Cô hiệu phó dạy giỏi, tiên phong đăng ký hiến mô, hiến xác cho y học

03/01/2023 06:44
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi luôn tâm niệm, là giáo viên bên cạnh tâm đẹp cần có sức bền; bên cạnh tài năng luôn cần đức độ.

Với thông điệp "Hạnh phúc là cho đi", Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã dấy lên nhiều phong trào mang tính nhân văn cao cả.

Trong đó phải kể đến dự án “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc Hiến thi hài sau khi qua đời cho Y học”.

Dự án “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc Hiến thi hài sau khi qua đời cho Y học” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay.

Ghi dấu dự án nhân văn “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc Hiến thi hài sau khi qua đời cho Y học”, sáng ngày 19/12/2022, đại diện đơn vị tiếp nhận xác hiến, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phối hợp Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, đã trao 17 thẻ hiến tặng thi hài cho các thầy cô giáo ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trung tâm giáo dục thường xuyên Châu Đức, Trung học cơ sở Châu Đức; phụ huynh học sinh.

Tại chương trình “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc Hiến thi hài sau khi qua đời cho Y học”, quý thầy cô giáo và các em học sinh đã chia sẻ, lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi” - Cái chết gieo mầm sự sống, là một lựa chọn đẫm tính nhân văn sâu sắc.

Sự diệu kỳ của những tấm lòng, những cuộc đời ấy không chỉ là câu chuyện của Y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện về về tình người, tính người.

Cô giáo hiệu phó dạy giỏi đăng ký hiến mô, hiến xác

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du là một trong số 17 người được Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đại diện đơn vị tiếp nhận xác hiến trao thẻ đợt vừa qua.

Với thông điệp "Hạnh phúc là cho đi", cô Dương Thị Thanh Huyền đã tự nguyện đăng kí hiến mô tạng cứu người và hiến thi hài cho y học.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền vừa có Thẻ đăng ký hiến xác, vừa có Thẻ đăng ký hiến tạng.

Thẻ đăng ký hiến tạng và Thẻ đăng ký hiến xác của cô giáo Dương Thị Thanh Huyền.Thẻ đăng ký hiến tạng và Thẻ đăng ký hiến xác của cô giáo Dương Thị Thanh Huyền.

Không những thế, cô Dương Thị Thanh Huyền còn lan tỏa việc thiện này đến gia đình, hiện tại chồng và con trai cô cũng tự nguyện tham gia đăng kí.

Khi hỏi về động lực để cô có thể đăng ký hiến tạng và đăng ký hiến xác, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền cười, rồi nhẹ nhàng đọc những vần thơ của Tố Hữu:

“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là cho”

Trong bối cảnh "Thiếu nguồn xác hiến phục vụ nghiên cứu y học",[1] việc hiến tạng, hiến xác của cô giáo Dương Thị Thanh Huyền và giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du đáng yêu, đáng khen, đáng quý vô ngần.

Nói về nghề giáo, nghiệp văn chương, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ “Với tâm niệm người dạy văn là người truyền cảm hứng, người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho trò, mình phải gương mẫu, thắp lửa yêu thương trước..

Tôi luôn tâm niệm, là giáo viên bên cạnh tâm đẹp cần có sức bền; bên cạnh tài năng luôn cần đức độ. Nghề giáo cứ như thế mang trong mình những trọng trách lớn lao thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức.

Người thầy, với vai trò định hướng tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm người truyền lửa của mình. Là người trực tiếp giảng dạy, bản thân tôi không chỉ tích cực tự học, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp mà còn có nhiều trăn trở, làm sao để mỗi bài giảng thiết thực, đơn giản, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của học trò.

Làm sao để tình sâu mà chí vẫn cao, làm sao được thoải mái sáng tạo mà phẩm chất không hao khuyết”.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du

Chia sẻ về môn Ngữ văn năm đầu tiên được áp dụng ở lớp 10, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ “Kỳ vọng lớn lao của chương trình Ngữ văn 2018 là đổi mới giờ học Ngữ văn tại các nhà trường phổ thông.

