Chỉ tiêu tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra trong năm 2023 gần bằng với tổng số trường chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh được thực hiện trong 2 năm qua. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc.
Cụ thể, Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã giao chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới) toàn tỉnh đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học, tương ứng 340 trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025.
Trường Tiểu học Thanh Trù trong ngày đón Bằng đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, tháng 11/2022. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Vĩnh Yên |
Được biết, qua 2 năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, hiện toàn tỉnh đã có 162 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 33,4% trên tổng số 485 trường học công lập của tỉnh.
Trên cơ sở rà soát và số lượng đăng kí xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của Ủy ban nhân dân tỉnh các huyện, thành phố, ngày 09/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 147/UBND-VX2 về việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2023-2025, trong đó điều chỉnh tăng mạnh chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh.
Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc |
Theo đó, năm 2023, toàn ngành phải xây dựng, công nhận thêm 161 trường học, hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia cho 323 trường học (đạt tỉ lệ 66,6%).
Năm 2024 công nhận 68 trường học, hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia cho 391 trường học (đạt tỉ lệ 80,6%);
Năm 2025 công nhận 42 trường học, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành công nhận cho 433 trường học (đạt tỉ lệ 89,3%).
Như vậy, tổng chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2025 tăng từ 70% lên xấp xỉ 90% số trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn mới. Trong đó, đến năm 2023, toàn ngành đã phải hoàn thành 66,6% số trường - gần tiệm cận chỉ tiêu của cả giai đoạn 5 năm được đề ra trong Nghị quyết của tỉnh.
Hiện các trường học còn lại chưa kiểm định chất lượng giáo dục hầu hết gặp khó khăn vướng mắc, cần bổ sung, đầu tư để đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia. Trong khi đó các điều kiện quy định chuẩn quốc gia có nhiều thay đổi (như quy định về thư viện trường học theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 07/01/2022; điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…
Trước đó, theo Báo cáo kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh giao, toàn ngành cần giải quyết những khó khăn như:
- Thiếu cơ sở vật chất: Cụ thể, trong số 268 trường đăng kí đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2023-2025, còn 137 trường (bao gồm 53 trường mầm non, 55 trường tiểu học, 29 trường trung học cơ sở) thiếu phòng học, phòng bộ môn, khối phòng quản trị, khối phụ trợ.
Trong đó, thiếu 530 phòng học, 1007 phòng bộ môn, 52 nhà điều hành, 172 nhà vệ sinh, 171 thư viện, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thiếu thiết bị dạy học mới,...
- Ngoài ra, số lượng giáo viên, nhân viên trường học còn thiếu, mất cân đối, không đảm bảo theo quy định nhưng cũng chưa được bổ sung kịp thời.
Cụ thể, toàn ngành còn thiếu 9 cán bộ quản lý, 2.650 giáo viên (trong đó bậc mầm non: 1057, tiểu học: 938 và trung học cơ sở: 655) và thiếu 176 nhân viên.