Mở đầu cuốn sách mang tên “Cuộc cách mạng giáo dục lần thứ tư: Trí tuệ nhân tạo sẽ giải phóng hay làm ấu trĩ hóa nhân loại?”, các tác giả viết: “Giáo dục đã là cô bé Lọ Lem trong câu chuyện AI: Giáo dục hầu như không được biết đến trên các văn bản và bởi các chính phủ, các công ty, các cơ sở giáo dục ở khắp nơi trên thế giới. Điều này cần phải thay đổi nhanh chóng: AI có thể là hoàng tử bạch mã, cũng có thể là dì ghẻ ác độc đối với giáo dục”. [1]
Nhận định trên được đưa ra vào năm 2018. Còn giờ đây khi AI (trí tuệ nhân tạo) đến với giáo dục dưới bộ cánh ChatGPT thì đó sẽ là hoàng tử hay dì ghẻ ác độc?
Thực ra ChatGPT chỉ là bước phát triển tất yếu - dù rằng đột phá - của AI nên việc trả lời câu hỏi trên cần đặt trong mối quan hệ giữa AI và giáo dục đại học suốt thời gian qua.
Ảnh minh họa. Nguồn: vtvlive.vn |
Đồng thuận Bắc Kinh về AI và giáo dục
AI trở thành đối tượng nghiên cứu từ năm 1956, nhưng suốt từ đó cho đến gần đây nó chỉ thuần túy là một lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm, lúc sôi nổi, lúc âm ỉ trầm lắng. Chỉ trong khoảng vài năm gần đây, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi AI chuyển từ các kiến thức hàn lâm sang kỹ thuật AI, rồi công nghệ AI, với những ứng dụng mang tính đột phá trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, ngân hàng, giao thông, y tế, quốc phòng, an ninh... thì mới có sự quan tâm rộng rãi trên phạm vi toàn cầu đến những cơ hội và thách thức, lợi ích và rủi ro gắn liền với AI.
Riêng đối với giáo dục, tháng 5/2019, tại Hội nghị quốc tế về AI và giáo dục do UNESCO tổ chức tại Bắc Kinh, các đại biểu của hơn 100 quốc gia thành viên đã thảo luận và trao đổi về các tác động của AI lên sự phát triển kỹ năng và tương lai việc làm, cũng như tiềm năng của AI trong việc định hình lại các nền tảng cốt lõi của giáo dục, giảng dạy và học tập.
Từ đó, trong Đồng thuận Bắc Kinh về AI và giáo dục, các đại biểu khuyến nghị các chính phủ vận dụng các tiếp cận toàn chính quyền, liên ngành, với sự tham gia của các bên có liên quan trong việc lập kế hoạch và quản lý AI trong giáo dục trên nguyên tắc sự phát triển của AI phải do con người kiểm soát và lấy con người làm trung tâm; việc triển khai AI phải phục vụ con người để nâng cao các khả năng của con người; việc thiết kế AI phải có đạo đức, không phân biệt đối xử, công bằng, minh bạch và kiểm toán được; tác động của AI đối với con người và xã hội phải được giám sát và đánh giá trong toàn bộ chuỗi giá trị [2].
Đồng thuận Bắc Kinh cũng khuyến nghị Tổng Giám đốc UNESCO xem xét thành lập một nền tảng “AI đối với giáo dục”, đồng thời soạn thảo và ban hành các tài nguyên và tài liệu hướng dẫn để hỗ trợ các chính phủ trong việc xây dựng chính sách và chiến lược vận dụng AI trong giáo dục một cách hiệu quả và công bằng.
Như vậy, có thể thấy, nếu năm 2018 có tác giả còn cho rằng giáo dục chỉ là cô bé Lọ Lem trong câu chuyện AI thì đến năm 2019, Đồng thuận Bắc Kinh đã lưu ý các chính phủ phải sẵn sàng để cô bé Lọ Lem-giáo dục đón AI như một hoàng tử.
Các chỉ dẫn về chính sách AI trong giáo dục
Thực hiện Đồng thuận Bắc Kinh, năm 2021, UNESCO đã phát hành tài liệu mang tên “AI và giáo dục: Hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách” [3].
Tài liệu mở đầu với nhận định: “Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng giải quyết một số thách thức lớn nhất trong giáo dục ngày nay, đổi mới phương pháp dạy và học, và cuối cùng là đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG 4 (Mục tiêu phát triển bền vững số 4). Tuy nhiên, những phát triển công nghệ nhanh chóng đó chắc chắn mang lại nhiều rủi ro và thách thức, cho đến nay đã vượt xa các tranh luận chính sách và các khuôn khổ pháp lý”.
