Kể từ khi ChatGPT ra đời, công cụ này đã thu hút nhiều người đăng ký sử dụng. Bất kỳ ai cũng có thể tương tác với ChatGPT thông qua trình duyệt internet, sau khi nhập câu hỏi hoặc lệnh thì ChatGPT sẽ trả lời gần như tất cả mọi thứ.
Vì vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, ChatGPT đang từng bước tạo ra những thay đổi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong ngành giáo dục. Công nghệ này có thể viết được những bài luận, thậm chí cả bài báo khoa học, đây sẽ là một thách thức lớn trong hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên.
Trước lo ngại này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Không nên lạm dụng ChatGPT, tránh dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực
Trước “cơn sốt” về ChatGPT, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng nhấn mạnh, ChatGPT nên được coi là công cụ thông minh hỗ trợ cho người dùng nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, trong quá trình tìm hiểu, tiếp nhận thông tin kiến thức. Tuy nhiên, không nên lạm dụng tránh dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực.
Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích, ChatGPT là công cụ rất hiệu quả với chức năng truyền tải kiến thức cho học sinh, sinh viên.
Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng. Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Cụ thể, một quá trình học tập và tiếp nhận thông tin của một chủ đề gồm các bước như sau:
Bước 1, tìm hiểu thông tin theo chủ đề đó từ nhiều nguồn khác nhau (sách vở, báo chí giấy và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là dữ liệu số trên internet);
Bước 2, đánh giá độ chính xác, chân thực của các nguồn dữ liệu và lựa chọn nguồn thông tin phù hợp;
Bước 3, tổng hợp khối lượng thông tin, tri thức từ các nguồn được lựa chọn cùng với quan điểm riêng của mỗi cá nhân về các chủ đề liên quan (thể hiện sự khác biệt, tính sáng tạo của con người);
Bước 4, diễn giải lượng kiến thức tổng hợp được dưới dạng tài liệu văn bản phục vụ công việc, học tập.
Các công cụ tìm kiếm thông minh như Google Search, Microsoft Bing… chỉ giúp người dùng ở bước 1. Việc lựa chọn, đánh giá tính chính xác, đầy đủ của thông tin từ bước 2 trở đi là việc của con người.
ChatGPT khác biệt so với các công cụ đó ở điểm là nó tự động thực hiện các bước tiếp theo đến khâu cuối cùng là diễn giải kiến thức tổng hợp một cách rõ ràng, văn phong rất tự nhiên, gần đạt với khả năng diễn giải của sinh viên đại học. Sự khác biệt này chính là sự đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ có trong ChatGPT so với các hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện có.
Tuy nhiên, tiện ích là vậy nhưng ChatGPT cũng có mặt trái và sự ra đời của nó tạo ra thách thức lớn đối với ngành giáo dục.
“Công cụ này sẽ khiến học sinh lười tư duy, đẩy mọi việc cho ChatGPT giải quyết hộ. Chúng ta rất khó có thể biết được một tài liệu văn bản do con người hay do công cụ thông minh như ChatGPT thực hiện khi mà yêu cầu về chất lượng, độ sâu chuyên môn đối với các bài viết phổ thông sẽ không cao và ChatGPT hoàn toàn có thể thay thế con người trong những việc này.
Từ đó, đặt ra một thách thức rất lớn đối với trường học, giáo viên trong việc đánh giá năng lực thực sự của học sinh, sinh viên”, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng nói.
Thay đổi kiểm tra, đánh giá, tường minh hóa quá trình tạo nên các sản phẩm trí tuệ
Hiện nay, trước lo lắng người học lạm dụng Chatbot AI này với các mục đích không tốt như đạo văn vì vậy một số trường đại học trên toàn cầu đã đưa ra lệnh cấm người học sử dụng ChatGPT để làm bài tập, thậm chí có trường còn đưa ra hình phạt bị đuổi học với sinh viên sử dụng ứng dụng này.
Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, trong môi trường giáo dục mới dựa trên nền tảng công nghệ số, ChatGPT có vai trò tích cực trong việc tự học, tự tiếp thu kiến thức mới của học sinh, sinh viên nên việc đưa ra lệnh cấm là không cần thiết.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Điều cần quan tâm là, phương pháp đánh giá năng lực học sinh như thế nào để chính xác trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.
Cụ thể, thầy cô giáo phải nâng cao năng lực, kinh nghiệm của mình - không dựa theo kết quả đầu ra (ở bước 4) để chấm điểm năng lực học sinh. Thay vào đó, phải có phương pháp phù hợp giám sát cả 4 bước để từ đó biết được kết quả ở bước 4 là do công cụ thông minh làm hộ hay do học sinh đầu tư công sức, tư duy từng bước để hoàn thành (có thể có sự hỗ trợ của ChatGPT hoặc Google Search).
“Giáo viên không chỉ đánh giá kiến thức học sinh trình bày bài tập thông qua điểm số như truyền thống mà người thầy phải có cách đánh giá làm sao để kiểm tra được nguồn gốc học sinh, sinh viên tiếp nhận được các kiến thức và đưa ra lời giải hợp lý cho bài tập đó.
