Nhằm hỗ trợ và phát triển giáo dục mầm non tốt hơn tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, người học và với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Để tìm hiểu về hiệu quả triển khai của những chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông Trần Thanh Bình, xin ông cho biết, nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương hiện nay và khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục công lập - ngoài công lập trong các khu vực này tính đến thời điểm hiện tại?
Ông Trần Thanh Bình: Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 171 trường mầm non, mẫu giáo; trong đó có 36 trường tư thục, 88 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.
Địa bàn có khu công nghiệp tập trung ở quận Bình Thủy và Ô Môn gồm 15 cơ sở giáo dục mầm non (03 trường công lập, 02 trường ngoài công lập, 10 cơ sở độc lập tư thục).
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ thăm, quan sát giờ ăn bán trú của học sinh mầm non. Ảnh: NVCC. |
Trẻ có cha/mẹ/người chăm sóc là công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp học ở các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt.
Tổng số trẻ có cha/mẹ/người chăm sóc là công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp là 1.739, trong đó có 1.006 trẻ ở trường công lập và 733 trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (trường tư thục và cơ sở độc lập tư thục).
Phóng viên: Để khuyến khích, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố Cần Thơ đã có những chính sách ưu đãi cụ thể nào? Xin ông hãy cho biết, hiệu quả của các chính sách đó tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Trần Thanh Bình: Trước hết, thực hiện Điều 8 Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về việc quy định mức hỗ trợ trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng và 800.000 đồng/giáo viên/tháng.
Kết quả, trong năm học 2021-2022: Toàn thành phố có 538 trẻ em (thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn) là con công nhân ở khu công nghiệp thuộc đối tượng quy định được hỗ trợ với tổng số tiền 516.480.000 đồng; có 22 giáo viên (10 giáo viên thuộc quận Bình Thủy, 12 giáo viên thuộc quận Ô Môn) đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền 120.000.000 đồng.
Trong năm học 2022-2023: Tính đến hết tháng 12/2022 (học kỳ I), toàn thành phố có 733 trẻ em (thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn) là con công nhân ở khu công nghiệp thuộc đối tượng quy định được hỗ trợ với tổng số tiền 1.055.520.000đồng; có 24 giáo viên (10 thuộc quận Bình Thủy, 14 thuộc quận Ô Môn) đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền 76.800.000đồng (04 tháng).
Danh sách trẻ và giáo viên được hỗ trợ học kỳ II đang được các phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ trình cấp trên.
Bên cạnh đó, thực hiện Điều 5 Nghị định số 105/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 73/2021/NQ-HĐND ngày 8/122021 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động với mức hỗ trợ mỗi cơ sở giáo dục mầm non thuộc đối tượng quy định tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng không quá 35 trẻ được hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở, tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng trên 35 trẻ được hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở (hỗ trợ 01 lần).
Năm học 2021-2022, có 13 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp đủ điều kiện hưởng chính sách là 12/13, cụ thể: 05 cơ sở ở quận Bình Thủy với tổng số tiền hỗ trợ là 120.000.000 đồng (đã trình hồ sơ); 07 cơ sở ở quận Ô Môn với tổng số tiền hỗ trợ là 140.000.000.
Đến thời điểm hiện tại, 05 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục thuộc quận Bình Thủy đang chờ được cấp kinh phí hỗ trợ.
Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC. |
Năm học 2022-2023, có 10 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Không có cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục đủ điều kiện hưởng chính sách.
Cả hai nghị quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em con công nhân và hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Phóng viên: Thưa ông, qua thực tiễn triển khai hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục cũng như đối với người học và đối với giáo viên, địa phương còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào?
Ông Trần Thanh Bình: Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc xác minh trẻ có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được ký hợp đồng lao động theo quy định, đặc biệt là các cha mẹ làm công nhân ở địa phương khác (ngoài địa bàn trẻ học) nên mất nhiều thời gian xác nhận đơn vị công tác.
Bởi lẽ, phải xác định chính xác cha/mẹ/người nuôi dưỡng là công nhân, người lao động có thuộc khu công nghiệp hay không để đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ; trong khi đó, lại có một số trường hợp, cha/mẹ/người nuôi dưỡng của trẻ thường xuyên thay đổi nơi làm việc, nên dẫn đến việc tổng hợp số liệu, cập nhật hồ sơ rà soát đôi khi chưa được kịp thời, chính xác.
Phóng viên: Xin ông cho biết định hướng chỉ đạo của Sở trong thời gian tới và những đề xuất (nếu có) để triển khai có hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp?
Ông Trần Thanh Bình: Tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ, tạo nhiều cơ hội hơn cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục được tiếp cận các nội dung, phương pháp giáo dục mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập.
Bên cạnh đó tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được tham gia.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ kiểm tra công tác tổ chức ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục. Ảnh: NVCC. |
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về chế độ chính sách đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục rà soát và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động theo đúng quy định; khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục để các nhà đầu tư tham gia phát triển trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!