Giờ đây, AI có mặt mọi nơi, trong mọi công nghệ làm nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ in 3D, xe tự lái, đến công nghệ sinh học, công nghệ nano, điện toán lượng tử, internet vạn vật... Vì vậy, về cơ bản các cơ hội và thách thức, lợi ích và rủi ro mà AI đem đến giáo dục đã được đề cập đến trong các thảo luận về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục.
Nói một cách cụ thể thì các lợi ích mà AI đem đến giáo dục khá đa dạng và ấn tượng. Với sự hỗ trợ của AI, các hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System) đã nâng cao rất nhiều hiệu quả quản trị và quản lý nhà trường; các hệ thống dạy kèm thông minh ITS (Intelligent Tutoring System) đã hiện thực hóa việc cá thể hóa học tập, tạo điều kiện để bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận giáo dục có chất lượng và suốt đời; các robot trợ giảng đã hỗ trợ nhà giáo giảm khối lượng công việc bằng cách tự động hóa các tác vụ như đánh giá, phát hiện đạo văn, quản lý và phản hồi;…
Mặc dù sử dụng các công nghệ tiên tiến, các ứng dụng này thường chỉ giới hạn trong việc tự động hóa một số hoạt động trong lớp học đã lỗi thời, thay vì sử dụng các ưu thế độc đáo của AI để đổi mới dạy và học. Những vấn đề giáo dục phức tạp hơn, chẳng hạn như học tập, hợp tác hoặc đổi mới cách thức đánh giá và công nhận còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Hơn thế nữa, việc triển khai rộng rãi các công nghệ AI mang lại nhiều rủi ro và thách thức, chẳng hạn những rủi ro về quyền sở hữu dữ liệu và về quyền riêng tư. Một rủi ro khác là những sai lệch thuật toán có thể xâm phạm các quyền cơ bản của con người. Ngoài ra còn có thêm mối lo ngại rằng dữ liệu và kiến thức chuyên môn về AI đang bị tích lũy bởi một số nhỏ các siêu cường quân sự và công nghệ.
Tuy nhiên, trên thế giới hầu như chưa có nghiên cứu nào được thực hiện, chưa có hướng dẫn nào được thống nhất, chưa có chính sách nào được xây dựng và chưa có quy định nào được ban hành để giải quyết các vấn đề đạo đức cụ thể do việc sử dụng AI trong giáo dục. Nếu không có sự can thiệp chính sách hiệu quả, các triển khai AI trong giáo dục có khả năng vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, quyền con người và gia tăng các bất bình đẳng về khoảng cách số.
Để khắc phục tình trạng trên, báo cáo của UNESCO đưa ra các khuyến nghị sau:
- Cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược về AI trong giáo dục với các ưu tiên tùy theo bối cảnh quốc gia, trong đó 4 mục tiêu chiến lược là: 1) bảo đảm việc sử dụng AI trong giáo dục là công bằng và bao trùm; 2) tận dụng AI để tăng cường giáo dục và học tập; 3) thúc đẩy phát triển các kỹ năng sống trong thời đại AI; 4) bảo vệ việc sử dụng minh bạch và có thể kiểm tra được của dữ liệu giáo dục;
- Áp dụng cách tiếp cận nhân văn làm nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chính sách, theo đó AI phải do con người kiểm soát và lấy con người làm trung tâm, góp phần nâng cao năng lực của cả thầy và trò;
- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phải là một tiến trình toàn chính phủ, liên ngành, có sự tham gia của mọi bên có liên quan;
- Có các giải pháp cụ thể như luật bảo vệ dữ liệu cùng việc xác lập và giám sát các mục tiêu đo được để bảo đảm rằng việc sử dụng AI trong giáo dục là công bằng, bao trùm và có đạo đức;
- Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp edtech (công nghệ giáo dục) và thúc đẩy hợp tác quốc tế để xây dựng nguồn lực và năng lực triển khai các công nghệ dựa trên AI ở quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển tri thức chuyên sâu và công cụ AI tại đất nước.
Sinh viên Kỹ thuật hàng không của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thực hành trong Phòng thí nghiệm Hàng không. Nguồn: USTH |
Điều ngày càng quan trọng là mọi người dân đều cần phải “sáng AI”: AI là gì, AI hoạt động như thế nào, AI có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào. Nghĩa là, giáo dục và phương pháp đào tạo trên toàn thế giới sẽ cần phải có một ứng phó trên toàn hệ thống, thậm chí toàn xã hội, để giúp chuẩn bị cho mọi công dân sống và làm việc hài hòa trong kỷ nguyên AI.
Muốn vậy, kiến thức cơ bản về AI phải được tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông; các kỹ thuật và công nghệ AI phải được tích hợp trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; sáng AI phải là một yêu cầu được đặt ra trong các chương trình giáo dục thường xuyên; các khóa học nâng cao và các chương trình nghiên cứu phải được phát triển để xây dựng đội ngũ nhân tài về AI, từ đó hình thành nhóm các chuyên gia bản địa chuyên sâu để thiết kế, lập trình và phát triển hệ thống AI.
Từ chatbot đến ChatGPT và phản ứng trái chiều từ các nhà trường
Chatbot là các chương trình máy tính trực tuyến kết hợp với AI để thực hiện các cuộc trò chuyện với mọi người. Về cơ bản chatbot hoạt động thông qua dữ liệu được lập trình sẵn. Ở mức độ cao thì chatbot hoạt động nhờ sự kết hợp giữa xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing), AI và máy học (Machine Learning). Nó hoạt động dựa trên việc ghi nhớ lại sở thích, bối cảnh từ các cuộc trò chuyện trước đó, từ đó đưa ra phản hồi phù hợp nhất với truy vấn của người dùng.
Nó hiện đang được triển khai nhiều trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng ở các doanh nghiệp. Trong giáo dục nó cũng đã và đang được sử dụng như một công cụ trợ giúp đắc lực và hiệu quả như một trợ lý ảo trong quản lý nhà trường, trong giảng dạy của nhà giáo, trong học tập của sinh viên.
ChatGPT là bước phát triển mang tính đột phá của chatbot dựa trên khoa học nền tảng GPT-3. Đây là một mô hình ngôn ngữ rộng lớn có khả năng tạo các văn bản giống như đang trò chuyện với người thật. Nó được tạo nên từ kho dữ liệu khổng lồ lấy từ internet; trong đó có cả website Reddit - một nơi lưu trữ các thông tin trên toàn thế giới về nhiều chủ đề khác nhau.
Dữ liệu để phản hồi người dùng được đào tạo, cài sẵn và được cập nhật liên tục trong quá trình sử dụng. Mục đích chính là một hệ thống xử lý ngôn ngữ tạo văn bản giống như con người.
Vì thế, nếu chatbot chỉ giới hạn trong khả năng cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu đơn giản của người sử dụng thì ChatGPT đáp ứng được các nhu cầu cao hơn từ việc dịch thuật, làm thơ đến lập trình, tóm tắt, viết tiểu luận hoặc tổng luận về một chủ đề chuyên sâu ở mức độ sinh viên tốt nghiệp đại học. Phạm vi thông tin của nó rộng đến mức có người đã nói “từ nay Google chết”. Khả năng viết văn bản của nó tốt đến mức có nhà giáo đã nói “ChatGPT đã viết tốt hơn phần lớn sinh viên ngày nay” và vì thế đã đến lúc khai tử các luận văn tốt nghiệp của sinh viên.
Lập trình viên của Google, Kenneth Goodman, đã thử ChatGPT trong một số bài kiểm tra. Nó đạt 70% trong kỳ thi cấp phép y tế của Hoa Kỳ, 70% trong kỳ thi luật sư, đúng 9 trên 15 trong một bài kiểm tra pháp lý khác (kỳ thi trách nhiệm nghề nghiệp đa bang), 78% trong phần trắc nghiệm hóa học của trường trung học bang New York, và thuộc phân lớp 40% trong kỳ thi tuyển sinh vào trường Luật [4].
Tình thế nêu trên dẫn đến các phản ứng rất khác nhau giữa các trường đại học.
Một số cơ sở giáo dục đại học, chẳng hạn Sciences Po, một đại học đẳng cấp quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn ở Pháp, đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc cấm hoặc hạn chế sinh viên sử dụng ChatGPT vì, theo đúng các quy định của điều lệ chống đạo văn, sự liêm chính học thuật không cho phép sinh viên nộp bài làm đã được thực hiện bởi một ai đó không phải là chính họ. Bên cạnh đó là nỗi lo về việc sử dụng công cụ này để thực hiện gian lận trong thi cử hoặc để sản xuất các bài báo khoa học. Ở Ấn Độ đã có quy định cấm mang điện thoại di động, ChatGPT và các thiết bị điện tử khác vào phòng thi.
