Với thời gian làm công tác giảng dạy hơn 9 năm tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi), thầy Lương Ngọc Thành đã không ngừng trau dồi kiến thức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn để mang lại những buổi học chất lượng cũng như đào tạo được nhiều học sinh đạt giải cao môn Lịch sử cấp quốc gia.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do trở thành giáo viên giảng dạy môn học này, thầy Lương Ngọc Thành cho biết, bản thân đã phải trải qua nhiều thách thức mới có thể trở thành thầy giáo môn Lịch sử như hiện tại.
Từ khi còn đi học ở bậc trung học phổ thông, thầy Thành đã vướng phải nhiều định kiến từ gia đình đến mọi người xung quanh khi lựa chọn học lớp chuyên của môn học này.
Thầy giáo Lương Ngọc Thành tại Lễ tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ III, năm 2022. (Ảnh: NVCC). |
Thầy Thành từng học lớp chuyên Văn vào năm lớp 10, tuy nhiên, đến năm lớp 11, với niềm đam mê, tha thiết với Lịch sử nhất là khi nghe nhiều bài giảng về những cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, những trang sử hào hùng của dân tộc, thầy xin chuyển sang học lớp chuyên Sử của trường.
“Khi lựa chọn rẽ hướng sang học chuyên Sử, đã có rất nhiều người cho rằng đây chỉ là một môn phụ, và hỏi tại sao tôi lại lựa chọn một môn học ít cơ hội nghề nghiệp trong tương lai như vậy. Bản thân tôi cũng từng lo lắng về việc sau này ra trường cơ hội việc làm của mình sẽ ra sao, trong khi kinh tế gia đình thì khó khăn.
Tuy nhiên, trước nhiều băn khoăn, tôi vẫn quyết tâm học theo sự đam mê và yêu thích của bản thân. Tôi đã tham gia vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử và đoạt giải Ba, sau đó tôi trúng tuyển đại học và tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Và tôi trở thành giáo viên dạy Lịch sử với mong muốn, bằng năng lực và kinh nghiệm của bản thân, tôi sẽ truyền tình yêu Lịch sử dân tộc cho các thế hệ tương lai”.
Chia sẻ về nguyên nhân vì sao nhiều học sinh hiện nay không yêu thích cũng như cho rằng môn Lịch sử là một môn không quan trọng, thầy Thành cho biết, điều này có lẽ xuất phát từ mối quan tâm ưu tiên đến kinh tế tài chính của học sinh và gia đình các em. Người học đều muốn lựa chọn những ngành học có nhiều cơ hội việc làm nhưng phải đáp ứng thu nhập cho bản thân và gia đình.
“Tại các trường trung học phổ thông chuyên, đơn cử như trường tôi đang giảng dạy, các em học sinh cũng học thiên về khoa học tự nhiên nhiều hơn khối khoa học xã hội.
Bản thân tôi trước đây cũng từng đào tạo một em học sinh có năng khiếu, năng lực học Lịch sử, tôi cũng đánh giá là em này có thể đi thi đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng, do những định kiến từ gia đình, xã hội, bạn bè, em học sinh đó bỏ cuộc dù đã gần đến ngày thi để chọn ra đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của tỉnh.
Tôi cố gắng thuyết phục, nhưng phụ huynh của em cũng bày tỏ mong muốn cho con chuyển sang tập trung học các môn khoa học tự nhiên để phù hợp với tương lai sau này hơn. Đó chỉ là một trong những khó khăn đã khiến tôi trăn trở rất nhiều suốt khoảng thời gian đó”.
Để môn Lịch sử không còn là môn học lí thuyết khiến nhiều em học sinh cảm thấy khó khăn khi tiếp thu, thầy Thành luôn mang đến cách giảng dạy gần gũi, đơn giản nhất để giúp các em cảm thấy dễ dàng tiếp thu nguồn kiến thức về môn Lịch sử.
Thầy Thành luôn được các em học sinh yêu quý bởi phương pháp giảng dạy và sự giúp đỡ tận tình. (Nguồn: NVCC). |
Theo thầy Thành, giáo viên dạy Lịch sử cần phải cung cấp kiến thức một cách đơn giản nhất, giúp các em hiểu được đây không phải là môn học về lý thuyết mà còn mang đến cho bản thân nhiều bài học, kinh nghiệm trong cuộc sống.
