Dù nhiều chính sách nhưng có nơi ở Cần Thơ vẫn chậm hỗ trợ cho trường mầm non

01/04/2023 06:40
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm 2021-2022, Bình Thủy có 5 cơ sở mầm non độc lập đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền dự kiến là 120 triệu đồng, hiện vẫn đang chờ kinh phí.

Nhu cầu gửi trẻ tăng dẫn đến nhu cầu mở thêm cơ sở

Tại Cần Thơ, ngày 27/8/2021, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.

Đến ngày 08/12/2021, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 73/NQ-HĐND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động.

Sau hơn một năm có hiệu lực, các chính sách hỗ trợ này đã thực sự đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tôn Tuyết Nhung - Chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) cho biết: “Hiện nay, tỉ lệ trẻ ra lớp ở các khu vực có khu công nghiệp đang rất cao, nhu cầu gửi trẻ ở khu công nghiệp phường Phước Thới rất nhiều, các nhóm trẻ ở đó rất đông, tối đa 70 trẻ, có diện tích phòng như thế nào là nhận từng đó trẻ. Với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, đồng nghĩa với nhu cầu mở thêm các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại khu vực có khu công nghiệp.

Quy mô sĩ số trẻ mầm non năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, có nhóm trẻ 70-71 bé, cần mở thêm các cơ sở. Ảnh chụp màn hình.

Quy mô sĩ số trẻ mầm non năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, có nhóm trẻ 70-71 bé, cần mở thêm các cơ sở. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, Cần Thơ đã triển khai thực hiện theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” (Quyết định số 404 ngày 20/3/2014)... có nhiều chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đến khi có thêm các chế độ chính sách theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, trên địa bàn quận Ô Môn ngay lập tức triển khai thực hiện hỗ trợ”.

Cô Tôn Tuyết Nhung - Chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Cô Tôn Tuyết Nhung - Chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Cụ thể, cô Tôn Tuyết Nhung chia sẻ: “Đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trong khu công nghiệp, khu chế xuất, mỗi tháng được 800.000 đồng/giáo viên (trình độ từ cao đẳng trở lên). Chính sách cũng khuyến khích các chủ cơ sở và giáo viên chủ động học thêm để nâng trình độ. Khi có thêm những chính sách hỗ trợ, bản thân giáo viên rất phấn khởi, có thêm động lực phấn đấu và nâng cao trình độ chuyên môn, bởi thời gian thực tế lên lớp đối với mầm non ngoài công lập cũng khác trong công lập, các cô phải dạy cả thứ 7 nên vất vả hơn nhiều.

Đối với trẻ mầm non, trước đây đã có hỗ trợ ăn trưa cho các bé ở gia đình thuộc diện hộ nghèo (cả công lập và ngoài công lập), tuy nhiên, từ năm 2021, có thêm Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân thành phố, hỗ trợ cho con của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, đối với các nhóm trẻ độc lập dân lập, tư thục.

Cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp tại quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp tại quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Thực hiện theo Nghị quyết, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn đã hướng dẫn rất sớm và kỹ lưỡng cho các chủ cơ sở giáo dục mầm non để kịp thời chia sẻ thông tin đến phụ huynh. Chúng tôi gửi mẫu đơn cho phụ huynh điền và xin xác nhận ở công ty. Phụ huynh phấn khởi khi được hỗ trợ thêm 160.000 đồng/tháng, yên tâm làm việc, đồng thời cũng thêm tin tưởng vào giáo dục ngoài công lập, khi cả chủ cơ sở và giáo viên đều chủ động nâng cao trình độ chuyên môn”.

Chờ kinh phí hỗ trợ nhóm trẻ đủ điều kiện từ năm học 2021-2022

Chia sẻ về hoạt động hỗ trợ đối với giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, cô Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) cũng cho biết: “Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của công nhân trên địa bàn không cao, vì qua đợt dịch Covid-19, các công ty tại khu công nghiệp giảm công việc, nên một số công nhân nghỉ việc về quê hoặc đi nơi khác tìm việc.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của công nhân. Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non công lập đáp ứng khoảng 50%, còn lại là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Một số cơ sở mầm non tư thục vẫn còn phòng học chưa sử dụng đến, do đó không cần thiết phải mở rộng thêm các cơ sở ngoài công lập”.

Cô Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy cũng thông tin thêm: “Để khuyến khích, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, địa phương đã thực hiện các quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thực hiện chính sách hỗ trợ con công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất và các giáo viên dạy các nhóm lớp có từ 30% con công nhân trở lên.

Thực tế, trong năm học 2021-2022, đã phối hợp làm hồ sơ hỗ trợ cho 253 trẻ là con công nhân với số tiền hỗ trợ 1 trẻ 160.000 đồng/tháng trong 6 tháng. Tổng số tiền là 232.160.000 đồng. Đã chi trả xong.

Đối với giáo viên ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp: Có 10 giáo viên đủ điều kiện được nhận hỗ trợ kinh phí 800.000 đồng/tháng, với tổng số tiền 41.600.000 đồng. Đã nhận được kinh phí hỗ trợ cho 10 giáo viên đủ điều kiện và đã cấp kinh phí về các cơ sở giáo dục mầm non để chi trả cho 10 giáo viên.

Về chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động (Nghị quyết số 73/NQ-HĐND): Phòng Giáo dục và Đào tạo đã làm công văn gửi về Phòng Tài chính Kế hoạch quận Bình Thủy đề nghị hỗ trợ (của năm học 2021-2022).

Có 05 cơ sở mầm non độc lập đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền dự kiến là 120 triệu đồng. Hiện, đang chờ kinh phí cấp về để hỗ trợ cho các nhóm trẻ”.