Làm sao để học sinh yêu thích môn Ngữ văn, có được nhiều cảm xúc sau mỗi giờ văn, thôi thúc các em say mê, sáng tạo, để những giờ học văn thực sự là những trải nghiệm giàu tính nhân văn? Đó là trăn trở của bản thân.

Văn chương là nghệ thuật, là chuyện của lòng người, vậy chúng ta - những người thầy hãy đi tìm “chất người” trong văn chương để hướng các em tới cái đẹp, cái cao cả của cuộc sống.

Vậy nên, mỗi giáo viên ngại ngần đổi mới, tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của học sinh. Đặc biệt khi Chương trình 2018 đang là thước đo sự cố gắng của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, của mỗi thầy cô giáo.

Với tinh thần say mê của một giáo viên, một nhà quản lý, Dương Thị Thanh Huyền đã và đang bắt tay vào khám phá chinh phục chương trình mới.

Với kinh nghiệm nhiều năm là cốt cán chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền chia sẻ “Lưu ý quan trọng trong cách ra đề phải tìm ngữ liệu phù hợp đưa vào bài kiểm tra đánh giá của môn Văn.

Thay đổi Phương pháp giảng dạy gắn với đổi mới Kiểm tra đánh giá,vấn đề soạn đề kiểm tra sao cho phù hợp với những yêu cầu mới trong chương trình ở mỗi bài học.

Từ đánh giá thường xuyên đến đánh giá định kì, có thể kết hợp hình thức ra đề tự luận kết hợp trắc nghiệm, lấy ngữ liệu chọn lọc sát hợp với bài trong sách giáo khoa, hệ thống câu hỏi gợi mở, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh trong tư duy.

Công tác kiểm tra đánh giá, khâu quan trọng cuối cùng trong hoạt động giảng dạy của mỗi giáo viên, cách ra đề kiểm tra phải theo hướng đánh giá năng lực đã, đang và sẽ trở thành xu hướng mới rất phổ biến ở nhiều trường đại học hiện nay và trong tương lai sắp tới”.

Là giáo viên cốt cán môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền đã có nhiều đêm thức trắng, trăn trở vật lộn từng con chữ trong từng bài giảng, tha thiết với việc đánh giá ghi nhận sự tiến bộ của học sinh là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh;

Tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tức là xác định rõ mục tiêu của kiểm tra đánh giá là gì?

Kiểm tra đánh giá xem học sinh có đạt mục tiêu học tập, giáo dục, có đạt được kết quả mong đợi theo chuẩn? Và sử dụng kết quả kiểm tra đó để làm gì? Làm thế nào để cải tiến nâng cao chất lượng quá trình dạy và học nếu không có đánh giá phản hồi từ học sinh?

Từ đó, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền đã xây dựng được kho ngân hàng đề kiểm tra do mình biên soạn, với 140 bộ đề theo sách Kết nối tri thức và cuộc sống, 25 bộ đề cho sách Chân trời sáng tạo trong chương trình Ngữ văn lớp 10.

Không bằng lòng với những gì đã có, cô giáo Dương Thị Thanh Huyền vẫn luôn xây dựng cho mình ý thức tự, thói quen học, tự bồi dưỡng, luôn tích cực học hỏi đồng nghiệp, lắng nghe những đóng góp ý kiến của phụ huynh, học sinh để nâng cao chất lượng dạy học và công tác.

Hơn 20 năm công tác, 9 năm cô giáo Dương Thị Thanh Huyền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần đạt đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, 2 lần Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh.

Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng, nhưng chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục, chúc cô giáo Dương Thị Thanh Huyền đạt nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Gieo thiện là trách nhiệm của mỗi giáo viên, một nụ cười tươi tắn, lời chào thân thiện hay một việc làm tử tế, chân thành xuất phát từ trái tim của bạn cũng đủ để tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tienphong.vn/thieu-nguon-xac-hien-phuc-vu-nghien-cuu-y-hoc-post1498212.tpo

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến