GV Lịch sử gợi ý thêm cách đặt câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp

04/03/2023 06:53
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2023 có 30/40 câu đầu thực sự nhẹ nhàng nếu thí sinh nắm kiến thức cơ bản, nhận biết và phân biệt được vấn đề. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo môn Lịch sử của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được dư luận xã hội chú ý, đặc biệt là giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bởi, sự thay đổi từ cấu trúc – ma trận, nội dung kiến thức, đến độ khó/dễ của câu hỏi… sẽ có tác động hai mặt đến quá trình ôn luyện.

Đề thi cơ bản phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp

Nghiên cứu đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và đề thi tham khảo năm 2023 môn Lịch sử của Bộ, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - có 22 năm đào tạo giáo viên và dạy học sinh phổ thông môn Lịch sử cho biết, so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 thì cấu trúc được giữ nguyên, các câu hỏi đều rất nhẹ nhàng và phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng. (Ảnh: NVCC).

Về cấu trúc đề thi, theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng, đề gồm 40 câu hỏi đều là những kiến thức cơ bản nằm trong chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (trong đó, có 36 câu hỏi kiến thức lớp 12 và 4 câu hỏi kiến thức lớp 11). Đề thi không có câu hỏi nằm trong phần giảm tải.

“Các câu hỏi trong đề thi đều rất nhẹ nhàng và phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì mục tiêu chính là thi để xét tốt nghiệp (khác với những kỳ thi nhiều năm trước là thực hiện mục tiêu kép vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học)”, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng chia sẻ.

Cụ thể, sự nhẹ nhàng và phù hợp thể hiện qua 3 yếu tố:

Một là, nội dung đề thi chiếm 90% là kiến thức lớp 12; 10% kiến thức lớp 11.

Hai là, nội dung đề thi không nặng về lịch sử chiến tranh, quân sự mà bao quát được các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, ngoại giao…

Ba là, các câu hỏi ngắn gọn, rõ nghĩa, học sinh chỉ cần đọc “từ khóa” là lựa chọn đúng đáp án trong khoảng chưa đầy một phút đối với khoảng 22 câu hỏi đầu tiên ở mức độ nhận biết.

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng phân tích, đề thi có 30 câu thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 90% tập trung vào kiến thức cơ bản. Với câu hỏi nhận biết, thí sinh không cần học thuộc máy móc mà chỉ cần nắm được nội dung căn bản của các sự kiện. Ví dụ: phân biệt thành viên sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); xác định đúng địa bàn hoạt động của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng (1927 – 1930); phân biệt các nội dung quân sự với kinh tế và ngoại giao; thậm chí vận dụng các kiến thức liên môn (địa lí, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng-an ninh,…) hoặc kiến thức xã hội.

Với 8 câu ở mức độ thông hiểu, học sinh cần xác định được các vấn đề như nguyên nhân, ý nghĩa các sự kiện lịch sử quan trọng, trách nhiệm, tác động/nhân tố ảnh hưởng đến quá trình lịch sử… Ví dụ: sự chuyển biến của kinh tế nước Nga Xô viết khi thực hiện chính sách Kinh tế mới (NEP), trách nhiệm của các cường quốc trong việc để Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ảnh hưởng của sự kiện tiêu biểu trong lịch sử thế giới (1917 – 2000) đến Việt Nam…

“Với cấu trúc, nội dung kiến thức và cách hỏi như trên, đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2023 đã đảm bảo được tính cơ bản, nhẹ nhàng và phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập bằng các phương pháp cơ bản như lập bảng kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp “từ khóa”, sử dụng đường biểu diễn thời gian… thì sẽ dễ dàng đạt điểm gần như tuyệt đối ở 30/40 câu đầu”, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng nhận xét.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng chia sẻ, đề thi có 30/40 câu đầu sẽ thực sự nhẹ nhàng nếu thí sinh nắm kiến thức cơ bản, nhận biết và phân biệt được vấn đề. Tất nhiên, với những học sinh không dành thời gian học Lịch sử thì vẫn có thể điểm kém, thậm chí điểm liệt.

So sánh với đề thi tốt nghiệp 2022, theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng, đề có 10 câu hỏi phân hóa thí sinh ở mức vận dụng và vận dụng cao (khoảng 25%).

“Câu hỏi phân hóa không phải “đánh đố” học sinh mà vẫn tập trung vào kiến thức cơ bản, xuyên suốt và có trong chương trình. Tuy nhiên, yêu cầu nâng lên tầm nhận thức về tư duy, suy luận, kết nối các đơn vị kiến thức với nhau.

