Theo tôi, dự giờ là con đường ngắn nhất giúp GV sớm trưởng thành

16/03/2023 06:32
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoạt động dự giờ tự nguyện, tự nguyện cho đồng nghiệp đồng nghiệp dự giờ, chính là sự sẻ chia kinh nghiệm, giúp giáo viên trưởng thành.

Bài viết "Sứ mệnh lịch sử của việc dự giờ đã hết, nên thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD" vừa qua đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Có giáo viên cho rằng cứ nghe đến sổ dự giờ, quy định phải dự giờ hàng tháng, là thấy như bị "dị ứng".

Vậy tại sao giáo viên lại “dị ứng” với dự giờ

Là giáo viên có tâm huyết, yêu nghề, ai cũng biết dự giờ đồng nghiệp là việc tốt cho bản thân mình. Thế nhưng khi dự giờ bị áp đặt, đã nảy sinh tâm lý đối phó.

Không ít giáo viên đã “cấy”, “sao chép” số tiết dự giờ vào sổ cho đủ số lượng. Người viết từng chứng kiến sổ dự giờ của giáo viên năm sau y như năm trước, chỉ khác chăng tên người dạy, tên lớp dự, ngày tháng dạy.

Khi được hỏi, giáo viên thành thật chia sẻ làm vậy chỉ để cho tổ, trường, kiểm tra, chứ thật ra những tiết cô đi dự giờ có ghi chép như vậy đâu, thời gian đâu mà ghi, nếu chỉ chăm chú ghi như thế thì còn học hỏi được gì.

Không ít cơ sở giáo dục khi thanh kiểm tra hồ sơ sổ sách cứ chăm chăm vào việc số tiết dự giờ của giáo viên; ghi chép ra sao, có đúng “mẫu” không, đánh giá xếp loại thế nào …Điều này đã tạo áp lực cho giáo viên.

Vô hình trung, công tác kiểm tra, thanh tra, gánh nặng sổ sách đã làm xấu xí, méo mó tác dụng tích cực của dự giờ, giáo viên coi dự giờ chẳng khác mấy “cái roi” của lãnh đạo.

Vì thế, chỉ tiêu số tiết dự giờ hàng tuần, hàng tháng, hàng năm trở thành ‘hòn đá tảng' gây áp lực, ngăn cách giáo viên đến lớp dự giờ, dự giờ không còn là việc làm tự nguyện vì sự phát triển của bản thân, giáo viên dần dần trở thành “thợ dạy”.

Dự giờ không bao giờ cũ với giáo viên cầu tiến, có tâm huyết với nghề nghiệp

Người viết đã trao đổi về vấn đề dự giờ, giáo viên có cần dự giờ không, với Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thúy vừa nghỉ hưu. Cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ:

“Với giáo viên là phải học tập suốt đời, trong đó có học tập từ đồng nghiệp thông qua dự giờ. Mình dự giờ người khác, mình sẽ học được nhiều cái từ đồng nghiệp, những bài học không lời ấy khó ai dạy cho bạn.

Từ thao tác trên bảng đến phương án dạy học, xử lý tình huống sư phạm … khó mà có giáo trình nào viết ra hết, giảng viên nào truyền thụ hết, chỉ có thực tế sinh động mới là trường học vĩ đại cho mỗi giáo viên.

Giáo viên có thể tự đúc rút kinh nghiệm, rút ra bài học cho bản thân thông qua chính hoạt động dạy học của mình, nhưng phải có thời gian cho giáo viên trải nghiệm.

Con đường rất ngắn giáo viên có thể học hỏi nhanh, sớm trưởng thành, không phải “trả giá”, dễ trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng dạy học, rút ra kinh nghiệm cho bản thân, chính là dự giờ đồng nghiệp.

Vì thế, giáo viên muốn tiến bộ nhanh, đơn giản nhất là đi dự giờ để học hỏi đồng nghiệp. Dự giờ đồng nghiệp không bao giờ cũ với giáo viên cầu tiến, có tâm huyết với nghề.

Nay vừa mới nghỉ hưu, những kí ức yêu thương vẫn còn mãi trong tôi, tôi xin cảm ơn quý thầy cô giáo đã cho tôi được dự giờ trong những năm tháng dạy học”.

Ảnh lưu niệm của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thúy với học trò do nhân vật cung cấp

Ảnh lưu niệm của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thúy với học trò do nhân vật cung cấp

Đôi điều kiến nghị

Các cơ sở giáo dục không quy định giáo viên phải có sổ dự giờ, số tiết phải dự giờ sẽ giảm áp lực cho nhà giáo, hãy để hoạt động dự giờ là nhu cầu tự thân, tự nguyện của thầy cô.

Hoạt động dự giờ tự nguyện, tự nguyện cho đồng nghiệp đồng nghiệp dự giờ, chính là sự yêu thương, sẻ chia kinh nghiệm dạy học, sẽ thành nhu cầu tất yếu của giáo viên cầu tiến.

Khi áp lực không còn, tâm lý đối phó không còn, dự giờ đồng nghiệp sẽ trở thành nhu cầu tất yếu trong công tác tự học, tự đào tạo của mỗi nhà giáo.

Thực tế, khi dự giờ người khác, người dự giờ có thể học được cái hay của người dạy để vận dụng, thấy được cái chưa hay để mình tránh khi dạy học.

Giáo viên lớn tuổi có thể học được những điều mới mẻ từ giáo viên trẻ, như kỉ năng sử dụng công nghệ thông tin mà tuổi trẻ dễ vận dụng, sáng tạo hơn.

Ngược lại, giáo viên trẻ khi dự giờ giáo viên lớn tuổi sẽ học được phong thái, sự tự tin, xử lý tình huống sư phạm ... dự giờ là hoạt động học tập không thể thiếu trong trường học.

Theo tôi, "Sứ mệnh lịch sử của dự giờ" không bao giờ kết thúc trong trường học. Bởi nếu tự nguyện, giáo viên yêu nghề giáo muốn sớm trưởng thành, con đường ngắn nhất là chủ động xin dự giờ đồng nghiệp để học tập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến