Khó triển khai chính sách hỗ trợ GDMN khu công nghiệp, Bắc Giang có kiến nghị

11/04/2023 06:42
Ngọc Mai
GDVN-Tại tỉnh Bắc Giang, giáo dục mầm non công lập đáp ứng được 82,2% nhu cầu thực tế gửi con của công nhân. Việc tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ còn gặp khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu gửi con ra lớp của công nhân ngày một tăng, những năm gần đây, các địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực, ban hành chính sách nhằm quan tâm cải thiện chất lượng, phát triển giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non còn một số khó khăn chưa kịp tháo gỡ.

Đơn cử, về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, ở khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 277 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục với 2.519 nhóm, lớp (trong đó có 398 nhóm trẻ và 2.121 lớp mầm non).

Nhu cầu gửi con đến trường của công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh Bắc Giang là 64.239 trẻ. Hiện, ở khu công nghiệp, khu chế xuất có 64.239 trẻ đến trường, trong đó số trẻ học tại trường mầm non công lập là 52.773 trẻ. Do đó, giáo dục mầm non công lập đáp ứng được 82,2% nhu cầu thực tế gửi con của công nhân.

Cô và trò ở Trường Mầm non thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang

Cô và trò ở Trường Mầm non thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang

Để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉnh Bắc Giang có những chính sách ưu đãi. Cụ thể, thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của nghị quyết là nhằm hỗ trợ cơ sở giáo dục, giáo viên và trẻ em.

Theo đó, hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, xây dựng phòng học cho trường mầm non ngoài công lập trong toàn tỉnh. Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (định mức cao hơn Nghị định 105).

Hỗ trợ tiền cho trẻ em là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Hỗ trợ tiền cho giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là 800.000 đồng/tháng trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và có từ 30% trẻ em con công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Các chính sách quy định tại Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của tỉnh Bắc Giang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2022.

Kết quả thu được cho thấy, nhờ các chính sách ưu tiên của tỉnh, quy mô giáo dục mầm non ngoài công lập những năm gần đây ở tỉnh Bắc Giang phát triển nhanh. Chi tiết, đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 20 trường mầm non tư thục, 293 cơ sở độc lập tư thục. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đáp ứng được nhu cầu gửi con của nhân dân và công nhân lao động.

Kinh phí hỗ trợ trích từ nguồn ngân sách huyện. Cụ thể, sau khi Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, kinh phí sẽ được chuyển về Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chuyển kinh phí hỗ trợ cho mỗi cơ sở mầm non độc lập tư thục vào tài khoản của chủ cơ sở. Chủ cơ sở trực tiếp chuyển kinh phí đến các đối tượng nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách ở tỉnh còn một số khó khăn nhất định.

Một là, khó khăn đối với hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non:

Một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục chưa đảm bảo đủ các minh chứng trong hồ sơ để được hưởng thụ chính sách nên việc hỗ trợ chưa đảm bảo tiến độ.

Một số trường hợp khó khăn trong việc đảm bảo tính công bằng trong thực hiện chính sách vì sau khi cơ sở giáo dục mầm non hưởng hỗ trợ theo quy định lại phải giải thể vì thiếu giáo viên, không huy động được trẻ ra lớp...

Hai là, khó khăn khi hỗ trợ trẻ mầm non:

Theo đó, số trẻ là con công nhân ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường xuyên biến động do nghỉ học, chuyển địa điểm học (đi theo bố mẹ) nên gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu.

Do một số cha mẹ trẻ thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên việc cung cấp hồ sơ, giấy tờ làm thủ tục để đề nghị được hỗ trợ cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

Ba là, khó khăn khi hỗ trợ giáo viên mầm non:

Số giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường xuyên thay đổi nên việc thu thập số liệu đề nghị hưởng chính sách và tổng hợp số liệu cũng gặp khó.

Huyện Việt Yên có 1,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 160 nghìn công nhân, trong đó lao động tỉnh ngoài có khoảng 30 nghìn người. Ở những xã quanh khu công nghiệp có lượng lớn công nhân lao động đang cư trú kéo theo nhu cầu gửi trẻ tăng cao.

Huyện có 10 trường mầm non (6 trường công lập, 4 trường tư thục) chiếm gần 50% số trường mầm non toàn huyện và 18 cơ sở độc lập. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được đến lớp chỉ đạt gần 50%.

Trẻ là con công nhân thường xuyên nghỉ học hoặc chuyển đi học ở cơ sở giáo dục mầm non khác nên số nhóm/lớp có 30% trẻ em là con công nhân trở lên thường xuyên thay đổi dẫn đến số giáo viên mầm non được hưởng chính sách cũng thay đổi (theo khoản 2, điều 4, Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang).

Liên quan đến việc chi trả, nhận hỗ trợ theo chính sách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang, nơi tập trung khu công nghiệp) đã thực hiện chi trả đầy đủ kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 23 đến các đối tượng được hưởng.

Các đơn vị còn lại, quy trình thẩm định hồ sơ chưa đảm bảo tiến độ nên một số chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ trẻ em là con công nhân, giáo viên mầm non dạy trẻ là con công nhân; Hỗ trợ nấu ăn cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn chỉ đang ở giai đoạn thẩm định hồ sơ, chưa được hỗ trợ kinh phí.

Trước những vướng mắc hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang kiến nghị:

Thứ nhất, đối với Quốc hội.

Kiến nghị tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP tại các địa phương. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện ở cơ sở; có hướng chỉ đạo phù hợp để các chính sách đi vào thực tiễn đạt hiệu quả.

Thứ hai, đối với Chính phủ.

Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các cơ sở mầm non độc lập tư thục để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển mạng lưới cơ sở độc lập tư thục, tiếp tục góp phần giảm quá tải số trẻ ra nhóm, lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con đến trường của nhân dân.

Quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chi trả lương cao hơn cho giáo viên, giúp họ yên tâm công tác. Chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gồm: về học phí, lương giáo viên mầm non, tổ chức nhân sự và bộ máy...

Thứ ba, đối với các bộ, ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác quản lý nhà nước, quản lý các hoạt động chuyên môn đối với các nhóm lớp độc lập tư thục, tài liệu hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở nhóm lớp độc lập tư thục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành tham mưu hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh.

Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cần quan tâm cân đối vốn đầu tư, nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện gắn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đề án phát triển giáo dục mầm non, trong đó có giáo dục mầm non ngoài công lập, giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi quy định về định mức sử dụng đất xây dựng trường mầm non tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09/02/2017 theo hướng quy định diện tích tối thiểu/trẻ để đảm bảo tính thống nhất với Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đảm bảo sự phù hợp giữa diện tích với quy mô trường mầm mon trong thực tế.

Ngọc Mai