Tranh cãi việc ChatGPT là đồng tác giả trong bài báo khoa học

13/02/2023 06:45
Khánh An (dịch)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều nhà xuất bản, tạp chí trên thế giới cho rằng không nên để ChatGPT là tác giả của bài báo khoa học bởi nó không thể tranh luận, nghiên cứu,... như con người.

Vào tháng 12/2022 vừa qua, một bài báo in được xuất bản khiến nhiều người đọc không khỏi ngạc nhiên khi tìm thấy ChatGPT trong cột tác giả. Khả năng viết bài của ChatGPT vốn được nhiều người biết đến nhưng việc chatbot này xuất hiện với tư cách là tác giả trong các bài báo khoa học đang gây ra nhiều tranh cãi.

Trong bản in trước của một bài báo khoa học này về việc sử dụng công cụ cho giáo dục y tế đã được xuất bản trên kho lưu trữ của medRxiv có xuất hiện cái tên ChatGPT là một trong 12 tác giả.

Ảnh chụp màn hình trong bản in trước một bài báo khoa học trên kho lưu trữ của medRxiv có ChatGPT trong cột tác giả.

Ảnh chụp màn hình trong bản in trước một bài báo khoa học trên kho lưu trữ của medRxiv có ChatGPT trong cột tác giả.

Không những vậy, trí tuệ nhân tạo ChatGPT này cũng được ghi nhận là đồng tác giả của một bài luận trên Tạp chí Nurse Education in Practice (Giáo dục Y tá về thực hành) trong tháng 1 vừa qua.

Ảnh chụp màn hình một bài luận trên Tạp chí Nurse Education in Practice có ChatGPT là đồng tác giả.

Ảnh chụp màn hình một bài luận trên Tạp chí Nurse Education in Practice có ChatGPT là đồng tác giả.

Những người sử dụng ChatGPT và đưa chúng vào đồng tác giả có thể do họ tin rằng ChatGPT thực sự đóng góp trí tuệ vào nội dung của bài báo khoa học của họ.

Tuy nhiên, một số người cho rằng việc ghi nhận quyền tác giả cho bất kỳ đối tượng nào thì đối tượng đó phải có trách nhiệm giải trình đối với tác phẩm của mình.

Do đó, không thể áp dụng việc ghi quyền tác giả cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT, chúng cũng không đủ điều kiện để làm đồng tác giả của bài báo khoa học nào.

Một số nhà xuất bản của các bài báo nghiên cứu đã đưa ra ý kiến không đồng tình với việc ChatGPT được liệt kê là tác giả nghiên cứu vì họ tin rằng các công cụ AI không thể chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các bài báo khoa học.

Springer Nature, nhà xuất bản học thuật lớn nhất thế giới, đã làm rõ các chính sách của mình về việc sử dụng các công cụ viết AI trong các bài báo khoa học.

Vừa qua, công ty này đã thông báo rằng chatbot như ChatGPT không thể được ghi nhận là tác giả trong các bài báo được xuất bản trên tạp chí của họ. Tuy nhiên, họ cũng đề cập rằng, các nhà khoa học có thể sử dụng ChatGPT trong nghiên cứu.

Theo bà Skipper, Tổng biên tập tạp chí khoa học đa ngành Nature, đã có nhiều phản ứng trong cộng đồng khoa học đối với các bài báo công nhận ChatGPT là tác giả. Họ đã đưa ra các lập luận chống lại việc trao quyền tác giả cho trí tuệ nhân tạo bởi chúng không thể hoàn thành các nhiệm vụ được yêu cầu.

AI không thể chịu trách nhiệm đối với một ấn phẩm, không thể yêu cầu quyền sở hữu trí tuệ đối với công việc của mình và cũng không thể trao đổi thư từ với các nhà khoa học và báo chí khác để giải thích và trả lời các câu hỏi đặt ra.

Mặt khác, phần mềm viết AI có thể khuếch đại các thành kiến ​​xã hội và đồng thời có xu hướng tạo ra thông tin không chính xác. Đơn cử như gần đây, CNET (trang tin tức công nghệ nổi tiếng thế giới) đã sử dụng các công cụ AI để viết bài. Tuy nhiên, hơn một nửa số bài đã xuất bản đã bị tìm ra có rất nhiều lỗi.

Chính vì vậy, một số tổ chức đã cấm ChatGPT, bao gồm cả các trường học, cao đẳng và các trang web chia sẻ thông tin đáng tin cậy như Stack Overflow,... Đầu tháng 1 vừa qua, một hội nghị học thuật hàng đầu về máy học (machine learning) cũng đã cấm các tác giả sử dụng tất cả các công cụ AI để viết bài. Bởi bài báo khoa học cần có sự minh bạch, vì đó là cốt lõi của cách khoa học nên được thực hiện và truyền đạt.

Ông Holden Thorp, Tổng biên tập của Tạp chí Science, cũng cho hay, việc sử dụng ngôn ngữ do AI tạo ra mà không có trích dẫn có thể bị coi là đạo văn. Bởi khả năng tạo ra câu trả lời chính xác cho các câu hỏi kỹ thuật của công cụ AI vẫn đang khiến các chuyên gia nghi ngờ.

Hơn nữa, các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT không đáp ứng được các tiêu chí của một tác giả nghiên cứu vì chúng không thể chịu trách nhiệm về nội dung và tính toàn vẹn của một bài báo khoa học.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc sử dụng ChatGPT với tư cách là đồng tác giả trên một tạp chí khoa học sẽ không hợp lý và có giá trị gì vì mô hình này chỉ đơn giản là một công cụ do con người tạo ra để hỗ trợ các tác vụ như tạo ngôn ngữ,... Nó không có tri giác và cũng không đóng góp trong quá trình nghiên cứu hay đưa ra ý tưởng.

Các nhà nghiên cứu thường sử dụng các công cụ khác nhau để nghiên cứu nhanh hơn. Để tiến hành một thí nghiệm sinh học, các nhà khoa học có sử dụng chuột để thí nghiệm, vậy thì chuột có thể xuất hiện trong cột tác giả hay không.

Không những vậy, các nhà khoa học cũng sử dụng các chương trình như Grammarly để kiểm tra ngữ pháp của họ, nhưng họ chưa bao giờ thừa nhận điều này trong quyền tác giả của một bài báo nào.

Mặc dù ChatGPT là một công cụ hữu ích có thể hỗ trợ con người viết bài mang hướng học thuật, nhưng không nên được sử dụng nó để thay thế cho các tác giả của những bài báo khoa học là con người, bởi con người có quan điểm độc đáo mà ChatGPT không thể nào sao chép được.

Thay vào đó, ChatGPT nên được sử dụng với tư cách là hỗ trợ con người để giúp họ giải quyết các khía cạnh đơn điệu và lặp đi lặp lại của quá trình viết, cũng như nâng cao và mở rộng khả năng, kiến ​​thức cho con người.

Khánh An (dịch)