Vì sao chưa nên bỏ thi tuyển sinh 10 trong thời điểm hiện nay?

03/03/2023 06:40
NGUYÊN KHANG
GDVN- Dù biết rằng thi tuyển là áp lực nhưng ít nhiều còn có lý do để học sinh có động lực học tập. Bỏ kỳ thi tuyển sinh 10 chỉ sợ học sinh khó lòng học thật.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước đã có gần 20 địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023- 2024 và đã có 2 địa phương là Vĩnh Long, Đồng Tháp lựa chọn hình thức xét tuyển đối với lớp 10 khối Trung học phổ thông không chuyên.

Một số tờ báo đã thực hiện việc khảo sát về nên hay không nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 và sự việc này cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc bởi ai cũng có thể nhìn thấy học sinh lớp 9 hiện nay đang rất áp lực khi phải học chính, học tăng tiết, học thêm để hướng đến 1 suất vào lớp 10 công lập.

Thế nhưng, bỏ tuyển sinh 10 thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao? Dù biết rằng thi tuyển là áp lực nhưng ít nhiều còn có lý do để học sinh có động lực học tập, phấn đấu.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Phần nhiều học sinh không thi là không có động lực học tập

Nếu chỉ nhìn những điểm số thống kê, những bảng điểm qua học bạ của học sinh hiện nay thì nhiều người thấy rất lạc quan vì đa phần học sinh Tiểu học hoàn thành tốt môn học, chỉ có một số ít là hoàn thành môn học.

Lên đến cấp Trung học cơ sở, đa số học sinh có học lực Giỏi , Khá (Thông tư số 26/ 2020/TT-BGDĐT đối với lớp 8,9- chương trình 2006) và học lực Tốt, Khá (Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đối với học sinh lớp 6,7- chương trình mới).

Tuy nhiên, những em có học lực Giỏi hay Tốt thực sự e rằng khó giống con số thống kê. Hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm khối cũng được nhiều giáo viên lo lắng.

Một số học sinh lên đến bậc Trung học cơ sở nhưng kiến thức còn rất yếu, có em đọc chưa trôi chảy, chữ nghĩa thì thầy cô vừa đọc vừa dò và hỏi cái gì cũng không biết. Nguyên nhân thì nhiều nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhà trường cứ đẩy các lên lớp theo quy định, theo chỉ tiêu.

Ngày trước, khi học xong lớp 5, học sinh sẽ có kỳ thi chuyển cấp. Học hết lớp 9, các em phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở rồi mới thi tuyển sinh 10. Kỳ thi này ít nhiều được dư luận đánh giá là thước đo giáo dục đáng tin cậy.

Ngay cả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong những năm qua cũng luôn khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng vì tỉ lệ điểm trung bình của các môn, các địa phương luôn đẹp đến ngỡ ngàng.

Giáo viên bây giờ lên lớp chỉ được động viên, khích lệ học trò học tập. Nếu không kiềm chế được cảm xúc khi thấy học trò hỗn láo, không chịu học tập, xem thường giáo viên mà la mắng học trò vài câu đã vi phạm đạo đức nhà giáo rồi.

Học sinh ghi âm rồi đưa lên mạng xã hội. Nhiều khi phụ huynh lên tiếng, điện, làm đơn gửi chỗ này, chỗ kia khiến giáo viên phải giải trình, phải xin lỗi học sinh, phụ huynh rất mệt mỏi.

Nhiều khi còn ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của mình.

Vì thế, một số giáo viên hiện nay phải thu mình lại. Dạy và động viên, em nào học được thì học, không học cũng phải chịu chứ biết làm sao bây giờ.

Thời gian 1 tiết học chỉ có 45 phút, không thể nào cứ mãi động viên, khích lệ những em học dở, những em quậy phá trong lớp được vì giáo viên còn phải hướng tới cái chung của lớp và họ cũng còn có gia đình riêng của mình.

Ngay cả chuyện đánh giá, kiểm tra kiến thức môn học mà điểm thấp cũng bị phụ huynh, dư luận lên tiếng. Một khi, lãnh đạo muốn điểm số đẹp, phụ huynh cũng muốn điểm số đẹp và học sinh thì càng muốn như thế. Vậy nên, học sinh học tốt đương nhiên nhiên sẽ có điểm cao và ngay cả học sinh học chưa tốt cũng vẫn có điểm cao.

Bên cạnh đó, tình trạng dạy thêm, học thêm ở khắp các cấp học càng làm cho điểm số học tập của học sinh thêm nhiều phức tạp. Một đơn vị kiến thức mà nhiều học sinh học đi, học lại nhiều lần khiến cho các em nhàm chán, không còn hứng thú trong học tập.

Chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh 10 trong lúc này

Thi tuyển sinh 10 cũng đồng nghĩa là tăng áp lực, tăng kinh phí cho ngân sách địa phương, tốn kém của phụ huynh và tạo ra những áp lực, căng thẳng cho học trò. Nhưng, rõ ràng trong bối cảnh hiện nay thì thi tuyển sinh 10 vẫn đang được đa phần các địa phương lựa chọn bởi thực tế, kỳ thi tuyển sinh 10 đang thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau.

Thứ nhất, nhiều địa phương hiện nay có số lượng học sinh lớp 9 quá đông, như: Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có khoảng 100.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường Trung học phổ thông công lập sẽ tuyển 70% số học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học cơ sở vào lớp 10 công lập.

Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 học sinh và địa phương này chỉ có thể tuyển vào lớp 10 công lập khoảng trên 60% mà thôi.

Một số thành phố trực thuộc Trung ương, một số khu vực đô thị ở tất cả các tỉnh thành cũng nằm trong diện có tỉ lệ chọi rất cao.

Chính vì thế, việc tổ chức thi tuyển sinh 10- những nơi có tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với tỉ lệ tuyển đầu vào thì việc tổ chức kỳ thi sẽ tạo sự công bằng, khách quan, học sinh được chọn trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân mình.

Thứ hai, việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập, rèn luyện của học sinh Trung học cơ sở hiện nay ở các nhà trường, địa phương đang được thực hiện rất khác nhau. Mặc dù cùng thực hiện việc đánh giá, xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT nhưng độ vênh giữa các trường, giữa các giáo viên đang khá lớn.

Chính vì thế, bỏ thi để cùng xét tuyển thì khó thể tránh khỏi tiêu cực “làm đẹp” học bạ cho học trò. Cứ nhìn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông khi kết hợp cả điểm thi và điểm học bạ để xét tốt nghiệp sẽ thấy rõ vấn đề này.

Thầy cô thương học trò, nhà trường sợ học trò mình rớt, tỉ lệ đậu không bằng trường bạn nên đồng loạt nâng điểm, hào phóng cho điểm. Những bất cập sẽ xảy ra, chất lượng giáo dục Trung học phổ thông sẽ khó đoán định được điều gì.

Vì thế, việc bỏ thi tuyển sinh 10 có lẽ không khả thi trong thực tế hiện nay bởi nó sẽ để lại hệ quả sẽ rất lớn. Các địa phương chỉ nên xét tuyển ở những khu vực, những trường thực sự khó khăn, tỉ lệ chọi ít, hoặc thấp hơn chỉ tiêu tuyển.

Còn lại, thực hiện hình thức thi tuyển sinh là phương án khả thi hơn cả bởi vì kỳ thi sẽ đánh giá đúng năng lực của từng thí sinh tham dự.

Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9; giai đoạn giáo dục nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Vì thế, tổ chức kỳ thi cũng là cách để phân luồng học sinh và định hướng tương lai phù hợp theo năng lực của các em sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG