Vẫn nên duy trì dự giờ nhưng cần tránh tình trạng "bới lông tìm vết" đồng nghiệp

30/03/2023 06:36
Sơn Quang Huyến
GDVN- Theo cô Huyền: Đánh giá, nhận xét tiết dạy lấy việc góp ý, xây dựng, động viên là chính, trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành và thuyết phục nhất.

Vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Sứ mệnh lịch sử của việc dự giờ đã hết, nên thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD” của tác giả Bùi Nam đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc trên cả nước.

Không ít giáo viên vui mừng vì sắp thoát được cái “tròng” mang tên dự giờ, cũng có nhiều giáo viên vẫn trăn trở với hoạt động dự giờ, làm sao để hoạt động dự giờ không còn là nỗi “ám ảnh” với thầy cô giáo.

Người viết xin giới thiệu chia sẻ của một cô giáo Dương Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về hoạt động dự giờ.

Trả lời câu hỏi “Vai trò của hoạt động dự giờ” cô Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ:

“Dự giờ, thăm lớp là một việc làm hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên và là hoạt động chuyên môn thường xuyên của tổ chuyên môn.

Công tác dự giờ, thăm lớp giúp giáo viên tích cực đầu tư công tác tự bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, làm sâu sắc và phong phú thêm nội dung giảng dạy của bản thân.

Dự giờ cũng là giải pháp giúp giáo viên đổi mới phương pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập, giúp đỡ lẫn nhau trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp… đặc biệt là trong đổi mới dạy học hiện nay;

Dự giờ cũng là giải pháp góp phần tăng cường và làm tốt hơn nữa việc quản lý dạy và học, thúc đẩy phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng đào tạo.

* Về phía người dạy: Dự giờ sẽ giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình, có tinh thần chuẩn bị bài kĩ hơn, đầu tư nhiều hơn cho bài dạy cả về kiến thức, phương pháp, kĩ năng, bộc lộ được những điểm mạnh của mình trong công tác giảng dạy.

* Về phía học sinh: khi có người đến dự giờ, ý thức học tập của học sinh cũng tốt hơn, không khí lớp học sôi nổi hơn, các em bộc lộ được những sáng tạo, khả năng của mình.

* Về phía người dự: Từ tiết dạy của đồng nhiệp, không chỉ giúp cho nhà giáo đi dự giờ học tập, đúc kết kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp, mà còn giúp cho họ sáng tạo khi vận dụng, xử lí tốt những tình huống nảy sinh trong các tiết dạy trên lớp của mình...

Các tiết dự giờ sẽ rất có ý nghĩa với các giáo viên trẻ trong cách tiếp cận phương pháp giảng dạy. Còn giáo viên lớn tuổi cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để bài giảng thêm phong phú”.

Cô Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về điều lệ trường trung học không còn quy định giáo viên phải có sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp.

Tuy nhiên không có sổ dự giờ không có nghĩa là không dự giờ. Thực tế, bỏ sổ dự giờ nhưng vẫn có phiếu đánh giá giờ dạy.

Mục đích dự giờ là hỗ trợ giáo viên, tạo cơ hội cho họ nâng cao kỹ năng đổi mới sư phạm, thông qua dự giờ sẽ trao đổi, chia sẻ nên không cần phải hoàn hảo.Tuy nhiên công tác dự giờ thăm lớp có nhiều bất cập:

Có những tiết dự giờ, người dự kiểm tra cho điểm mà không đánh giá, nhận xét hoặc đánh giá chung chung, sợ mất lòng.

Điều đó chẳng những không kích thích động viên được giáo viên mà còn làm cho các giáo viên trong hội đồng sư phạm không có hứng thú trong giảng dạy, họ tự ti, ỷ lại và làm việc không hết trách nhiệm.

Có trường hợp người dự nhận xét nhiều về cách kiểm tra bài cũ, cách vào bài như thế nào, trình bày bảng ra sao, cách diễn đạt của giáo viên, nội dung bài học, phương pháp sư phạm, nhưng ý kiến góp ý hầu như không tìm ra một kinh nghiệm thỏa mãn để cải tiến bài học.

Thế nên, người dạy mệt, người học mệt, đến người dự cũng thấy mệt, do phải tìm “sơ hở” trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý.

Kết quả, sinh hoạt chuyên môn truyền thống, với mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy và thống nhất quy trình dạy học theo dạng bài thường mang lại kết quả không như mong đợi.

Do “căn bệnh” thành tích, nên tiết dự giờ vẫn còn tình trạng “diễn” mang tính chất hình thức, đối phó. Tiết dạy thao giảng thường được báo trước, có đồng nghiệp, có lãnh đạo đến dự nên giáo viên chuẩn bị đủ thứ: làm đồ dùng dạy học, soạn giáo án điện tử, trình chiếu PowerPoint.