Các cơ sở giáo dục đại học khác lại coi ChatGPT là một khả năng. Tại Đại học Namur ở Bỉ, các giáo sư khuyến khích sinh viên tạo văn bản bằng công cụ này để xem văn bản do máy tạo ra khác như thế nào so với những gì họ đã học hoặc so với cách viết của chính họ. Điều này góp phần giúp người học nhìn thấy giới hạn của các loại công cụ này. Ngoài ra, văn bản do ChatGPT tạo ra có khả năng cung cấp thông tin tổng quan về một chủ đề nghiên cứu, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo.
Giữa hai loại trên là những cơ sở giáo dục đại học chọn thái độ... chờ xem, như một biện pháp tạm thời cho đến khi có thể đưa ra các chính sách thích hợp cho việc sử dụng chúng. Chẳng hạn, Đại học Sejong ở Seoul (Hàn Quốc) trước mắt áp dụng cách thức cho phép sinh viên sử dụng ChatGPT như một công cụ tham khảo, nhưng cấm không được đạo văn. Còn Đại học quốc gia Seoul đang phối hợp với viện nghiên cứu AI để phát triển các công cụ nhằm ngăn chặn các hành vi được cho là bất hợp pháp trong việc sử dụng ChatGPT.
Chung sống với ChatGPT
Thực ra gian lận thi cử và đạo văn là chuyện muôn thuở. Vài thập kỷ trước, nhà giáo đã lo sợ về gian lận thi cử khi học sinh, sinh viên sử dụng máy tính để làm bài; những năm gần đây lại là nỗi lo về đạo văn từ các tài nguyên giáo dục mở.
Mỗi bước tiến của công nghệ trong giáo dục đều mở ra cả cơ hội và thách thức. Thách thức về gian lận học thuật luôn nảy sinh và việc khắc phục nó được các nhà nghiên cứu coi là bài toán muôn thuở, kiểu "mèo đuổi chuột".
Vì thế, trước hết cần coi ChatGPT là một bước tiến lớn trong công nghệ AI. Thay vì chối bỏ nó, các cơ sở giáo dục đại học cần đón nhận nó và tìm ra những cách thức sáng tạo và có ý nghĩa để tích hợp chúng vào nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Các nhà trường cần suy nghĩ lại về cách dạy, cách học, cách đánh giá và cách đạt được kết quả học tập tốt hơn trong bối cảnh chuyển đổi số.
Bộ Giáo dục Singapore là một trong số ít các bộ sớm có lập trường rõ rệt về vấn đề này. Bộ cho biết họ hỗ trợ việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT trong các trường phổ thông và đại học. Bộ trưởng Giáo dục Singapore cho biết Bộ đã cung cấp các hướng dẫn và nguồn lực cần thiết cho các nhà trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Đại học Duy Tân |
Để định hướng cho các đại học thành viên trước vấn đề ChatGPT, Hiệp hội các đại học Châu Âu (EUA) đã ra tuyên bố với nhận định: “Có nhiều bất cập liên quan đến việc sử dụng AI, chẳng hạn như thiếu dẫn chiếu về các nguồn thông tin, thiên lệch trong dữ liệu và thuật toán, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và bản quyền hoặc các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và tính công bằng. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lợi ích tiềm năng về mặt học thuật, bao gồm hiệu quả được cải thiện, học tập được cá nhân hóa và những cách làm việc mới” [5].
Vì thế, EUA khẳng định: “Rõ ràng là việc cấm sử dụng các công cụ AI và các công nghệ mới khác sẽ là vô ích. Do đó, giáo dục đại học phải điều chỉnh các phương pháp học tập, giảng dạy và đánh giá của mình theo cách mà AI có thể được sử dụng một cách hiệu quả và phù hợp. Các đại học phải khám phá việc sử dụng có trách nhiệm các công cụ AI, phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu và giá trị của nhà trường, đồng thời quan tâm đúng mức đến khuôn khổ pháp lý của nhà trường cùng những hậu quả và tác động rộng lớn đối với xã hội, văn hóa và kinh tế” [5].
Định hướng là vậy, nhưng giáo dục đại học phải chung sống như thế nào với ChatGPT để khai thác tốt nhất các cơ hội và khắc phục tốt nhất các thách thức lại là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng và đơn giản.
Về nguyên tắc, mọi người đều biết máy tính thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phụ thuộc vào dữ liệu, khám phá mẫu và lập luận thống kê; trong khi con người tiếp tục hoàn thiện hơn trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự đồng cảm, tự định hướng, lương tri, hợp tác, phê phán và đánh giá giá trị. Nói cách khác, giúp sinh viên học cách sống có ích trong một thế giới ngày càng bị ảnh hưởng bởi AI đòi hỏi một phương pháp sư phạm thay vì tập trung vào những gì máy tính giỏi (ví dụ: ghi nhớ và tính toán), thì nhấn mạnh hơn vào kỹ năng con người (ví dụ: tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo) cùng khả năng cộng tác với các công cụ AI phổ biến trong cuộc sống, học tập và làm việc.
