Công văn 5512 chi phối module 4, Vụ Trung học có thấu nỗi khổ của giáo viên?

09/10/2021 06:53
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên bậc phổ thông bồi dưỡng module 4 phải nộp 3 sản phẩm theo mẫu phụ lục 1, 2, 4 – Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, khiến công việc thầy cô quá tải.

Thượng tuần tháng 10/2021, nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước tiến hành cho giáo viên bồi dưỡng thường xuyên module 4 - Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để hoàn thành module 4, giáo viên phải làm bài tập trắc nghiệm (30 câu) và nộp lên hệ thống LMS các sản phẩm:

Sản phẩm 1. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn cho 1 khối lớp (bao gồm 1 kế hoạch dạy học môn học và 1 kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục);

Sản phẩm 2. Một kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Điều đáng nói, giáo viên không phải là tổ trưởng chuyên môn cũng phải nộp kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn cho 1 khối lớp (theo mẫu phụ lục 1, 2 - Công văn 5512), khiến công việc thầy cô quá tải.

Sản phẩm đánh giá cuối khóa bồi dưỡng module 4. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Sản phẩm đánh giá cuối khóa bồi dưỡng module 4. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nhiều nội dung bồi dưỡng ít liên quan đến công việc của giáo viên

Tôi đã bồi dưỡng xong module 4 và nhận thấy, giáo viên phải học quá nhiều nội dung ít liên quan đến công việc giảng dạy.

Thứ nhất, nội dung 1, những vấn đề chung về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, gồm: Quan niệm và ý nghĩa của xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; Yêu cầu trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Khung kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo ý kiến cá nhân tôi, những nội dung này nên dành cho hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn thì hợp lí hơn, vì công việc chính của giáo viên là giảng dạy bộ môn và kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm.

Thứ hai, nội dung 2, xây dựng kế hoạch của tổ chuyên môn, gồm: Trao đổi về kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Khái niệm và ý nghĩa của việc xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Các yêu cầu đối với xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn;

Vai trò của giáo viên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Cấu trúc kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và ví dụ; Cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn.

Những nội dung này liên quan đến nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn. Đầu năm học mới, tổ trưởng phải xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn trình hiệu trưởng kí duyệt cho tổ viên thực hiện trong năm học. Tổ phó chuyên môn có thể giúp tổ trưởng hoàn thành công việc này, còn tổ viên (giáo viên bộ môn) chỉ đóng góp thêm ý kiến mà thôi.

Giáo viên phải nộp kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn là vô lí

Sau khi bồi dưỡng xong các nội dung của module 4, để được đánh giá cuối khóa, giáo viên phải nộp 1 kế hoạch dạy học môn học (theo mẫu phụ lục 1 – Công văn 5512) và 1 kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục (theo mẫu phụ lục 2 – Công văn 5512) là vô lí.

Thứ nhất, kế hoạch dạy học môn học, ngoài tổ trưởng chuyên môn thì giáo viên bộ môn (kể cả tổ phó) cũng khó xây dựng sao cho đúng quy định với tiêu chí đánh giá sản phẩm của module 4 (gồm 5 tiêu chí và 3 mức độ biểu hiện).

Tôi đã xây dựng kế hoạch chuyên môn tổ cho năm học 2021-2022, dài 30 trang A4 gồm nhiều nội dung. Riêng phần cơ sở pháp lí để xây dựng kế hoạch chuyên môn, nhiều giáo viên chỉ nhìn các thông tư, nghị định, công văn của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục… cũng đã thấy “choáng” vì thầy cô ít khi đọc những văn bản hành chính này.

Thứ hai, kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục, nhiều giáo viên bộ môn chưa làm bao giờ, vì đây là công việc của tổ trưởng chuyên môn. Ví dụ, để xây dựng một kế hoạch giáo dục hoạt động ngoại khóa dưới sân trường, giáo viên phải nắm các nội dung như: mục đích, ý nghĩa; thành phần tham gia; hình thức tổ chức; nội dung chương trình.

Thứ ba, ngoài kế hoạch dạy học môn học và kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục, giáo viên phải nộp kế hoạch bài dạy (giáo án) soạn theo mẫu Công văn 5512. Tiêu chí đánh giá kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm 3 mức độ cho 4 hoạt động cũng rất dài dòng, rối rắm.

Ví dụ, hoạt động 1 (xác định vấn đề, nhiệm vụ học tập), mức 2 yêu cầu: tình huống mở đầu chỉ có thể được giải quyết một phần hoặc phỏng đoán được kết quả nhưng chưa lí giải được đầy đủ bằng kiến thức/kĩ năng đã có của học sinh; tạo được mâu thuẫn nhận thức.

Thay lời kết

Sau khi hoàn thành bồi dưỡng modul 4, tôi nhận thấy, nội dung kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, đặc biệt kế hoạch bài dạy (giáo án) có những phạm vi lí thuyết giống như một luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ chuyên nghiên cứu về giáo dục học.

Bàn về bồi dưỡng module 4, thầy giáo N.V.Đ. dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng:

“Từ mấy tuần nay tôi mất ít nhất 5-7 tiết/tuần để làm mấy cái này (sản phẩm nộp cuối khóa) rất mất thời gian mà chẳng có ý nghĩa gì. Chưa kể, dạy online và nhìn máy tính nhức cả mắt, bảo sao giáo viên không ứng xử căng thẳng trong tiết học, khi mà quá nhiều áp lực từ những điều vô bổ”.

“Vừa dạy học online, vừa bồi dưỡng module 4 dài lê thê, nhiều nội dung rối rắm, kể cả chẳng liên quan gì đến chuyện dạy học, tôi đang chịu cảnh nước mắt chan cơm vì đồng lương và cuộc sống”, cô giáo P.T.S. ở Thành phố Hồ Chí Minh ngậm ngùi chia sẻ.

Có thể khẳng định, giáo viên bồi dưỡng các module để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 20218 là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, từ module 1 đến module 4 có nhiều nội dung, theo cá nhân người viết, là dàn trải, quá tải, chưa thực sự cần thiết với giáo viên. Vậy nên Bộ Giáo dục hãy rà soát lại để thay đổi sao cho hợp lí, thiết thực.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tài liệu tham khảo:

https://taphuan.csdl.edu.vn/learn/learn/78598068-69638721-69638721/69638788-69638786-1/mo-dun-04-gvpt-mon-ngu-van-thpt.html?question_id=6148129db0dceb4a9f04f362

Ánh Dương