Ví dụ, với tiết học giảng dạy về những hoạt động ban đầu từ năm 1911 - 1918 của Nguyễn Tất Thành (tên của Bác Hồ thời trẻ) để tìm đường cho tương lai của dân tộc khi chỉ có hai bàn tay trắng, thầy Thành sẽ cung cấp cho các em vừa bài học kiến thức, vừa kinh nghiệm trong cuộc sống như bài học về tinh thần tự lực,... để từ đó giúp các em có thêm động lực, tâm thế vững vàng hơn trước khi bước ra khỏi cánh cửa trường phổ thông.
Không những vậy, người giáo viên cũng cần phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đối với những học sinh chuyên khoa học xã hội, chuyên Lịch sử thì cần đi sâu hơn vào các vấn đề, nội dung bài học, có thể cho các em thuyết trình, đóng kịch, hóa thân thành các nhân vật Lịch sử để hiểu sâu hơn, nắm kĩ hơn về nội dung bài học. Mặt khác, đối với các em học khối khoa học tự nhiên, nên tổ chức cho các em học các sự kiện Lịch sử qua vẽ sơ đồ tư duy sẽ giúp các em yêu thích môn học hơn.
Nhờ lòng đam mê với nghề, ngay từ năm đầu tiên đi dạy học, thầy Thành đã đào tạo, hướng dẫn một em học sinh lớp 11 đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
“Năm đầu tiên khi giảng dạy lớp chuyên Lịch sử của trường, khi nghe tin em học sinh mà mình đã dày công bồi dưỡng, đào tạo đạt được giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tôi không kìm nổi nước mắt vì quá đỗi tự hào và hạnh phúc.
Giải thưởng này có thể không cao với thành tích của nhiều thầy cô ôn đội tuyển, của nhiều em học sinh khác, nhưng với một người vừa mới đi dạy năm đầu tiên như tôi thì đó chính là nguồn cổ vũ, là động lực không gì so sánh được để tôi thêm cố gắng với nghề.
Mặc dù mức thu nhập của giáo viên nói chung, giáo viên Lịch sử nói riêng không cao nhưng thầy Thành chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ nghề dạy học để đi làm công việc khác. Bởi, thầy Thành luôn tự hào vì công sức của mình được phụ huynh học sinh ghi nhận, còn các em học sinh thì tiếp thu và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Trong những năm vừa qua, thầy Thành tiếp tục tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh, giúp nhiều em học sinh đạt được thành tích cao, trong đó có em đạt được giải Nhì.
Trong tương lai, thầy Thành đặt ra mục tiêu đào tạo được học sinh đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.
Thầy Thành cũng hi vọng rằng, ngành giáo dục sẽ đầu tư thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho môn Lịch sử để các em học sinh có môi trường học tập rộng mở hơn, phát huy được hết năng lực của các em cũng như tạo cho các em cơ hội việc làm nhiều hơn khi ra trường với môn học này.
Bên cạnh đó, các giáo viên môn Lịch sử cũng cần được tạo điều kiện để nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thêm các phương pháp dạy học mới để mang đến những buổi học chất lượng hơn.
Với những cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” và phong trào đoàn, từ năm 2018- 2021, thầy Lương Ngọc Thành, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Tỉnh đoàn tuyên dương gương cán bộ đoàn tiêu biểu năm 2022; Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ III, năm 2022.
Trong quá trình giảng dạy, thầy Thành đã có nhiều sáng kiến được áp dụng, mang lại ý nghĩa thiết thực như sáng kiến: "Góp phần nâng cao chất lượng đội dự tuyển thi chọn học sinh giỏi Quốc gia qua chuyên đề Lịch sử Việt Nam (từ năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX)", được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là đề tài, sáng kiến cấp cơ sở, năm học 2020 - 2021.
Không những vậy, thầy Thành đã trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử đạt 05 giải (03 nhì, 01 ba, 01 khuyến khích) cùng nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 môn Lịch sử.