Tuyển thẳng học sinh đầu cấp với IELTS là không hợp lý
Những năm gần đây, học sinh phổ thông ngày càng có nhiều cơ hội hơn thông qua chứng chỉ IELTS, thậm chí được tuyển thẳng trong các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. [1]
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở bậc phổ thông, nhất là với bậc tiểu học, trung học cơ sở, còn có nhiều nội dung mà học sinh cần biết, cần học khác, không nên chỉ dựa vào riêng chứng chỉ IELTS để chứng minh tất cả năng lực, kỹ năng cần thiết trong một kỳ tuyển sinh đầu cấp...
Theo Tiến sĩ Phùng Thùy Linh (giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Anaheim) - Chủ nhiệm Chương trình tiếng Anh cho sinh viên quốc tế của Đại học Chatham (Mỹ); người sáng lập Eduling International (tổ chức cung cấp các lớp học, tài liệu, và dịch vụ phát triển tiếng Anh), độ tuổi phù hợp nhất để học sinh thi IELTS là từ 16 tuổi.
Cụ thể, Tiến sĩ Phùng Thùy Linh cho biết: “IELTS là kỳ thi đánh giá trình độ tiếng Anh nói chung thông qua đánh giá 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đây là kỳ thi thường được sử dụng cho mục đích nhập cư đến Anh, Úc, Canada, và New Zealand cũng như khi xin việc hay xin học ở các nước nói tiếng Anh.
Độ tuổi phù hợp cho kỳ thi này là 16 tuổi trở lên, nên việc chuẩn bị thi IELTS khi còn là học sinh cấp 1 hay thậm chí đầu cấp 2 của học sinh là không phù hợp.
Khi học sinh phải học những tài liệu quá khó với độ tuổi của mình cả về mặt ngôn ngữ và nội dung, thời gian các em dùng cho những bài học này sẽ không có hiệu quả, vì một nguyên tắc cơ bản nhất của phát triển ngôn ngữ là tài liệu trong tầm hiểu biết và nhận thức của các em.
Tiến sĩ Phùng Thùy Linh (bên trái) và Tiến sĩ Joyce Kling, Chủ tịch của tổ chức TESOL International Association, tại hội thảo ở Pittsburgh, tháng 3 năm 2022. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, tập trung quá nhiều vào IELTS dẫn đến việc các em không có cơ hội học những thể loại bài nghe, nói, đọc, viết thú vị, phù hợp, và có ích hơn cho các em (đọc truyện, viết văn miêu tả, thảo luận nhóm, học tiếng Anh qua dự án,...)”.
“Theo tôi, nếu điểm IELTS được dùng để tuyển thẳng học sinh vào bậc phổ thông là không hợp lý, vì những quyết định quan trọng như thế này cần dựa vào các tiêu chí khác nhau. Việc luyện thi IELTS cho các em cấp 1 và cấp 2 là rất sớm so với độ tuổi mà IELTS giới thiệu - từ 16 tuổi trở lên.
Hơn nữa, khi dùng một kỳ thi vào nhiều mục đích khác nhau, nhất là những mục đích quan trọng, thì sẽ dẫn đến việc dạy và học chỉ tập trung vào IELTS. Nếu việc dạy và học tập trung quá nhiều vào IELTS, tôi thấy thật đáng tiếc cho các em” - nữ tiến sĩ bày tỏ.
Bên cạnh đó, nữ tiến sĩ về giảng dạy tiếng Anh cũng phân tích thêm: “So với các kỳ thi mà tập trung vào các bài tập ngữ pháp hay từ vựng thì IELTS tập trung vào 4 kỹ năng, nên tôi hy vọng, việc luyện thi ít nhất cũng tập trung vào phát triển kỹ năng thực sự cho các em.
Việc học tiếng Anh là một quá trình lâu dài (hàng nhiều năm), vì thế, các em nhỏ nên học nội dung phù hợp với lứa tuổi và tìm nhiều cơ hội nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thực sự.
Khi vốn tiếng Anh của các em đã tốt rồi, thì các em có thể học thêm 1-2 lớp luyện IELTS để quen với thể loại và học thêm các chiến lược làm bài. Việc học IELTS sớm quá là không cần thiết.
Một nghiên cứu được tài trợ bởi IELTS [2] với học sinh Hàn Quốc luyện thi IELTS cho thấy: sau 12 tuần với mức trung bình thời gian học tiếng Anh 23,7 tiếng một tuần cộng với 22,7 tiếng một tuần sử dụng tiếng Anh như nghe tivi, dùng mạng xã hội, và nói chuyện tiếng Anh, người học tăng khoảng (trung bình) 0.3 trên thang điểm IELTS.
Điều này nhấn mạnh việc phát triển ngôn ngữ lâu dài chứ không chỉ qua luyện thi một thời gian ngắn. Như vậy, phụ huynh cũng không nên quá kỳ vọng vào các lớp luyện IELTS cho con từ quá sớm, nhằm lấy “tấm vé” cho con xét tuyển thẳng vào lớp 6, lớp 10”.
Cần chú trọng chất lượng đồng đều hơn coi IELTS như “đặc sản”
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng: “Theo tôi, ngoại ngữ là một công cụ rất quan trọng, tuy nhiên, nếu để trở thành tiêu chí xét tuyển thẳng đối với học sinh trong kỳ tuyển sinh đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) là chưa phù hợp. Nếu có thì chứng chỉ IELTS chỉ nên là tiêu chí để ưu tiên đối với các lớp chuyên Anh trong các trường chuyên.
Bởi nếu dùng IELTS để xét tuyển thẳng vào các trường công lập không chuyên thì sẽ không đảm bảo sự công bằng, vì cơ hội tiếp cận không bình đẳng giữa các học sinh. Nếu học sinh không phải xét tuyển vào lớp chuyên Anh, thì các em còn rất nhiều kiến thức, kỹ năng khác phải học, phải đáp ứng chứ không chỉ riêng ngoại ngữ.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương. |
Trong khi luyện thi IELTS cũng khá đắt tiền, bây giờ sử dụng chứng chỉ này vào mục đích bỏ qua kỳ thi tuyển sinh như vậy có thể sẽ khiến một số phụ huynh có tâm lý chỉ cần đưa con đi luyện thi IELTS”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh: “Qua đây, cũng có thể thấy, việc dạy ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông vẫn đang có vấn đề, chưa đạt được chất lượng đồng đều, dẫn đến chuyện người ta xem chứng chỉ IELTS giống như một “món đặc sản” và dành nhiều ưu ái. Nếu trong hệ thống giáo dục, lâu lâu có những “món đặc sản” như vậy thì không nên.
Phải làm sao chú ý đến đầu tư dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông để tạo ra chất lượng đồng đều. Đây là vấn đề cần có sự thay đổi về nhận thức của cả phụ huynh học sinh, giáo viên và nhà trường”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/tuyen-sinh/nhieu-noi-tuyen-thang-hoc-sinh-lop-6-lop-10-bang-chung-chi-ielts-toefl-1144898.ldo
[2] Kang, O., Ahn, H., Yaw, K., and Chung, S-Y. (2021.) Investigation of relationships between learner background, linguistic progression, and score gain on IELTS, IELTS Research Reports Online Series, No. 1. British Council, Cambridge Assessment English and IDP: IELTS Australia. Available at https://www.ielts.org/for-researchers/research-reports/online-series-2021-1