Việc tường minh hóa quá trình tạo nên các sản phẩm trí tuệ chính là xu hướng chung trên thế giới trong việc kiểm soát ứng dụng AI vào cuộc sống. Các đơn vị phát triển công nghệ AI phải tích hợp chức năng truy vết, minh bạch hóa quy trình tạo ra sản phẩm, tức là ngược từ kết quả bước 4 về bước 1.
Tương tự như vậy, đối với sinh viên, giảng viên cần hiểu sâu về quy trình viết luận văn của sinh viên mới có thể đánh giá đúng nỗ lực, công sức thực sự và lượng kiến thức của sinh viên đó bỏ ra cho sản phẩm cuối cùng là luận văn”, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng phân tích.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, để thích nghi, vai trò trách nhiệm của người thầy nên thay đổi.
Vai trò truyền đạt kiến thức của người thầy sẽ giảm đi vì đã được các công cụ thông minh hỗ trợ. Thầy giáo sẽ hướng dẫn học sinh tự học; tiếp nhận kiến thức; kỹ năng đánh giá tính chính xác của nội dung thông tin.
Ở khía cạnh dạy “lễ” cho học sinh, người thầy sẽ phải làm nhiều hơn. Phần “lễ” trong kỷ nguyên số không đơn thuần chỉ là khung văn hóa, tiêu chuẩn đạo đức truyền thống của dân tộc. Nó sẽ bao gồm các kỹ năng xã hội trong thời đại mới, khả năng kiểm chứng thông tin, kiến thức về tính trung thực, độ chính xác…
Về cơ bản, đó là kỹ năng con người giám sát Chatbot trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả thay vì phó thác mọi việc, tin tưởng một cách mù quáng vào sản phẩm do nó tạo ra.
Người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung
ChatGPT là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng cho rằng, chúng ta không cần lo lắng về vấn đề công cụ này có thể thay thế trí tuệ con người.
Chất lượng của tài liệu văn bản do ChatGPT xây dựng phụ thuộc nhiều vào cấp độ chuyên sâu trong lĩnh vực người dùng cần tư vấn, hỗ trợ. Khi dữ liệu không có hoặc có rất ít trong bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu của OpenAI, khả năng ChatGPT sẽ trả lời chung chung, hoặc không chính xác. Điều này đã được minh chứng trong thực tế thử nghiệm bởi những người dùng với các câu hỏi chuyên sâu.
Với khả năng tự sinh bài viết từ kho tri thức tổng quát, chưa đủ chuyên sâu, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ, thay thế nhân lực ở trình độ sơ cấp (học sinh, sinh viên…) và thực sự công cụ này đang làm khá tốt trong mảng này.
Còn riêng với những lĩnh vực đòi hỏi tri thức chuyên sâu như viết báo, biên tập viên…. ChatGPT chưa thể thay thế được con người và trong tương lai, kể cả các công cụ thông minh hơn so với ChatGPT ra đời cũng không thể làm việc đó.
Bản chất của những tri thức, bí quyết chuyên sâu nằm ở kinh nghiệm của chuyên gia được tích lũy qua nhiều năm. Quan trọng hơn, những bí quyết này không thể số hóa được hoặc rất ít với trọng số không đáng kể trong kho dữ liệu dựng sẵn của OpenAI hay Google. Khi không thể mô hình hóa, số hóa các bí quyết này thì chắc chắn ChatGPT không thể thay thế được các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học.
Chưa kể, nội dung câu trả lời từ công cụ này là sự tổng hợp thông tin dựa vào kiến thức mà OpenAI huấn luyện với bộ dữ liệu văn bản có sẵn (trên 300 tỷ từ vựng với số liệu cập nhật tới năm 2021).
Do đó, người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT.
Với vai trò là công cụ trợ lý, công nghệ trí tuệ nhân tạo như phần mềm ChatGPT chỉ nên được xem xét trong việc hỗ trợ con người thu thập thông tin, kiến thức và đề xuất, tư vấn một câu trả lời "phù hợp" nhất theo quan điểm của bộ dữ liệu văn bản cực lớn ban đầu của OpenAI. Người dùng cần có tư duy phản biện, năng lực đánh giá nội dung thông tin và nên coi đó như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định, chứ không phải tuyệt đối.
“Với đơn vị phát triển công cụ, họ phải có tích hợp tính năng truy vết, minh bạch hóa việc tạo sản phẩm dựa trên dữ liệu, thông tin có trong hệ thống của họ và phần mềm thông minh hỗ trợ con người tạo ra sản phẩm ở bước 4.
Với người sử dụng, cần có kỹ năng kiểm chứng thông tin, thẩm định tính chính xác và năng lực giám sát chất lượng, nội dung của các sản phẩm do công cụ như ChatGPT tạo ra.
Với đơn vị quản lý, nâng cao kỹ năng đánh giá đối với người sử dụng; hướng dẫn cách thức kiểm soát chất lượng sản phẩm cho người sử dụng, tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa ứng xử và luật pháp của Việt Nam.
Các đơn vị phát triển công nghệ cần tuân thủ lựa chọn kho dữ liệu có nội dung phù hợp với quan điểm chính thức của Việt Nam khi huấn luyện các hệ thống thông minh như ChatGPT; tích hợp tính năng kiểm soát sự minh bạch về dữ liệu, quy trình bên trong hệ thống khi cần thiết”, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thắng nhấn mạnh.