Đó chính là công việc mà đổi mới giáo dục theo tiếp cận năng lực đang theo đuổi trên phạm vi toàn cầu. Nhưng làm thế nào tích hợp được AI vào các chương trình giáo dục này từ mầm non đến đại học lại là vấn đề mà ở phần lớn các nước trên thế giới, do khoảng cách không tránh khỏi về AI, nên vẫn chưa có sự sẵn sàng trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về AI trong giáo dục, theo cả tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên.
Kết luận
Trở lại câu hỏi ban đầu: AI với bộ cánh ChatGPT sẽ là hoàng tử bạch mã hay dì ghẻ ác độc đối với cô bé Lọ Lem-giáo dục?
Câu trả lời phụ thuộc vào từng quốc gia trong việc ban hành và tổ chức thực hiện về chính sách AI trong giáo dục.
Theo báo cáo của UNESCO nói trên [3], dựa vào kho tài nguyên của OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - về chính sách và chiến lược AI trên toàn thế giới, thì hiện có trên 600 chính sách về AI được ban hành bởi 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các chính sách về AI trong giáo dục hiện nay trên thế giới khá đa dạng nhưng có thể chia thành 3 loại: 1) các chính sách và chiến lược riêng về AI trong giáo dục; 2) tích hợp AI vào các chính sách và chiến lược chung về giáo dục hoặc về ICT (công nghệ thông tin và truyền thông); 3) chính sách chuyên đề về một vấn đề AI nào đó trong giáo dục.
Chẳng hạn Trung Quốc có kế hoạch trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo (2017) là chính sách riêng về AI trong giáo dục; cùng với đó là hai chính sách chuyên đề gồm “Chuẩn chương trình ICT mới cho trung học phổ thông (2017)” và “Kế hoạch hành động đổi mới về AI trong các cơ sở giáo dục đại học” (2018).
Các nước đã có chính sách về AI trong giáo dục sẽ ở tư thế sẵn sàng tốt nhất để khai thác mọi cơ hội được mở ra bởi bước tiến của AI và do đó sẽ tạo điều kiện để AI đến với giáo dục như một hoàng tử bạch mã. Trái lại, những nước chưa có chính sách về AI trong giáo dục cần khẩn trương xây dựng và ban hành chính sách theo các khuyến nghị nêu trên của UNESCO; nếu không, rất có khả năng AI sẽ là dì ghẻ độc ác đối với cô bé Lọ Lem-giáo dục.
Việt Nam hiện đã ban hành Quyết định 127 ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030 là Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Chiến lược quốc gia về AI của Việt Nam được thực hiện theo đúng tiếp cận toàn chính quyền, toàn hệ thống; trong đó riêng về AI trong giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai các chương trình đào tạo STEAM cho thanh thiếu niên; triển khai đại trà các chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng AI cho thanh thiếu niên; thúc đẩy các chương trình đào tạo chính quy về AI, khoa học dữ liệu; thúc đẩy đưa các môn học về phân tích dữ liệu, về ứng dụng AI vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau trong các trường đại học và cao đẳng; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về AI đến năm 2030.
Đó là điểm cộng của Việt Nam về phương diện ban hành chính sách. Nhưng điểm trừ là những yếu kém vẫn tồn tại trong tổ chức thực hiện, mà thực tế là đến nay, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào về AI trong giáo dục được ban hành và triển khai. Vì thế, vẫn khó mà nói rằng rồi đây AI cùng với ChatGPT sẽ là hoàng tử hay dì ghẻ đối với cô bé Lọ Lem-giáo dục Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Seldon, A. and Abidoye, O. 2018. The Fourth Education Revolution: Will artificial intelligence liberate or infantilise humanity? University of Buckingham Press.
[2] UNESCO. 2019. BEIJING CONSENSUS on artificial intelligence and education. Paris: UNESCO
[3] Fengchun Miao, Wayne Holmes, Ronghuai Huang, and Hui Zhang. 2021. AI and education: Guidance for policy-makers. Paris: UNESCO
[4] Stephen Shankland. 2023. Why We're Obsessed With the Mind-Blowing ChatGPT AI Chatbot. https://www.cnet.com/tech/computing/why-were-all-obsessed-with-the-mind-blowing-chatgpt-ai-chatbot/
[5] EUA. 2023. Artificial intelligence tools and their responsible use in higher education learning and teaching.