Để lựa chọn đáp án, đòi hỏi thí sinh phải vừa vững kiến thức cơ bản, vừa có khả năng tư duy tổng hợp, hiểu đúng bản chất các sự kiện, hiện tượng lịch sử; đồng thời biết nhận định, đánh giá, liên hệ thực tiễn, lý giải sự vận động của tiến trình lịch sử…”, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng cho biết.

Bật mí phương pháp ôn luyện tốt nhất để chinh phục loại câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng cho rằng học sinh phải biết xâu chuỗi các vấn đề, kết hợp giữa lịch đại (thời gian) với đồng đại (không gian), không nhớ vụn vặt, máy móc.

“Trong chương trình phổ thông có một số vấn đề nổi bật mà giáo viên cần hướng dẫn học sinh xâu chuỗi như: nhiệm vụ cách mạng (nhiệm vụ chiến lược và nhiệm vụ sách lượng/nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ), lực lượng cách mạng (vấn đề tập hợp lực lượng thông qua các mặt trận dân tộc thống nhất), tính chất của các phong trào đấu tranh, vai trò của hậu phương, chiến tranh cách mạng…

Ngoài ra, các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao cũng yêu cầu học sinh nhận thức đúng tính chất, đặc điểm của các vấn đề lịch sử, biết vận dụng kiến thức đã học vào so sánh để làm rõ các điểm tương đồng/khác biệt của hiện tượng/quá trình lịch sử. Ví dụ, ở câu 40 hỏi điểm tương đồng giữa chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975”, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng chia sẻ.

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hưởng cho rằng, đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2023 đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, phù hợp đánh giá học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông Lịch sử trên phạm vi rộng.

Đề thi cũng là căn cứ đáng tin cậy để các trường đại học, cao đẳng chưa chuẩn bị phương án xét tuyển riêng có kế hoạch sử dụng làm điểm xét tuyển môn thi đầu vào.

Giáo viên gợi ý thêm cách hỏi mới

Cùng trao đổi về đề thi tham khảo môn Lịch sử năm 2023, thầy giáo Đặng Danh Hướng – Giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Cấu trúc đề thi tham khảo không lạ, vẫn chủ yếu là những câu hỏi trắc nghiệm tập trung vào lựa chọn đúng và lựa chọn không đúng.

Với cấu trúc đề thi này, học sinh sẽ không bỡ ngỡ khi làm bài. Bởi, các em được ôn luyện khá thuần thục trong quá trình học tập”

Tuy nhiên, “hiến kế” cho đổi mới sáng tạo trong cấu trúc câu hỏi đề thi môn Lịch sử, thầy giáo Đặng Danh Hướng cho rằng, đề thi có thể sử dụng thêm các câu hỏi điền khuyết kết hợp với lựa chọn đúng hay câu hỏi ghép nối với lựa chọn đúng.

Ví dụ: Hãy lựa chọn đáp án ghép nối đúng cột thời gian với cột sự kiện dưới đây:

Thời gian

Sự kiện

1. 1939 - 1945

a. Chiến tranh đặc biệt

2. 1959 - 1960

b. Phong trào giải phóng dân tộc

3. 1961 - 1965

c. Phong trào Đồng Khởi

4. 1965 - 1968

d. Chiến tranh cục bộ

A. 1-a, 2-b, 3-c, 4-d C. 1-b, 2-c, 3-a, 4-d

B. 1-a, 2-d, 3-c, 4-b D. 1-b, 2-a, 3-c, 4-d

Theo thầy Đặng Danh Hướng, đề thi tham khảo có đầy đủ 4 mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Nội dung kiến thức bám sát chương trình sách giáo khoa.

Với nội dung kiến thức như đề tham khảo học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản dễ dàng đạt được số điểm như mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là đề tham khảo học sinh không nên chủ quan. Do đó, học sinh cần có kế hoạch ôn tập hợp lý nhằm đạt mục tiêu đề ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng chia sẻ, để làm tốt bài thi Lịch sử, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi và có cách thức ôn tập, phương pháp làm bài phù hợp. Bản chất của nhận thức lịch sử là “ôn cố nhi tri tân” (biết xưa để hiểu nay), nên học sinh không chỉ cần học tốt kiến thức sách giáo khoa mà cần mở rộng kiến thức xã hội, từng bước tìm hiểu ý nghĩa của những bài học lịch sử đối với bản thân, kết nối được tri thức lịch sử với cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình.

Giáo viên và phụ huynh sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ học sinh “vượt rào” trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bao gồm việc hướng dẫn các em phương pháp ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, sự quan tâm, động viên và khích lệ kịp thời… Tuy nhiên, năng lực tự chủ và tự học của mỗi học sinh vẫn là yếu tố quyết định điểm số, chất lượng học tập, kỳ thi.

Ngọc Mai