Làm sao bảo đảm chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục?

27/01/2023 06:31
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi thông tin về chất lượng các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trở thành vấn đề nóng, câu hỏi cho các trung tâm KĐCLGD một lần nữa cũng được khơi lại.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất giải pháp quản lý chất lượng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và công bố lấy ý kiến công khai tại dự thảo Thông tư quy định về việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra từ khoảng hai chục năm nay trong Liên minh Châu Âu khi việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trở thành một nhiệm vụ cấp bách đi liền với việc xây dựng không gian giáo dục đại học châu Âu theo Tuyên bố Bologna. Và câu trả lời đã có ngay trong các quy định của Khung bảo đảm chất lượng Châu Âu, được các bộ trưởng giáo dục châu Âu thông qua và phê duyệt năm 2005 dưới tên gọi “Các chuẩn và chỉ dẫn về bảo đảm chất lượng trong không gian giáo dục đại học Châu Âu” (gọi tắt là ESG 2005).

Từ đó đến nay các nguyên tắc và giải pháp về bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được không ngừng cập nhật, bổ sung và hoàn thiện trên phạm vi khu vực và quốc tế, thông qua các Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, Khung bảo đảm chất lượng châu Phi, cũng như trong Bộ chỉ dẫn của Mạng lưới quốc tế các tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE) dành cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Vì vậy, để tránh phải đi đường vòng, chúng ta có thể tham khảo và vận dụng lời giải nói trên vào việc trả lời câu hỏi: “Làm sao bảo đảm chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục?”.

Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sài Gòn

Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Sài Gòn

Các quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với các tổ chức kiểm định chất lượng trên thế giới

Ngày nay, các hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng trên thế giới đều được coi là các hệ sinh thái với ba cấu phần chính là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài và các tổ chức kiểm định chất lượng. Hệ sinh thái này vận động và phát triển trong một khung chính sách bao gồm các quy định đối với cả ba cấu phần của nó.

Một trong những nội dung không thể thiếu của khung chính sách này là những quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng để bảo đảm niềm tin của các bên có liên quan đối với chất lượng của tổ chức kiểm định chất lượng. Theo thông lệ quốc tế, trong những quy định đó sẽ có những quy định về bảo đảm chất lượng bên trong của tổ chức kiểm định chất lượng và về đánh giá ngoài mà tổ chức kiểm định chất lượng cần tuân theo.

Trong Khung bảo đảm chất lượng châu Âu ESG 2005, khi quy định về trách nhiệm giải trình của tổ chức kiểm định chất lượng đã có chỉ dẫn là tổ chức kiểm định chất lượng phải công bố chính sách bảo đảm chất lượng bên trong của mình cũng như việc bắt buộc phải có đánh giá ngoài các hoạt động của mình 5 năm một lần.

Mười năm sau, đến ESG 2015, thì các quy định trên đã rõ ràng và khúc chiết hơn với hai chuẩn về chất lượng đặt ra cho các tổ chức kiểm định chất lượng. Một chuẩn là các tổ chức kiểm định chất lượng cần có các quy trình bảo đảm chất lượng bên trong liên quan đến việc xác định, đảm bảo và nâng cao chất lượng cùng tính chính trực trong các hoạt động của mình. Chuẩn tiếp theo là các tổ chức kiểm định chất lượng phải tiến hành đánh giá ngoài ít nhất 5 năm một lần để chứng minh sự tuân thủ của họ với các chuẩn ESG.

Các quy định của Mạng lưới chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương (APQN) chưa được tường minh như vậy, nhưng cũng đã ít nhiều quan tâm đến yêu cầu về chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng. Chẳng hạn, theo các nguyên tắc Chiba về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì các tổ chức kiểm định chất lượng phải định kỳ đánh giá các hoạt động, hiệu quả và giá trị của mình. Còn Khung bảo đảm chất lượng ASEAN thì yêu cầu tổ chức kiểm định chất lượng phải có một hệ thống tin cậy để kiểm soát, kiểm toán và đánh giá mọi quy trình hoạt động của mình.

