Nhà sử học Dương Trung Quốc hiến kế cách giúp HS cải thiện điểm số môn Lịch sử

18/07/2022 06:40
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Giải pháp căn cơ nhất là thay đổi nhận thức về môn Lịch sử, có bài bản, mục đích, hướng tới những giá trị môn Lịch sử mang lại.

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp Lịch sử vào nhóm môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023 là một sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm còn lại là dạy gì và dạy như thế nào khi thời gian bước vào năm học mới chỉ còn gần 2 tháng.

Điều này đẩy ngành giáo dục, các thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử, học sinh vào tình huống khó khăn”, đó là chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó nêu phần nội dung bắt buộc môn Lịch sử với 52 tiết/năm ở cấp trung học phổ thông.

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu Lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, bên cạnh việc để vị trí môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp trung học phổ thông thì cần có sự đổi mới trong bộ môn này để nâng cao được chất lượng giáo dục, cải thiện điểm số, hấp dẫn học sinh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trần Lý

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trần Lý

“Chúng ta không thể né tránh sự thật là môn Sử lâu nay có ‘vấn đề’, điều này thể hiện ở việc một bộ phận học sinh cảm thấy khó học, không hứng thú dẫn tới điểm số thấp.

Chính vì vậy, tôi cho rằng cần có sự thay đổi lớn về nội dung và phương pháp giảng dạy. Để làm được điều đó, các chuyên gia, thầy giáo giàu kinh nghiệm giáo dục phổ thông phải được tập hợp lại để góp ý, điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, điều quan trọng trong thời điểm này là phải thay đổi nhận thức về môn Lịch sử. Thực tế, nội dung học sinh được dạy là điều chúng ta "muốn" nhưng quên mất rằng hai nhân tố quan trọng nhất của lịch sử là sự công bằng và sự thật. Đây cũng chính là yếu tố khiến lịch sử trở nên hấp dẫn, làm cho những người tiếp cận với môn Lịch sử cảm thấy kiến thức mang lại có ích cho mình.

“Học sinh được dạy quá nhiều về các chiến thắng nhưng không biết đến những vấp ngã, thất bại, chính vì vậy các em vẫn chưa thấy được một lịch sử toàn vẹn của dân tộc Việt Nam. Học sinh phải được học cuộc cách mạng diễn ra như thế nào, thấy được những hi sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình như ngày hôm nay. Thiết kế chương trình theo lối cũ dẫn tới việc sa đà vào hình thức, làm cho lịch sử dân tộc trở nên xa lạ”, ông Dương Trung Quốc nói.

Bên cạnh đó, muốn cải thiện chất lượng giáo dục thì vai trò của người thầy trực tiếp giảng dạy cho học sinh vô cùng quan trọng, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Thời tôi học, các thầy dạy môn Lịch sử rất năng động, mỗi người có một tính cách khác nhau. Ngoài việc tuân thủ những nội dung theo quy định của nhà trường thì phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức tới học sinh vô cùng sinh động tạo sự hấp dẫn, thu hút.

Hiện nay, các thầy cô là những người có năng lực sáng tạo, họ luôn cố gắng đổi mới cách dạy sao cho phù hợp, tuy nhiên tôi cho rằng còn khá chậm nên chưa nhìn rõ được kết quả mang lại.

Nếu như những môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật đòi hỏi có phòng thí nghiệm, công cụ phục vụ việc dạy học thì môn Lịch sử cũng vậy. Tôi lấy ví dụ, một cô giáo dạy về sự kiện Điện Biên Phủ nhưng chưa bao giờ đến, không được tiếp cận với thực tế lịch sử, các bảo tàng,... thì vô cùng thiếu sót. Điều quan trọng là nhà trường phải tạo điều kiện, cơ hội cho các thầy cô, họ phải được trải nghiệm thực tế thì việc giảng dạy mới hiệu quả”.

Xét về cơ chế thị trường, môn Lịch sử khi học xong thường phục vụ cho các công việc về văn hóa xã hội, nghiên cứu, du lịch,.. tuy nhiên chỉ tiêu tuyển dụng, thu nhập của những công việc này khá thấp so với các ngành như kinh tế, khoa học công nghệ. Điều này đang tác động lớn tới tâm lý học sinh, khiến cho học sinh ít dành thời gian cho môn Lịch sử.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, kiến thức môn Lịch sử mang lại làm giàu tri thức con người. Rõ ràng, có rất nhiều nhà khoa học tự nhiên, nhà khoa học công nghệ có sự hiểu biết sâu về lịch sử, say mê lịch sử và họ nhìn thấy từ trong lịch sử rất nhiều động lực, yếu tố giúp họ thành công trong lĩnh vực của mình.

Vì vậy, mỗi học sinh cần xác định được tầm quan trọng của tri thức lịch sử đối với việc phát triển phẩm chất của con người Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại hội nhập như hiện nay. Muốn hội nhập bền vững thì phải dựa vào hành trang và bản lĩnh, những phẩm chất ưu trội, và lịch sử dân tộc là một yếu tố ưu trội ít người nhận ra.

Cuối cùng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Giải pháp căn cơ nhất là thay đổi nhận thức về môn Lịch sử, có bài bản, mục đích, hướng những giá trị môn học này mang lại phù hợp với mục đích của chính cuộc sống chúng ta.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cải thiện điểm số là bài toán của cả xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục. Đặc biệt, những người thiết kế chương trình phải căn chỉnh làm sao để cân đối, thời lượng dạy có hạn nên phải cung cấp những kiến thức tinh giản và cơ bản nhất. Đây cũng là bài toán khó với các nhà giáo dục”.

Trần Lý