Trò chuyện cùng PGS Trần Xuân Nhĩ – người đề xuất ngày 20/11 là ngày Nhà giáo VN

16/11/2022 06:24
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm 1982, ngày 20/11 là ngày truyền thống của ngành giáo dục tôn vinh những người làm công tác “trồng người”.

Vì sao ngày 20/11 trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam?

Để hiểu rõ hơn về ngày này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Đặc biệt, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chính là người đề xuất lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

Chia sẻ với phóng viên, thầy Trần Xuân Nhĩ nhớ lại: “Năm 1981, tôi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình điều động từ Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo như ngày nay. Tôi được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống của giáo viên. Chính vì vậy, khoảng thời gian đó, lúc nào tôi cũng suy nghĩ, trăn trở muốn chăm lo, cải thiện đời sống giáo viên thì cần phải làm gì?

Có thể nói, những năm 1980, khi đất nước đã thống nhất nhưng đời sống nhân dân còn rất khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó nhưng tất cả giáo viên đều cố gắng hết sức để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Nhận thấy tinh thần đáng quý đó của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã gặp và bảo tôi phụ trách việc chăm lo đời sống giáo viên thì có cách gì để giáo viên trụ vững để vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng, muốn cải thiện đời sống giáo viên thì trước hết phải cải thiện tiền lương. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế còn đang khó khăn chung như vậy, việc đề xuất tăng lương là không khả thi. Số lượng giáo viên hàng triệu người, tăng cho mỗi người vài nghìn đồng tiền lương thì khi thống kê lại cũng trở thành một khoản tiền không nhỏ đè nặng ngân sách nhà nước. Thế rồi, tôi suy nghĩ, ngành giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân giao phó”.

Thầy Trần Xuân Nhĩ khi đó với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành giáo dục nên tận dụng và phát huy. Thầy Trần Xuân Nhĩ đã báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về suy nghĩ của mình và đề xuất: Tuy ngày 20/11 - ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đã kết thúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình từ cuối những năm 1970, nhưng ở Việt Nam tinh thần của Bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, vẫn được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm thực hiện.

Hàng năm ngành giáo dục đào tạo và Nhân dân vẫn chào đón ngày 20/11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước. Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, để rồi hằng năm tổ chức để động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành giáo dục.

Đề xuất này được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đồng ý, giao cho Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ chủ trì trao đổi với các bộ, ngành liên quan, với Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Sau khi có sự đồng thuận của các bên, soạn thảo văn bản, tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Như vậy, một sự kiện có tính quốc tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã được Việt Nam lưu giữ và phát huy, trở thành ngày truyền thống của đất nước.

“Từ đó đến nay, mỗi khi đến ngày 20/11, nhà giáo luôn là đối tượng được tôn vinh, được tặng hoa, tặng quà nâng cao tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, làm tốt nhiệm vụ dạy và học.

Sau 40 năm triển khai, tôi nhận xét là năm sau bao giờ cũng tốt hơn năm trước. Phụ huynh, học sinh, mọi người trong xã hội đều rất háo hức khi đến ngày này và coi đó như một lễ hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cảm nhận.

Mang trên vai một chữ “Thầy” nhắc nhở bản thân phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Trước khi lên công tác ở Bộ Giáo dục, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đã từng có nhiều năm gắn bó với nghề dạy học trực tiếp và là thầy giáo đã đào tạo ra nhiều lớp thế hệ học sinh, sinh viên.

Ảnh minh họa: Trần Lý

Ảnh minh họa: Trần Lý

Cụ thể, từ năm 1951, thầy Nhĩ dạy tiểu học, đến năm 1957, dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1969, thầy lên làm chuyên viên ở Phòng Đại học (Bộ Giáo dục).

Đến năm 1976, thầy Trần Xuân Nhĩ về làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), đến năm 1977, thầy thành lập Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn), kiêm hiệu trưởng của hai trường nên thầy có rất nhiều thế hệ sinh viên.

“Mỗi khi đến ngày 20/11, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đến thăm tôi, tặng hoa, tặng quà, cùng chia sẻ cũng câu chuyện cuộc sống và ôn lại kỉ niệm cũ. Hơn 30 năm giảng dạy trực tiếp, gần 71 năm công tác trong ngành giáo dục, mỗi năm có một ngày như vậy, tôi cảm thấy rất vui. Có những học sinh già rồi nhưng vẫn nhớ đến thầy, ngày 20/11 vẫn vượt đường xa đến thăm thầy.

Bên cạnh đó, có những học trò trở thành lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các tỉnh. Khi tôi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và có cơ hội đến thăm các cơ sở, bản thân tôi gặp lại những người học trò trong cương vị mới, thành công hơn, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”, thầy Trần Xuân Nhĩ nói.

Trải qua những năm tháng đứng trên bục giảng và cống hiến cho nền giáo dục đào tạo nước nhà, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ có cái nhìn sâu sắc về chữ “Thầy” và tầm quan trọng của nó.

Khi nhắc đến chữ “Thầy”, chúng ta đều mang một cảm giác tôn kính. Thầy giáo là những người truyền thừa giá trị đạo đức, tri thức và nhân văn tới thế hệ tương lai. Do vậy phẩm cách đạo đức của người thầy là vô cùng quan trọng.

“Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”, chữ “Thầy” rất vinh dự và những người mang trên vai một chữ “Thầy” như vậy thì bản thân họ sẽ tự nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình đối với thế hệ sau, từ đó luôn nghĩ phải làm sao để thế hệ sau trưởng thành và góp phần trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Chưa kể, chữ “Thầy” luôn luôn nhắc nhở mình phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Bản thân làm thầy, khi tôi thấy học trò của mình trưởng thành và thành công, tôi rất vui. Tuy nhiên, trong số những người học trò mình từng dạy đó cũng có những người không tốt, có người làm những điều sai trái đối với xã hội, nghe và biết đến, tôi vô cùng đau lòng”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Ngoài đào tạo nhiều thế hệ học sinh, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng là người trực tiếp chứng kiến sự trưởng thành, chuyển mình của nhiều thế hệ nhà giáo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kể: “Trước kia, trong thời kỳ kháng chiến, có rất nhiều giáo viên đã trở thành anh hùng lao động. Khi đó, giáo viên rất lăn xả, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, được phân công đi đâu họ cũng sẵn sàng đến đó giảng dạy và công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tôi thấy rằng giáo viên thời đó đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao, đúng câu khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

“Từ năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, tất cả các trường học đều phải sơ tán tới vùng khó khăn. Tuy vất vả và hỗn loạn nhưng sự nghiệp giáo dục chưa bao giờ ngừng trệ.

Thầy và trò thời ấy ăn uống khổ sở, vào rừng lấy cây, lấy lá dựng trường lớp “tạm” để dạy học. Giặc bắn đến đâu, các giáo viên đào hầm tổ chức dạy học đến đó nên sự nghiệp giáo dục học sinh không bị gián đoạn.

Sau này, đến khi thống nhất đất nước, miền Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khi Bộ Giáo dục kêu gọi giáo viên viện trợ cho miền Nam ruột thịt, toàn bộ giáo viên ở miền Bắc đều sẵn sàng vào những nơi khó khăn không có giáo viên như vậy để dạy học sinh”, thầy Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Hồi đó, việc đào tạo giáo viên cũng khó khăn không kém, thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ Giáo dục đã phải thành lập hàng loạt các cơ sở cao đẳng sư phạm tại các tỉnh ở miền Nam để đào tạo giáo viên. Trong lúc đào tạo, Bộ Giáo dục huy động giáo viên và các trường sư phạm ở miền Bắc hỗ trợ cho các cơ sở cao đẳng sư phạm trong Nam mới thành lập. Lúc đó, hầu hết giáo viên miền Bắc luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ.

Trăn trở nghề giáo cùng đôi điều kiến nghị

Dân gian có câu “Một người biết lo bằng kho người biết làm”, người biết lo là người có trí tuệ, có thể dạy dỗ ra những thế hệ sau này làm được tất cả mọi việc. Kinh tế phát triển như ngày hôm nay cũng bắt nguồn từ những kiến thức mà người thầy giáo đã dạy và truyền thụ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường. Cho nên, vai trò và vị trí người thầy vô cùng quan trọng.

Ảnh minh họa: Trần Lý

Ảnh minh họa: Trần Lý

Tuy nhiên, hiện nay, theo thầy Trần Xuân Nhĩ, nhà giáo chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy rất nhiều giáo viên không thể lo được đầy đủ cho cuộc sống của họ đồng nghĩa với việc họ khó mà tận tâm tận lực làm việc và cống hiến.

“Qua những lần được lên vùng cao, vùng khó khăn, tôi nhận thấy rằng đời sống giáo viên cũng đã được cải thiện hơn trước nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu như về nhà ở, mức lương.

Thời tôi còn đi học ở Liên Xô, các giáo viên lên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn công tác luôn được hưởng lương gấp 3-4 lần giáo viên miền xuôi, vùng thuận lợi. Điều này, chứng tỏ sự quan tâm và đầu tư phù hợp đối với từng đối tượng giáo viên.

Hiện nay, lương nhà giáo nước ta chưa thể tăng nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất giáo viên nên được hưởng thì nhà nước cần đáp ứng đủ như nhà công vụ, phương tiện đi lại, đây coi như hệ số bù đắp để thấy rõ được những những ưu đãi với giáo viên lên dạy ở các vùng khó khăn.

Tôi lấy ví dụ, ở Đài Loan để hỗ trợ nhà giáo thì nhà nước cấp đất, cho nhà trường vay tiền không thu lãi, không đánh thuế thu nhập.

Còn ở Việt Nam, khi ngân sách còn hạn chế thì có thể triển khai một số biện pháp hỗ trợ giáo viên như xã hội hóa. Ngày 20/11 cũng là một hình thức để xã hội hiểu hơn về nghề giáo, khi toàn bộ xã hội quan tâm tới người thầy, điều này sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên hoàn thành sứ mệnh của mình”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy, người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, để giữ được vai trò và hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà giáo cũng phải đổi mới để trở thành người thầy 4.0.

Cụ thể, thầy Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, nhà giáo phải là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, rèn luyện học sinh cách học, cách thu thập, xử lý thông tin để phục vụ việc học tập; không phải chỉ dạy cho học sinh nắm được cái gì mà phải biết hướng dẫn người học vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống.

Do vậy người giáo viên phải có năng lực, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục và kiểm tra.

Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà giáo cũng phải biết tự học, biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động nghề nghiệp cũng như cuộc sống thì mới có thể làm gương và biết cách dạy cho học trò của mình.

“Hiện nay, giáo dục đã có những điều kiện tốt hơn hồi xưa rất nhiều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Chúng ta đang tiến hành đổi mới chương trình, giáo viên thay đổi phương pháp dạy, không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải khai thác được năng lực học sinh. Bên cạnh đổi mới về nội dung kiến thức, cách triển khai giảng dạy thì bản thân người thầy cũng cần được chăm lo, quan tâm nhiều hơn. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới đi lên được”, thầy Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Trần Lý