Thực ra các quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng liên quan đến chính tổ chức kiểm định chất lượng là một quá trình xây dựng và phát triển xuất phát từ những kinh nghiệm và nhận thức thông qua sự tiến hóa của tiến trình bảo đảm và kiểm định chất lượng. Chính vì thế nên Bộ chỉ dẫn của INQAAHE dành cho các tổ chức kiểm định chất lượng (INQAAHE Guidelines of Good Practice) là một công trình luôn được chỉnh lý, bổ sung, định kỳ 5 năm một lần. Đến nay trong Bộ chỉ dẫn 2018, các chỉ dẫn về bảo đảm chất lượng của tổ chức kiểm định chất lượng đã khúc chiết và tường minh hơn so với các chỉ dẫn lần đầu năm 2003. Cụ thể, các chỉ dẫn này là như sau [1]:

“Tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài (thuật ngữ tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài được INQAAHE sử dụng có nội hàm như thuật ngữ tổ chức kiểm định chất lượng) hoạt động minh bạch, chính trực, chuyên nghiệp và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp;

Tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài có cơ chế đánh giá các hoạt động của riêng mình để đáp ứng với sự thay đổi bản chất của giáo dục đại học, tính hiệu quả của hoạt động và sự đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu;

Tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài tiến hành định kỳ tự đánh giá các hoạt động của chính mình, bao gồm cả việc xem xét tác động và giá trị. Đánh giá bao gồm việc thu thập dữ liệu và phân tích làm cơ sở cho việc ra quyết định và cải tiến;

Tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài phải được định kỳ đánh giá ngoài, tốt nhất là không để chậm quá 5 năm. Phải chỉ ra rằng mọi việc làm cần thiết đều được thực hiện và công bố”.

Các chỉ dẫn nêu trên của INQAAHE nhằm giúp cho các tổ chức kiểm định chất lượng, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của trình độ phát triển, tham khảo, vận dụng, thực hiện để nâng cao chất lượng và độ tin cậy của mình đối với các bên có liên quan.

Các hướng dẫn thực hiện đối với các tổ chức kiểm định chất lượng

Từ các quy định mang tính nguyên tắc nêu trên đến việc tổ chức thực hiện là khá nhiều thách thức. Đó là các thách thức liên quan đến chính sách, cơ chế và cơ cấu bảo đảm chất lượng bên trong của tổ chức kiểm định chất lượng khi mà tổ chức kiểm định chất lượng thường chỉ là các tổ chức với quy mô nhỏ; bên cạnh đó là các thách thức về tiêu chuẩn chất lượng và quy trình đánh giá ngoài phải được xây dựng và thực hiện như thế nào khi tiến hành kiểm định chất lượng các tổ chức này.

Những thách thức trên về cơ bản đã có hướng giải quyết ở các nước có hệ thống giáo dục đại học phát triển cùng hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng vững mạnh. Chẳng hạn ở Liên minh châu Âu, Hiệp hội châu Âu về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (ENQA) đã ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá ngoài các tổ chức kiểm định chất lượng, theo đó tiêu chuẩn đánh giá là các chuẩn ESG về tổ chức kiểm định chất lượng, quy trình đánh giá cũng tương tự quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, chu kỳ đánh giá là 5 năm, cơ quan đánh giá có thể là một cơ quan quốc gia có thẩm quyền hoặc là tổ chức quốc tế ENQA (trong trường hợp tổ chức kiểm định chất lượng muốn đánh giá để trở thành thành viên được ghi tên bởi Cơ quan đăng ký bảo đảm chất lượng Châu Âu EQAR).

Các chương trình đào tạo bậc đại học của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm định chất lượng bởi các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: HUTECH

Các chương trình đào tạo bậc đại học của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm định chất lượng bởi các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: HUTECH

Riêng Mạng lưới quốc tế các tổ chức bảo đảm chất lượng INQAAHE cũng đã ban hành từ năm 2003 tài liệu hướng dẫn, với phiên bản mới nhất năm 2018, gồm 16 tiêu chuẩn làm cơ sở tham chiếu cho các tổ chức kiểm định chất lượng trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của mình cũng như đáp ứng các yêu cầu của đánh giá ngoài.

Trong phạm vi châu Á-Thái Bình Dương, học tập kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, Cơ quan đăng ký chất lượng châu Á-Thái Bình Dương (APQR) cũng công bố bộ 11 tiêu chuẩn đánh giá cùng quy trình đánh giá trong việc đánh giá ngoài các tổ chức kiểm định chất lượng trong khu vực. Đây là một đóng góp quan trọng nhằm giúp các tổ chức kiểm định chất lượng trong khu vực có cơ sở tham chiếu trong việc nâng cao chất lượng của mình.

Riêng trong phạm vi các nước ASEAN, mới đây Mạng lưới bảo đảm chất lượng ASEAN đã công bố tài liệu mang tên “Chỉ dẫn đánh giá các tổ chức bảo đảm chất lượng bên ngoài trong ASEAN” [2]. Các tiêu chuẩn đánh giá chính là toàn bộ các nguyên tắc đã được quy định trong Khung bảo đảm chất lượng ASEAN với mục đích tột cùng là thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng Khung này trong phạm vi các nước ASEAN để từng bước nâng cao chất lượng các tổ chức bảo đảm chất lượng.

