Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh bằng phương thức xét điểm học bạ. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng: để có căn cứ xét tuyển thực chất, đúng năng lực người học thì phải hạn chế được chuyện "làm đẹp học bạ". Nhất là khi, ở cấp phổ thông, các giáo viên tự chủ ra đề và chấm các bài kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Vì thế, xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) chung trong phạm vi toàn trường đang là phương án được nhiều nhà trường lựa chọn nhằm đánh giá thực chất năng lực của học sinh, đây cũng là căn cứ để đảm bảo công bằng trong việc xét tuyển bằng học bạ trong tuyển sinh đại học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã phổ biến, quán triệt các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông cùng các văn bản có liên quan. Trong đó, chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra đánh giá, định kỳ như sau:
Về bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), tổ/nhóm chuyên môn phải xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học ở từng khối lớp; kết hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận phù hợp.
Về nội dung kiểm tra, đánh giá định kỳ, thực hiện đảm bảo trong mỗi giai đoạn, nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau. (Nguồn: Website của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau). |
Theo Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục trung học phổ thông tổ chức kiểm tra định kỳ chung trong phạm vi trường với đề kiểm tra, đánh giá chung. Các cơ sở cũng thực hiện đúng theo yêu cầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đã giao các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Ngoài ra, khi tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học/hoạt động giáo dục, Sở cũng yêu cầu các trường phải căn cứ vào chuẩn nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt, thực hiện giãn cách các lần kiểm tra giữa các môn học trong cùng khối lớp, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế và không tạo áp lực.
“Việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện là cả quá trình và thông qua nhiều hình thức; nội dung kiểm tra, đánh giá phải thực hiện trong mỗi giai đoạn giáo dục”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.
Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, với mỗi khối, trường đều chia thành 2 nhóm lớp gồm: nhóm lớp Khoa học tự nhiên và nhóm lớp Khoa học xã hội
Đối với lớp 11 và lớp 12, khi tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ kiểm tra chung (chung ngày, chung đề) theo các môn tương tự như môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và các môn trong tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp môn Khoa học xã hội).
Đối với lớp 10, trường tổ chức kiểm tra, đánh giá chung các môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; các môn học năng khiếu, đặc thù, hoạt động giáo dục... nhà trường tổ chức thi riêng theo từng lớp.
Hiện tại, đề kiểm tra, đánh giá định kỳ chung được tổ trưởng chuyên môn phân công cho các giáo viên xây dựng đề, sau đó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn sẽ người duyệt đề và lựa chọn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá của trường còn hạn chế. Năm nay, trường vẫn đang tiếp tục bổ sung, xây dựng thêm. Dự kiến khi ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá phong phú hơn, những năm học tới, tổ chuyên môn sẽ đưa ra ma trận câu hỏi, lãnh đạo nhà trường sẽ lọc câu hỏi và ra đề. Như vậy sẽ nâng cao tính công bằng cũng như đánh giá sát năng lực của người học hơn nữa.
“Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo đề chung trong phạm vi trường mang lại nhiều thuận lợi như: đánh giá được học sinh trên mặt bằng chung, nắm được tình hình học tập của từng lớp cũng như hạn chế được tình trạng học thêm, dạy thêm ở ngoài”, thầy Vinh nhận định.
Không những vậy, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ chung cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên khi ra đề, hạn chế việc ra đề riêng trên lớp, có giáo viên ra ma trận đề chưa đảm bảo tỷ lệ các nhóm câu hỏi nên không đánh giá được đúng được năng lực của học sinh.
“Trong một số cuộc họp của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau với các trường trung học phổ thông trên địa bàn, một số trường đề xuất kiểm tra, đánh giá cuối kỳ theo đề chung trên phạm vi toàn tỉnh. Vì làm như vậy có thể đánh giá mặt bằng chung và dễ đối sánh điểm giữa các trường. Nhưng đề xuất này không thể áp dụng vào thực tế.
Nguyên nhân chính là dù nằm trên cùng một địa bàn nhưng chất lượng đầu vào giữa các trường đã có sự chênh lệch rõ rệt”, thầy Vinh chia sẻ.
Để hạn chế việc có hiện tượng “làm đẹp học bạ” trung học phổ thông, bên cạnh tổ chức kiểm tra, đánh giá chung ở phạm vi trong trường, thầy Vinh cho rằng, các trường đại học khi sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm học.
Chia sẻ từ thầy Ngô Văn Chinh, Tổ trưởng tổ Vật lý, Trường Trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ (Cà Mau): “Tôi đồng tình với việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ chung trong phạm vi trường, sẽ hạn chế được việc học thêm, dạy thêm và tạo ra sự công bằng trong kiểm tra, đánh giá. Đơn cử như tổ Vật lý của chúng tôi, tổ trưởng sẽ phụ trách chính xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề, cùng với sự tham góp của các giáo viên trong tổ. Theo đó, đề kiểm tra của môn học này được xây dựng theo 4 thang bậc của nhận thức là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Về ma trận đề thi, đối với lớp 12 là thi trắc nghiệm, còn lớp 10 và lớp 11 thi kết hợp trắc nghiệm (60%) và tự luận (40%). Đặc biệt với lớp 12, đề thi có sự phân hóa tùy theo từng tổ".
Thầy Chinh cho biết thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cũng thường xuyên tập huấn nhằm bảo đảm việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ chung theo phạm vi của các trường trên địa bàn được diễn ra thuận lợi và đánh giá được đúng năng lực của người học.