Trong buổi trao đổi tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá kỹ hơn về nhận định rằng hiện tại có quá nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu thông tin và có một số phương thức không đạt hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm tại hội nghị (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Theo thầy Chính, mỗi phương thức xét tuyển đều thể hiện đặc thù và định hướng của mỗi cơ sở. Đơn cử như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn có 1 phương thức xét tuyển đặc biệt để thu hút nhân tài là xét tuyển thẳng 01 học sinh giỏi nhất/trường trung học phổ thông được trường giới thiệu.
Bởi nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt số lượng thí sinh xét tuyển theo phương thức đó ít và đánh giá là nó ít hiệu quả thì chưa hoàn toàn chính xác.
Do vậy, không nên yêu cầu các trường dẹp bỏ các phương thức xét tuyển bị cho rằng không hiệu quả theo mặt số lượng.
Cũng theo thầy Chính, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, các trường vẫn chủ yếu xét tuyển dựa vào 02 phương thức là xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó, việc quan trọng là phải có công cụ đánh giá được năng lực của học sinh và độ tin cậy của các phương thức xét tuyển để tránh trường hợp các trường đại học xét tuyển bằng kết quả xét học bạ nhưng có trường trung học phổ thông dễ, có trường khó, cũng như để quản lý chất lượng giảng dạy của bậc trung học phổ thông và nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học.
Cũng tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, Bộ nên có thêm thông tin về tỷ lệ thí sinh xét tuyển bằng các phương thức của từng trường để so sánh chung với số liệu toàn quốc. Ví dụ như phương thức đặc thù của trường đó chiếm tỉ lệ cao với trên 70% tỷ lệ thí sinh đăng ký vào trường nhưng xét trong toàn quốc chỉ chiếm tỉ lệ thấp với 0,5% tổng chỉ tiêu.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Bên cạnh đó, thầy Lý cũng cho rằng, tất cả phương thức xét tuyển này đều phải nhằm phục vụ nhu cầu của người học. Có trường có đến gần 10 phương thức xét tuyển sẽ gây rối cho các thí sinh.
Mặt khác, vừa qua có đến gần 80 trường đại học bị phạt do tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Theo thầy Lý, nếu chỉ tiêu tuyển sinh được linh động theo khối ngành, ngành thì số lượng các trường bị phạt chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.
Tiến sĩ Trần Đình Lý đề xuất, trong bối cảnh tự chủ, nên đưa ra tổng chỉ tiêu theo từng giai đoạn, ví dụ như trong 03 năm chỉ được tuyển 15.000 chỉ tiêu, nếu năm nay tuyển 6000 chỉ tiêu rồi thì năm sau trường chỉ tuyển 4000 chỉ tiêu, miễn sao trong 03 năm, trường tuyển đúng 15.000 chỉ tiêu đã yêu cầu.
Trước các quan điểm trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, Bộ không chỉ nhìn vào số liệu mà còn nhiều yếu tố khác để đưa ra đánh giá chung các phương thức. Tuy nhiên, Bộ không yêu cầu các trường phải bỏ phương thức tuyển sinh. Thay vào đó, đây là cơ hội để các trường đánh giá và đưa ra phương thức tuyển sinh phù hợp.
Hơn nữa, từng trường đã có cơ sở dữ liệu của mình, trách nhiệm của các trường là phân tích sự tương quan giữa các phương thức dựa trên điểm đầu vào, kết quả học tập sau khi trúng tuyển... từ đó đưa ra chỉ tiêu cho các phương thức khi tuyển sinh.
Bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, là hoàn thiện các văn bản: Quy chế tuyển sinh năm nay không thay đổi, vẫn giữ ổn định như vậy, chỉ có một nội dung có điều chỉnh, đưa vào từ năm 2022 và năm nay chúng ta áp dụng, đó là cách tính điểm ưu tiên.
Các trường cần sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình, đặc biệt là với các trường tổ chức kỳ thi độc lập phải lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, cũng như tài liệu hướng dẫn.
Việc thứ hai tập trung nhiều ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học để hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu. Năm 2023, toàn bộ quy trình tuyển sinh từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS.
Trong tháng 3 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn chi tiết, thời hạn cụ thể để các cơ sở đào tạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu của mình, đặc biệt những gì liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình.
Đối với các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12, hoàn thiện về mã định danh, căn cước.
Các dữ liệu phải được đảm bảo nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và cơ sở dữ liệu khác như bảo hiểm, y tế …, do đó, phải có mã căn cước, mã định danh để đảm bảo nhất quán, chính xác.
Đặc biệt, các trường tổ chức xét tuyển sớm không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.
Thứ ba, trên cơ sở các tài liệu hệ thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các tài liệu tiếp theo để tổ chức tập huấn, tuyên truyền.
Các cơ sở giáo dục đại học, sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường phổ thông cùng với các cơ quan báo chí giúp cho ngành phổ biến nội dung thống nhất để định hướng ngay từ đầu, giúp thí sinh không còn bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống như thế nào, và để các em có trách nhiệm trong quá trình đăng ký.