Đề xuất giải pháp bảo đảm chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam

Để đề xuất giải pháp bảo đảm chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong phạm vi điều tra xã hội học của một đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ [3], nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả sau đây về ý kiến đánh giá của 800 cán bộ, giảng viên thuộc 30 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc (điểm số được tính trên thang điểm 5, trong đó điểm số từ 1 đến 5 tương ứng với các đánh giá từ “rất không tán thành” đến “rất tán thành”)

Bảng 1. Mức độ tán thành các giải pháp bảo đảm chất lượng đối với trung tâm kiểm định chất lượng (n = 800, %)

Kết quả khảo sát cho thấy sự đồng thuận cao của cán bộ, giảng viên trong việc tán thành và rất tán thành các giải pháp bảo đảm chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng thông qua việc yêu cầu trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và cũng phải được định kỳ đánh giá ngoài. Tổ chức đánh giá ngoài này có thể là một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng khu vực (như APQN, AQAN) hoặc quốc tế (như INQAAHE), tuy nhiên ý kiến của những người tham gia khảo sát nghiêng về phía mạng lưới khu vực/quốc tế nhiều hơn.

Việc xây dựng và ban hành các quy định để các trung tâm kiểm định chất lượng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của mình theo hướng có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và định kỳ được đánh giá ngoài sẽ là một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện sẽ đối diện hai thách thức sau đây:

1) Ai sẽ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng để đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng?

2) Ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá ngoài các trung tâm kiểm định chất lượng?

Để trả lời hai vấn đề trên, có thể tham khảo hai phương án sau đây:

Phương án 1: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học là người chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức đánh giá ngoài, công nhận hoặc không công nhận việc đạt tiêu chuẩn chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng. Cách làm này hiện đang được thực hiện ở Mỹ trong việc đánh giá và công nhận các tổ chức kiểm định chất lượng.

Phương án 2: Một tổ chức xã hội-nghề nghiệp chuyên về bảo đảm chất lượng là người chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức đánh giá ngoài, công nhận hoặc không công nhận việc đạt tiêu chuẩn chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng. Cách làm này hiện cũng đang được thực hiện ở Mỹ song hành với cách làm trên. Trong phạm vi khu vực châu Âu, cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì đây là cách làm chính, thông qua một tổ chức xã hội-nghề nghiệp là Cơ quan đăng ký bảo đảm chất lượng (ở châu Âu là cơ quan EQAR, ở châu Á-Thái Bình Dương là cơ quan APQR).

Ở Việt Nam, với cách tiếp cận linh hoạt và hội nhập trong phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng, có thể vận dụng cả hai phương án trên. Khi đó, các trung tâm kiểm định chất lượng có thể tùy chọn trong việc đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo để được kiểm định và công nhận về chất lượng, hoặc với một tổ chức khu vực/quốc tế như APQR, INQAAHE.

Kết luận

Vấn đề bảo đảm và nâng cao chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục là một yêu cầu bức thiết. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và công bố để lấy ý kiến rộng rãi.

Cách tiếp cận trong dự thảo Thông tư là cách tiếp cận quen thuộc theo kiểu cách làm riêng. Cách làm riêng ở đây là thay vì phát huy quyền tự chủ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của mình, lại là sự can thiệp quá sâu của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thông qua các quy định về giám sát, đặc biệt là giám sát trực tiếp và giám sát thẩm định kết quả đánh giá. Các quy định này có khả năng xung đột với quy định về nguyên tắc độc lập của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Như trên đã trình bày, việc quản lý chất lượng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới đã có lời giải chung được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện dần qua hai thập kỷ nay. Theo đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng phải được quản lý về chất lượng như các cơ sở giáo dục đại học. Nghĩa là các quy định về quản lý chất lượng đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng phải có các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong và các quy định về đánh giá ngoài đối với các tổ chức này.

Ưu điểm của dự thảo Thông tư là đã có các quy định về đánh giá ngoài. Vấn đề cần xem xét chỉnh sửa là thay thế các quy định về giám sát bằng các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Được như vậy, chúng ta sẽ tiến thêm một bước trong hội nhập khu vực và quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo

[1] INQAAHE. 2018. INQAAHE Guidelines of Good Practice. Procedural Manual 2018

[2] AQAN. 2021. Guidelines for Reviews of External Quality Assurance Agencies in ASEAN. 63000 Cyberjaya, Selangor, Malaysia: AQAN

[3] Phạm Tất Thắng (chủ nhiệm đề tài). 2021. Báo cáo nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đề xuất các giải pháp, khuyến nghị chính sách, pháp luật về BĐCL và KĐCL GDĐH ở Việt Nam”.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến