Thời gian qua, nhiều sự việc liên quan đến bạo lực học đường đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An quyết định từ bỏ cuộc sống, nghi do bạo lực học đường gây ra khiến dư luận rất lo lắng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống |
Một phụ huynh có 3 con từng là nạn nhân của bạo lực học đường chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, chỉ khi được chuyển trường, các con của chị mới thực sự được học tập và phát triển đúng nghĩa trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, ám ảnh của bạo lực học đường khiến con chị vẫn không dám tham gia hoạt động tập thể nào ở trường mới.
Con gái đầu của chị hiện đang học lớp 11 tại một trường ở Hà Nội, từng bị bạo lực học đường ở trường cũ.
Chị kể, ở trường cũ, con gái chuyển vào trường thời điểm giữa năm học lớp 10. Con xinh xắn và cá tính, nên một bạn nam ở lớp có vẻ thích con. Biết chuyện, các bạn khác lôi kéo nhau tẩy chay, gọi con bằng những từ tục tĩu, mạt sát, gọi con bằng những từ ngữ rất tệ, hoặc đưa chuyện thành con..."chuyên rắc thính" trong nhóm lớp.
"Sau lần đó, con tủi thân, tự thoát ra khỏi nhóm lớp. Tới trường, con chỉ chơi với các bạn cùng sở thích và cũng hoàn toàn không phát sinh tình cảm gì với bạn khác giới nào trong lớp, trong trường cả. Sự việc dừng lại ở đó, con đã biết cách vượt qua, các bạn cũng không đẩy sự việc đi quá đà thêm nữa. Tuy vậy, cá nhân con vẫn thấy không thoải mái khi đi học. Tôi biết có những đứa trẻ bị bắt nạt có thể trở nên hung hăng hơn, tiêu cực trong tính cách, nhưng cũng rất nhiều con rơi vào khủng hoảng, bế tắc", chị chia sẻ.
Không chỉ con gái đầu, hai con sinh đôi (1 trai, 1 gái) của chị hiện đang học lớp 9 cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường khi học lớp 7 ở trường cũ.
Theo lời kể, ở trường học của con chị trước đây, hai con học không giỏi nhưng từng rất yêu quý thầy cô, bạn bè, thích đi đến trường. Mỗi sáng, hai con đều dậy sớm, tự giác ăn sáng, đi học, chiều về dọn dẹp nhà cửa, quét sân giúp bố mẹ.
Ấy vậy mà, không biết nguyên nhân từ đâu, hai con từ rất sôi nổi lại dần trở nên không thiết tha các hoạt động của trường, lớp, nằng nặc đòi bỏ học. Nhận thấy con có dấu hiệu bị bạn bè trong lớp cô lập, khi chị phản ánh, giáo viên cũng chỉ coi đó là tâm lý bình thường của trẻ, đang cá tính quá, đang muốn thể hiện nên các con thường phát sinh cãi cọ, hoặc không ưa tính cách của một bạn nào đó trong lớp.
Đáng nói là, một trong những nguyên nhân khiến các con chị bị cô lập lại từ chính những lời nói của cô giáo.
“Tôi nhớ, ngày trường tổ chức hội chợ cho học sinh, con nói với tôi rằng không muốn bố mẹ đi cùng đến trường bởi tự con có thể tham gia nấu ăn ngon được. Theo nguyện vọng của con, tôi liên lạc cho hội trưởng hội cha mẹ học sinh báo cáo hai con tham gia mà không có bố mẹ.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm mắng các con ngay tại lớp là ích kỷ vì không muốn bố mẹ tham gia hội chợ. Quá tủi thân, con tôi quyết định không tham gia hội chợ đó nữa. Và cũng từ đấy về sau, con tôi không hào hứng tham gia bất cứ hoạt động nào của trường, của lớp.
Sau chuyện đó, các con càng bị bạn bè xa lánh, dùng từ ngữ miệt thị nặng nề hơn. Khi đến trường, một số học sinh trong lớp công kích con kiểu như: “... chết đi”; một số học sinh làm các hành động trù ẻo, thể hiện hành động dại dột kèm theo câu “... đi chết đây”…
Tôi nghĩ, một giáo viên biết lắng nghe, tâm lý thì trong trường hợp của con tôi nên gọi riêng học sinh ra để chia sẻ, hỏi chuyện, động viên, tìm hiểu nguyên nhân thay vì mắng học sinh trước các bạn trong lớp”, phụ huynh kể.
“Vì bị nhiều bạn trong lớp công kích, những người đang chơi với các con cũng dần dần xa lánh, vì các bạn cũng sợ nếu chơi với con sẽ bị cô lập. Ngày nào hai con cũng đòi bỏ học, chuyển trường.
Sau cú sốc bị bạn bè tẩy chay, hai con mất dần tự tin, không chịu học. Trước các con vẽ rất đẹp, có năng khiếu, nhưng vì áp lực, các con bỏ luôn cả vẽ.
Thời điểm đó tôi rất nghĩ ngợi. Tôi đưa ra giải pháp xin chuyển trường cho cả hai, nhưng con bị ám ảnh đến mức không muốn đi học nữa, chỉ có nguyện vọng duy nhất là bỏ học để đi làm, sợ tới trường. Tôi biết mong muốn đó không phải xuất phát từ con mà là vì con đã chịu quá nhiều tổn thương do bị bạo lực học đường dẫn tới sợ trường, sợ giáo viên, thui chột đam mê, sở thích”, chị bộc bạch tâm sự.
Để chuyển trường cho con, phụ huynh này phải đi đi lại lại tới 5 lần. May mắn là, ở trường mới, khi có xảy ra những vấn đề phức tạp giữa các học trò, thái độ của giáo viên, nhà trường đều rất kịp thời, sẽ xử lý dứt điểm.
Từ câu chuyện con mình từng là nạn nhân của bạo lực học đường, vị phụ huynh này mong muốn, để bảo vệ trẻ trong môi trường giáo dục lành mạnh, ngành giáo dục cũng cần tăng cường hơn nữa về thay đổi chương trình học, tăng cường dạy kỹ năng sống và giá trị sống, các bài học về yêu bản thân, tôn trọng quyền sống, tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, thay đổi cách đánh giá học sinh mạnh mẽ hơn.
“Tôi thấy rằng, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, ở cấp tiểu học, con tôi may mắn được học những cô giáo tâm lý, các con vui vẻ đến lớp. Nhưng đến khi gặp trường hợp của một cô giáo ở cấp 2 như tôi kể, các con đã có lúc sợ hãi đến trường. Nếu giáo viên luôn sẵn sàng lắng nghe con, hiểu con, động viên con tự tin là chính mình, để con cảm nhận được tình yêu thương, chia sẻ và gắn kết với bạn bè nhiều hơn thì có lẽ, các con sẽ yêu mến thầy cô, yêu mến trường và có niềm vui trong học tập hơn”, vị phụ huynh chia sẻ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam chia sẻ, tất cả hành vi đánh nhau, nói xấu, lăng mạ, sỉ nhục giữa học sinh với học sinh, thầy và trò đều là biểu hiện của bạo lực, bắt nạt học đường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Những hành động gây hấn, đánh nhau nhưng không được phát hiện và xử lý đúng cách thì hành động đó sẽ chuyển sang hoạt động bạo lực bí mật, bạo lực tinh thần bằng lời nói đả kích, gây căng thẳng càng ngày càng leo thang, tâm lý hoang mang cho nạn nhân.
“Thực tế, cơ chế và quy trình giải quyết bạo lực học đường có đề cập ở một số văn bản hướng dẫn. Tuy nhất, chưa được các trường áp dụng một cách rõ ràng, nhất quán. Có trường chỉ xây dựng phòng tâm lý học đường nhưng tê liệt hoạt động, trở thành phòng chờ cho giáo viên”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho biết.
Nhấn mạnh trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, theo vị Phó Giáo sư, giáo viên chủ nhiệm là chốt sàng lọc đầu tiên trong nhận diện sớm các thông tin, biểu hiện, mối nguy bạo lực học đường. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm kết nối với phụ huynh, tổ chức địa phương nếu tình huống bạo lực ngoài tầm kiểm soát. Ngoài ra, giáo viên không chỉ là người làm giáo dục về thấu cảm, mà còn giáo dục học sinh giải quyết mâu thuẫn trong hoà bình.
Hiện, cách ứng xử của nhiều phụ huynh mắc sai lầm ở chỗ phó thác trách nhiệm giáo dục con cho trường. Do đó, phụ huynh muốn giáo dục con tốt thì cũng cần phải trang bị kiến thức.
Theo Phó Giáo sư, để xảy ra bạo lực học đường, trách nhiệm thuộc về tất cả các bên. Trong đó, bản thân giới trẻ phải có hành vi ứng xử văn minh. Nhà trường và gia đình phải phối hợp giáo dục con trẻ. Xã hội phải có cách thức chống bạo lực trên không gian mạng đang trở thành “mồi” cho các hành vi bắt chước bạo lực.
Về trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục trong phòng chống bạo lực học đường, theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, bên cạnh những chủ trương chính sách đã có, ngành giáo dục cần nghiên cứu xây dựng sổ tay an toàn trường học.
"Nếu bạo lực học đường đang là vấn nạn thì cần thiết phải có sổ tay về phòng, chống bạo lực học đường và an toàn trường học. Trong đó có những nội dung cụ thể được đưa vào hoạt động trích từ ngân sách của nhà trường, kết hợp với phòng tâm lý học đường tổ chức (ví dụ: nội dung nhận diện mối nguy và quy trình xử lý bạo lực học đường như thế nào trong từng trường học)...", Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.