Nếu hiệu trưởng, hiệu phó phải thao giảng thì tổ trưởng tổ chuyên môn làm gì?

17/02/2023 06:40
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo một số ý kiến, BGH không cần thao giảng bởi đã có tổ trưởng chuyên môn, người nắm được sát nhất về môn học thực hiện công tác này.

Dự giờ, thao giảng là việc hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi nhà giáo nói chung và trường học nói chung, công tác này có thể giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Thực hiện dự giờ, thao giảng không chỉ giúp cho giáo viên học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp mà còn giúp họ sáng tạo hơn trong việc xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên thắc mắc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là những người quản lý, trực tiếp chỉ đạo công tác chuyên môn trong nhà trường nhưng lại không thao giảng do không có quy định bắt buộc thì làm sao có thể nắm được tình hình giảng dạy cũng như thấu hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả mà giáo viên gặp phải.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngôn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bày tỏ quan điểm:

“Theo tôi, không nên bắt buộc hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện công tác thao giảng. Bởi, hiệu trưởng, hiệu phó phải thực hiện rất nhiều công tác quản lý, chỉ đạo, định hướng trong nhà trường, thậm chí hiệu trưởng còn phải kiêm thêm cả bí thư chi bộ nên công tác quản lý cũng rất vất vả.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Hơn nữa, theo Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần".

Những tiết dạy đó có thể là dạy đúng chuyên môn của người hiệu trưởng, hiệu phó nhưng cũng có thể là dạy hướng nghiệp, kỹ năng sống để định hướng cho học sinh nhà trường. Trong công tác chuyên môn thì tổ trưởng chuyên môn là người nắm được sâu sát các nội dung tổ chức dạy học theo từng môn/nhóm môn. Vậy nếu quy định hiệu trưởng, hiệu phó phải thao giảng thì tổ trưởng tổ chuyên môn làm gì?”

Theo ông Ngôn, mục đích thực chất của tiết thao giảng là để giáo viên học hỏi lẫn nhau, từ đó vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp nhất để học sinh hiểu được bài tốt hơn.

Đặc biệt, những tiết thao giảng này cũng sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho giáo viên mới vào trường vẫn còn đang bối rối như nên dạy thế nào cho hợp lý và học hỏi được nhiều kinh nghiệm chuyên môn để mang đến buổi học chất lượng nhất cho học sinh.

Do đó, không nên bắt buộc hiệu trưởng, hiệu phó phải tham gia thao giảng mà ai có cách thức giảng dạy hay, đổi mới, sáng tạo, phù hợp với bài học nào thì người đó nên là người thực hiện buổi thao giảng.

Ông Ngôn cũng bày tỏ quan điểm, việc cho rằng hiệu trưởng, hiệu phó không thực hiện thao giảng nên không nắm được những khó khăn, vất vả của giáo viên là không đúng. Bởi, dù không đi thao giảng, cán bộ quản lý nhà trường vẫn đi dự giờ để nắm được tình hình giảng dạy của giáo viên để quản lý, chỉ đạo, xử lý những vướng mắc cho họ.

Cũng bàn về vấn đề trên, ông Lê Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các trường học nên bỏ việc thao giảng, dạy mẫu.

Theo ông Đức cho biết, vừa qua, tại hội nghị sơ kết học kỳ I, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các trường học cấp phổ thông trên địa bàn không tổ chức hoạt động thao giảng của giáo viên vào những dịp lễ, dịp kỉ niệm nữa.

Thay vào đó, những tiết thao giảng của giáo viên sẽ chuyển sang những hoạt động trải nghiệm thực tế, tổ chức các câu lạc bộ để xây dựng kỹ năng sống cho các em học sinh. Như vậy, giáo viên vừa giảm được gánh nặng, đỡ vất vả lại nâng cao thêm sự hứng thú, say mê học tập hơn cho học sinh.

Cũng theo ông Đức, khác với trước kia, mục tiêu của dạy và học hiện nay là phải hình thành được phẩm chất, năng lực toàn diện cho người học nên các em học sinh phải cần được học trải nghiệm nhiều hơn, không đơn thuần học kiến thức theo dạng truyền thụ đọc - chép như trước kia nữa.

Các cán bộ quản lý có thể đi dự giờ xem giáo viên còn yếu kỹ năng nào để hỗ trợ, góp ý chứ không nên đi sâu vào đánh giá, xếp loại, gây ra những vất vả, khó khăn, bất cập không đáng có cho giáo viên.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm cũng chia sẻ, dù không thực hiện thao giảng nhưng khi có buổi tập huấn thì cán bộ quản lý cũng như giáo viên thuộc trường học các bậc phổ thông trên địa bàn vẫn tham gia đầy đủ.

Để đảm bảo công tác chuyên môn, sau những buổi tập huấn, các cán bộ cốt cán của trường sẽ có trách nhiệm triển khai lại đầy đủ chương trình, trao đổi, giải quyết các vướng mắc để giáo viên nhà trường nắm được và giảng dạy tới người học tốt nhất có thể.

Khánh An