được. Nếu bố mẹ mà theo trào lưu, chỉ vì lạm dụng và “thần thánh hóa” chứng chỉ IELTS, mà quyết định cho con học sớm quá thì sẽ không hiệu quả” - cô Phạm Thị Liên bày tỏ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kiểm soát tình trạng lạm dụng IELTS

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: “Thực tế vấn đề tuyển sinh với IELTS cũng phần nào phản ánh mặt tích cực của chủ trương tăng cường học ngoại ngữ ở phổ thông và cũng có thể kích thích tình yêu với môn tiếng Anh ở lứa tuổi học trò.

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng chứng chỉ này, xem đó như một “tấm vé” ưu tiên cho quá nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh, thì lại có thể không còn là điều tốt.

Nói dễ hiểu hơn, giống như khi chúng ta ăn một món thịt, có thể sẽ thấy ngon, nhưng cũng không thể vì thấy thịt ngon mà lạm dụng chỉ bày toàn món thịt trong một bữa ăn. Xét cục bộ, món ăn đó vẫn cần thiết cho cơ thể, nhưng quá liều lượng thì gây hại đối với cơ thể.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm soát, điều chỉnh những dấu hiệu về việc lạm dụng chứng chỉ IELTS. Ảnh: Ngân Chi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm soát, điều chỉnh những dấu hiệu về việc lạm dụng chứng chỉ IELTS. Ảnh: Ngân Chi.

Vậy nên, chúng ta mặc dù không thể phủ nhận sự cần thiết trong việc trau dồi trình độ tiếng Anh và học IELTS, tuy nhiên, nếu quá lạm dụng bằng cách này cách khác sẽ dẫn đến những tác hại”.

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Tôi muốn gửi đến các bậc phụ huynh học sinh một lời khuyên, lựa chọn làm sao cho đúng và vừa phải. Mong rằng các bậc phụ huynh, các nhà trường sẽ tìm hiểu thật kỹ, sự cần thiết của những chứng chỉ này đến mức độ nào, và sức học của con mình đến đâu, không làm theo kiểu thái quá, phải chạy theo bằng mọi giá, bắt học sinh sa vào mà học, mà luyện IELTS... làm vậy nguy cơ còn gây hậu quả ngược đến chính chất lượng học tiếng Anh của con.

Bên cạnh đó, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải xem xét mức độ cần thiết của các chứng chỉ IELTS, cũng như những “ưu ái” đối với chứng chỉ này để có sự kiểm soát, điều chỉnh kịp thời. Cũng giống như một “người thầy thuốc”, Bộ phải đóng vai trò “kê đơn” theo một liều lượng cụ thể như thế nào là hữu ích, để khi thấy dấu hiệu lạm dụng, sử dụng quá liều lượng, thì phải “tuýt còi” để tránh những tác hại kéo theo”.

Ngân Chi