Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được một nửa chặng đường trong 3 năm học vừa qua nhưng cho đến nay vẫn còn những ý kiến băn khoăn, trái chiều về một số môn học tích hợp, về chỉ đạo thực hiện chương trình mới. Đặc biệt là việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.
Một bộ phận giáo viên dưới cơ sở vẫn còn thấy nhiều lúng túng khi soạn các kế hoạch bài dạy (giáo án) vì theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, các hoạt động dạy học trên lớp phải trải qua rất nhiều bước khác nhau, bước nào cũng phải liệt kê rất nhiều đề mục.
Vì thế, mới có chuyện một giáo viên tiếng Anh soạn tới 40 slide trình chiếu dạy trong 1 tiết học 45 phút mà Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đã chia sẻ gần đây là “rất buồn cười”.
Nhưng, theo người viết, có lẽ nguồn gốc, mấu chốt của chuyện “rất buồn cười” này bắt đầu từ những hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành cách nay mấy năm và những chỉ đạo máy móc, dập khuôn của một số đơn vị cơ sở.
Ảnh minh họa. |
Giáo viên soạn tới 40 slide trình chiếu dạy trong 1 tiết học 45 phút
Vào tháng 5 vừa qua, trong buổi "Tập huấn báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã có những chia sẻ khá thú vị về việc soạn giảng của 1 giáo viên.
Ông nói: “Trong quá trình đi kiểm tra, tôi từng nhìn thấy 1 giáo án dạy môn tiếng Anh rất buồn cười. Giáo viên này soạn tới 40 slide trình chiếu dạy trong 1 tiết học 45 phút, tức khoảng 1 phút/slide, như vậy không thể dạy được". [1]
Nếu đúng như chia sẻ của Vụ trưởng thì việc giáo viên soạn tới 40 slide trình chiếu dạy trong 1 tiết học quả là “rất buồn cười” thật vì như thế sẽ mất rất nhiều thời gian chuẩn bị, soạn bài ở nhà và lên lớp chỉ chiếu các slide này cũng đã tốn khá nhiều thời gian.
Và tất nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy khó đạt được hiệu quả bởi mỗi tiết học chỉ có 45 phút mà giáo viên trình chiếu đến 40 slide sẽ dẫn đến các hoạt động khác trên lớp sẽ khó thực hiện đối với cả giáo viên và học sinh.
Rõ ràng, việc 1 tiết học mà giáo viên soạn tới 40 slide trình chiếu là chưa hợp lý, khó khai thác hết những nội dung mà giáo viên đã chuẩn bị trong từng slide trình chiếu. Bởi, mỗi tiết học chỉ có 45 phút nhưng giáo viên vào lớp còn phải lắp đặt, kết nối máy tính với màn hình ti vi, ổn định lớp lớp học nên đã mất đi mấy phút rồi.
Vì vậy, 40 slide trình chiếu tương ứng với khoảng 40 phút còn lại của tiết học, mỗi phút sẽ tương ứng với việc giáo viên sẽ enter 1 slide để giảng giải, giới thiệu với học trò thì còn đâu thời gian để học sinh báo cáo, nhận xét sản phẩm học tập.
Lỗi này, có thể là do giáo viên máy móc áp dụng Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ trong việc chuẩn bị bài giảng hoặc cũng có thể giáo viên "sợ" khi Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đến kiểm tra, dự giờ mà làm sơ sài lại bị quở trách vì làm không đúng hướng dẫn tinh thần hướng dẫn.
Những năm qua, nhiều khi lãnh đạo cấp phòng, sở về trường thanh, kiểm tra chuyên môn đã khiến giáo viên lo lắng thì việc Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học về kiểm tra chuyên môn và dự giờ đâu còn là chuyện giản đơn nữa.
Bởi thông thường, khi dự giờ xong nhiều lãnh đạo cấp phòng, cấp sở phán xét khiếp lắm.
Ngay cả Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học dự giờ giáo viên xong cũng đã cho rằng giáo viên soạn giảng “rất buồn cười” và công khai chia sẻ sự việc trong buổi "Tập huấn báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều”.
Thông tin này đã được rất nhiều tờ báo đăng tải và tất nhiên sẽ có rất nhiều người đọc và biết đâu người giáo viên, lãnh đạo trong đơn vị của giáo viên “40 slide trình chiếu” trong 1 tiết dạy cũng đã đọc được những chia sẻ của Vụ trưởng bởi thông tin này chỉ còn thiếu nêu tên giáo viên và đơn vị công tác mà thôi.
Nếu soạn giáo án đúng theo hướng dẫn của Công văn số 5512, 1 tuần cũng đến 5-7 chục trang giáo án
Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện các kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Theo hướng dẫn, các kế hoạch giáo dục gồm có 5 loại, đó là: Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình); Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch giáo dục của giáo viên; Kế hoạch bài dạy (giáo án); Kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kì.
Trong 5 kế hoạch này, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn sẽ là người thực hiện hết.
Mặc dù Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình) trên danh nghĩa là hiệu trưởng xây dựng và ban hành nhưng làm sao hiệu trưởng thực hiện được tất cả các môn học nên sẽ phân công cho các tổ trưởng chuyên môn thực hiện nhưng người đứng tên, ban hành là hiệu trưởng nhà trường.
4 loại kế hoạch còn lại đương nhiên các tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện vì họ vừa quản lý tổ, vừa giảng dạy theo số tiết quy định đã được phân công. Đối với giáo viên bộ môn, họ sẽ thực hiện Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Trong khi đó, Công văn 5512 hướng dẫn: “Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học”.[2]
Vì thế, chỉ riêng theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4 thì giáo viên dạy những môn nhiều tiết như Ngữ văn; Toán; tiếng Anh rất áp lực vì họ luôn được phân công giảng dạy 2 khối lớp. Bởi vậy, mỗi tuần sẽ có từ 6-9 tiết soạn giảng khác nhau. Một số thầy cô được phân công dạy thêm môn Nội dung giáo dục địa phương thì số tiết trong tuần còn nhiều hơn nữa.
Điều đáng bàn là mỗi bài học đều có 4 hoạt động, đó là: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng và hoạt động nào cũng yêu cầu soạn mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện.
Trong khi, mục nào cũng yêu cầu giáo viên “nêu cụ thể”, hoạt động nào cũng hướng dẫn, yêu cầu giáo viên liệt kê: “mục tiêu cần đạt”; “dự kiến”; “phương pháp”; “kĩ thuật dạy học”…
Vậy nên, nếu soạn giáo án đúng theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì mỗi tuần sẽ có nhiều giáo viên phải soạn đến 5-7 chục trang giáo án trên file word là chuyện bình thường. Cũng vì thế mà thị trường mua bán giáo án những năm qua khá nhộn nhịp trên các trang mạng xã hội.
Hơn nữa, chỉ riêng “cái khung” Phụ lục 4 mà Bộ hướng dẫn soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) 1 tiết dạy cũng đã đến gần 4 trang A4. Sau này, giáo viên thắc mắc, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì Bộ hướng dẫn là các phụ lục chỉ “dùng để tham khảo” nhưng cơ sở vẫn hướng giáo viên làm theo các phụ lục đã được triển khai từ các năm học trước.
Chính vì vậy, có lẽ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ ban hành, hướng dẫn cũng có nên xem lại không?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-soan-40-slide-giao-an-chi-de-day-1-tiet-theo-chuong-trinh-moi-1196944.ldo
[2] Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.