Người thầy dành gần 30 năm gieo chữ cho đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị

28/04/2023 06:35
Trần Phương
GDVN-Lúc hết nghĩa vụ quân sự, anh thanh niên người Vân Kiều - Hồ Sỹ Hoàn quyết trở thành thầy giáo, đi các bản cao gieo chữ cho đồng bào mình, đến nay đã gần 30 năm.

Những ngày cuối tháng 4, trên mỏm đồi tại điểm trường Cheng – Mã Lai thuộc Trường Tiểu học Hướng Phùng (xã Hướng Phùng), ở dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiếng thầy Hồ Sỹ Hoàn và học trò vang giữa trưa hè oi ả.

Gần 30 năm nay, thầy Hồ Sỹ Hoàn đã đi khắp những bản cao của xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) gieo chữ cho đồng bào Vân Kiều của mình.

Trong giờ nghỉ, phải thuyết phục mãi, thầy Hoàn mới dành thời gian nói về cuộc đời và nghề giáo mà mình đã chọn. Bởi thầy bảo, việc của thầy nhiều giáo viên cắm bản đã và đang làm, thầy ngại nói về bản thân.

Điểm trường Cheng - Mã Lai nơi thầy Hoàn công tác. Ảnh: LC

Điểm trường Cheng - Mã Lai nơi thầy Hoàn công tác. Ảnh: LC

Thầy giáo Hồ Sỹ Hoàn (sinh năm 1969, người dân tộc Vân Kiều) quê tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thầy Hoàn sinh ra trong một gia đình rất đặc biệt khi có đến 11 anh chị em nhưng chỉ mỗi thầy thoát ly khỏi bản làng để trở thành giáo viên tiểu học.

Thầy Hoàn kể, nhà nghèo, anh chị em đông, không muốn kết hôn sớm theo tập tục trước đây của người Vân Kiều, thầy Hoàn quyết tâm theo học hết cấp 3 để thực hiện ước mơ của mình.

“Đồng bào Vân Kiều trước kia vất vả lắm, đa phần chưa biết chữ, chỉ biết dựa vào những gì trồng xuống đất và bắt được trên rừng để sống. Đói khổ và vất vả. Nghĩ vậy, mình cũng muốn đi học để trở thành thầy giáo, dạy chữ cho đồng bào, để họ học hỏi kinh nghệm sản xuất, thay đổi cuộc sống”, thầy Hoàn kể về lý do mình chọn nghề giáo.

Tuy vậy, đường đến với nghề giáo của thầy Hoàn không suôn sẻ. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Hoàn chưa thể theo học sư phạm ngay mà phải đi làm giúp mẹ, nuôi các em ăn học.

Năm 1990, chàng trai Hồ Sỹ Hoàn quyết định khoác lên mình màu áo lính, đi nghĩa vụ quân sự. 2 năm quân ngũ, có cơ hội tới những bản làng xa xôi của người Vân Kiều, anh lính trẻ thấy đồng bào của mình còn nhọc nhằn quá.

Thầy Hoàn trên lớp học. Ảnh: LC

Thầy Hoàn trên lớp học. Ảnh: LC

Chính những năm tháng ấy, quyết tâm nhất định phải trở thành thầy giáo vùng cao của anh thanh niên Hồ Sỹ Hoàn lại càng mạnh mẽ hơn nữa.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hồ Sỹ Hoàn quyết định theo học sư phạm và đến năm 1996, thầy Hoàn chính thức được nhận làm giáo viên, công tác ở vùng cao xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đến nay đã gần 30 năm.

Nói về những ngày đầu theo nghề giáo, thầy Hoàn cho biết, ngày trước, núi rừng trùng điệp, đường xá khó khăn, các thầy phải đi bộ, lúc đó, điều sợ nhất không phải là đường xa mà là những con vắt xanh giữa rừng già.

Nếu không biết cách chữa của bà con người dân tộc, ai mà bị vắt cắn, vết cắn sẽ rỉ máu cả một ngày, một đêm mới hết. Ngày ấy nhiều thầy giáo vẫn nguyên vết rỉ máu để lên lớp dạy học.

Ngoài giờ lên lớp các thầy còn quan tâm, chăm sóc cho học sinh người Vân Kiều ở điểm trường Cheng - Mã Lai. Ảnh: LC

Ngoài giờ lên lớp các thầy còn quan tâm, chăm sóc cho học sinh người Vân Kiều ở điểm trường Cheng - Mã Lai. Ảnh: LC

Là người đồng bào Vân Kiều, lúc ở quê nhà Vĩnh Ô, thầy Hoàn thấy bà con mình đói nghèo, vất vả nhiều. Đến khi thành nhà giáo, đến với xã Hướng Phùng, thầy Hoàn cũng thấy bà con đồng bào ở đây áo quần còn thiếu thốn, cơm chẳng có ăn, trâu bò cũng không có để mà sản xuất. Đó là chưa nói đến việc không có đường, không điện, không nước.

Đời sống còn nhiều khó khăn như vậy, nên thầy Hoàn cùng các thầy cô giáo ở Hướng Phùng ngày ấy phải kiên trì vượt khó, nhờ nhân dân giúp dựng các lớp học tạm, giảng dạy, vận động bà con đưa học sinh đến lớp. Đến nay, có những gia đình mà thầy Hoàn đã dạy cả 3 thế hệ.

Gần 30 năm với nhiều kỷ niệm vui buồn của nghề giáo, cũng là chừng ấy năm thầy Hoàn chứng kiến những đổi thay của mảnh đất Hướng Phùng.

Người dân từ những ngày không đủ áo quần để mặc, trừ các thầy cô, cả bản không có người biết chữ nay đã có đường, có thương lái đến, bà con dần dần có được hàng nhu yếu phẩm, đời sống nâng lên, công tác giáo dục của các thầy cô giáo cũng đỡ vất vả.

Đời sống người dân Vân Kiều đã có những đổi thay rõ rệt, học trò được học ở những ngôi trường kiên cố, thầy trò được hưởng những thành quả từ quá trình phát triển giáo dục.

Học sinh cũng đã ý thức hơn trong việc đi học, không còn cảnh “đi bắt” học trò về trường sau hè, sau Tết nữa.

Còn nhiều gian khó nhưng học sinh ở Hướng Phùng nói chung và ở điểm trường Cheng - Mã Lai nói riêng đã có những tiến bộ nhất định. Ảnh: LC

Còn nhiều gian khó nhưng học sinh ở Hướng Phùng nói chung và ở điểm trường Cheng - Mã Lai nói riêng đã có những tiến bộ nhất định. Ảnh: LC

“So với các thầy cô giáo khác, tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn khi bản thân là người dân tộc, nói tiếng đồng bào nên việc thuyết phục học sinh cũng dễ hơn các thầy cô giáo miền xuôi lên.

Nhiều lúc, trong lớp học, tôi có thể sử dụng song ngữ giải thích bài học cho các em học sinh dễ hiểu hơn”, thầy Hoàn chia sẻ.

Thầy Hoàn bảo, bây giờ cuộc sống thuận lợi hơn, bà con cũng khá hơn ngày xưa đôi chút nhưng vẫn nhiều vất vả.

“Hiện nay, khối lớp 1, 2, 3 dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên các thầy cô cũng phải thay đổi nhiều. Tôi dù nhiều tuổi rồi, còn vài năm nữa là về hưu nhưng cũng phải thay đổi phương pháp dạy và học vì học sinh và vì chính bản thân mình”, thầy Hoàn cho biết thêm.

Cô giáo Trần Thị Lài – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng cho biết, thầy giáo Hoàn là một trong giáo viên đầu tiên vào xã Hướng Phùng giảng dạy. Hiện tại, là giáo viên đã nhiều tuổi nhưng thầy rất chịu khó trau dồi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhiều năm ở vùng bản, vùng đặc biệt khó khăn, bám lớp, bám trường. Học sinh ở lớp thầy Hoàn luôn đi học đầy đủ đảm bảo chuyên cần.

Trần Phương