Giờ học tại cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Giờ học tại cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

“Năm học 2022-2023: Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn rà soát số liệu con công nhân và giáo viên để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong năm 2023. Theo đó, tổng số trẻ là 451 trên 17 cơ sở giáo dục mầm non. Mỗi trẻ được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng trong 9 tháng, dự kiến tổng số tiền là 649.440.000 đồng.

Tổng số giáo viên đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí 800.000 đồng/tháng trong 9 tháng là 10 giáo viên, dự kiến tổng số tiền là 72.000.000 đồng.

Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động (theo Nghị quyết số 73/NQ-HĐND) năm học 2022-2023 không có cơ sở nào” - cô Nguyễn Kiều Phương chia sẻ.

Nhiều khó khăn trong nâng chất lượng và triển khai hỗ trợ

Bên cạnh những tác động tích cực từ các chính sách hỗ trợ, giáo dục mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng.

Theo Chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn), một trong những khó khăn phải kể đến là: Một số chủ cơ sở không xuất phát từ giáo viên mầm non mà chỉ học chứng chỉ; một số chủ cơ sở trình độ công nghệ thông tin không tốt; nhân lực ở các cơ sở mầm non ngoài công lập thường rất “mỏng”, hầu như chỉ đủ số lượng giáo viên chứ không có dư, nên khi có một cô giáo xin nghỉ phép là rơi vào tình trạng thiếu giáo viên...

“Trước đây, còn có tình trạng đội ngũ giáo viên không cố định, có người làm ở nhóm trẻ độc lập được một thời gian thì xin chuyển vào công lập; hoặc nghỉ ở nhóm trẻ này sang làm ở nhóm trẻ khác; thậm chí có giáo viên xin nghỉ để làm nghề khác do đãi ngộ chưa đủ thu hút... Tuy nhiên, gần đây có thêm chính sách hỗ trợ, dường như cũng tăng thêm sức hút đối với nghề, các cô giáo cũng “bám nghề” nhiều hơn” - cô Nhung bày tỏ.

Một khó khăn nữa được nữ chuyên viên chỉ ra: “Do các nhóm trẻ độc lập này dạy cả ngày thứ 7, nên khi ở phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn chuyên môn vào thứ 7, các cô cũng không đi được. Chúng tôi chỉ có thể tập huấn cho chủ cơ sở và tổ trưởng chuyên môn, sau đó sẽ về truyền đạt lại. Tuy nhiên, để nâng chất lượng thực sự, theo tôi, phải tập huấn cho chính các giáo viên”.

Về việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, cô Tôn Tuyết Nhung cho biết: “Mặc dù đã được hướng dẫn chi tiết, quá trình làm hồ sơ vẫn còn sai sót hoặc chậm trễ. Khó khăn hơn khi gửi hồ sơ cho phụ huynh thì tiến độ xác nhận cũng tùy theo từng công ty, có công ty đưa vào là ký liền, có công ty lại mất thời gian chờ đợi...

Theo cô Tôn Tuyết Nhung, một trong những khó khăn trong việc thực hiện chế độ cho trẻ nằm ở khâu phụ huynh xin xác nhận và nộp hồ sơ. Ảnh: NVCC.

Theo cô Tôn Tuyết Nhung, một trong những khó khăn trong việc thực hiện chế độ cho trẻ nằm ở khâu phụ huynh xin xác nhận và nộp hồ sơ. Ảnh: NVCC.

Một khó khăn nữa, trong một năm học, hồ sơ xác nhận để hỗ trợ này, chúng tôi lưu theo năm hành chính. Tức là khi nộp vào đầu năm học (tháng 9) thì đơn đó tính đến hết tháng 12. Rồi qua năm sau, chúng tôi lại phải nhờ phụ huynh làm thêm một đơn nữa đưa vào công ty ký xác nhận tính từ thời điểm đó đến cuối năm học (cuối tháng 5).

Nếu không cập nhật thì sợ không chính xác, chẳng hạn, năm trước, phụ huynh đang làm công nhân ở công ty này, nhưng qua năm sau lại không làm ở đó nữa, nếu vẫn tính hồ sơ đó thì không phù hợp, chi không đúng chế độ... Chúng tôi cố gắng tính toán thời gian, tư thục thường chậm trễ hơn nên thường cho thời gian dài hơn để có thể tập hợp.

Hiện tại đối với năm nay, phòng đang rà soát, tổng hợp để chuẩn bị chi tiền cho các giáo viên và trẻ từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để làm thật tốt, đảm bảo chế độ cho giáo viên và cho người học... Năm đầu tiên làm còn bị trễ do nguồn kinh phí chi chậm, tuy nhiên, đây là năm thứ hai, chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn, làm suôn sẻ hơn, đúng tiến độ”.

Việc rà soát đối tượng hưởng chế độ cũng chính là khó khăn tương tự với quận Bình Thủy. “Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chính sách hỗ trợ này chính là do cha mẹ trẻ thường xuyên thay đổi chỗ ở, chỗ làm việc nên gặp khó khăn trong việc rà soát thống kê số liệu” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy cho biết.

Cô Tôn Tuyết Nhung cho biết thêm: “Phụ huynh là công nhân có con học trường công lập cũng phân bì vì cùng có con học mầm non mà lại không được nhận hỗ trợ, nên thắc mắc về chính sách, muốn có chế độ hỗ trợ tương tự... Trước tình thế này, chúng tôi phải tuyên truyền đến phụ huynh một cách thường xuyên để hạn chế sự so sánh”.

Mộc Trà