Có giáo viên “diễn” rất “vào vai”, rất tròn trịa; giáo viên, học sinh đã tập dượt trước khi vào tiết dự giờ thật.

Nghĩa là, giáo viên và học sinh đều phải “diễn” để làm sao có một tiết học hoàn hảo nhưng có những người quá mất tinh thần hoặc mất tự nhiên, khiến tiết dự giờ áp lực, khó trọn vẹn.

Nên dự giờ thăm lớp trở thành “vấn đề đáng quan ngại” ở nhà trường phổ thông hiện nay”.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền (thứ ba từ bên trái sang), Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền (thứ ba từ bên trái sang), Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du.

Trước thực trạng trên có nên duy trì hoạt động dự giờ trong trường học và nếu giữ lại cần đổi mới hoạt động dự giờ như thế nào, cô Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ quan điểm của mình:

“Theo tôi, vẫn nên duy trì nhưng không nên để tiết dự giờ trở thành nỗi ám ảnh với học sinh và giáo viên.

Cụ thể, không nên lấy tiết dự giờ để bình xét, đánh giá thi đua mà đơn thuần chỉ là tiết sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng nghiên cứu bài học theo Công văn 5555 và công văn 5512 của Bộ Giáo dục, để trao đổi, giúp đỡ giáo viên nâng cao năng lực của mình.

Việc đánh giá, góp ý, thảo luận chuyên môn vừa tránh gây áp lực cho học sinh, giáo viên mà vẫn đảm bảo được mục tiêu tích cực của hoạt động dự giờ.

Không thể phủ nhận vai trò của dự giờ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề là phải tổ chức, tiến hành dự giờ như thế nào cho hợp lý.

Mỗi thầy cô giáo cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của hoạt động dự giờ, thăm lớp. Dạy đúng với năng lực của mình, phù hợp với trình độ của học sinh.

Lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, các thầy cô giáo khi đi dự giờ đồng nghiệp nên tránh tình trạng “bới lông tìm vết”, không yêu cầu, hoặc áp đặt đồng nghiệp phải dạy theo quan điểm của mình.

Đánh giá, nhận xét tiết dạy lấy việc góp ý, xây dựng, động viên là chính trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành và thuyết phục nhất.

Việc dự giờ cũng cần phải linh hoạt, sao cho phù hợp, hài hòa trên tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao tay nghề chuyên môn; không tạo áp lực cho giáo viên, học sinh. Chỉ khi đó, việc dạy và học mới thật sự hiệu quả, đem lại kết quả như mong muốn.

Chúng ta đang bắt tay thực hiện chương trình phổ thông 2018. Dạy học theo định hướng giáo dục mới, phát huy năng lực và phẩm chất người học phải mạnh mẽ cởi trói giáo viên trong việc phát huy việc chủ động trong việc sử dụng phương pháp, phương tiện dạy học.

Không tập trung vào việc đánh giá giờ dạy, xếp loại giáo viên mà nhằm khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn và tìm ra biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia vào quá trình học tập; giúp giáo viên có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Theo tôi, để đáp ứng mục tiêu giáo dục chương trình 2018 - dạy học theo định hướng giáo dục mới, phát huy năng lực và phẩm chất người học - chúng ta nên chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt của các tổ chuyên môn, đó là chuyển hình thức dự giờ cá nhân một giáo viên sang hướng nghiên cứu bài học cho cả tổ, cả nhóm.

Nghiên cứu bài học thúc đẩy, duy trì sự hợp tác giữa các giáo viên, nhằm tạo cơ hội cho giáo viên được học tập lẫn nhau thông qua hoạt động cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, cùng nhau dự giờ, phân tích bài học, qua đó giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, kĩ năng giảng dạy;

Phát triển khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ…góp phần phát triển không khí hợp tác, đoàn kết trong nhà trường, tạo ra cộng đồng học tập, văn hóa học tập và củng cố tình đồng nghiệp trong nhà trường.

Tham gia vào nghiên cứu bài học giáo viên thực hiện vai trò của người nghiên cứu, cải tạo thực tiễn và họ trở nên vững vàng hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng sự chuyên nghiệp của giáo viên và giúp giáo viên tự tin hơn trong việc giải quyết vấn đề của thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy học của mình đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên có thể quan tâm tới tất cả các học sinh trong lớp, lấy việc học của học sinh làm trung tâm khi tham gia sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

Thay vì dự giờ thăm lớp đánh giá 1 tiết dạy của giáo viên chúng ta cần đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học;

Nghiên cứu bài học bảo đảm cho tất cả học sinh có cơ hội tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên có thể quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh, đặc biệt những học sinh có khó khăn về học tập.

Nghiên cứu bài học tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tự tin hơn, không bị áp lực thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.

Sơn Quang Huyến