Chưa tăng học phí, người học thở phào, trường đại học "đau đầu" cân đối thu chi

08/08/2023 06:31
Bắc Sơn
GDVN-Quyết định dừng tăng học phí của Chính phủ giúp người học giảm gánh nặng, nhưng đây cũng là một bài toán tài chính “cân não” với các cơ sở giáo dục đại học.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) về cơ chế thu, quản lý học phí công lập.

Theo đó, việc sửa đổi sẽ theo hướng quy định rõ điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81, không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Người học “thở phào” nhẹ nhõm

Kết luận này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên và phụ huynh cả nước. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Quốc Đạt (Nghệ An) bày tỏ niềm vui khi trường đại học sẽ không tăng học phí trong năm học này.

Đạt là con cả trong một gia đình có 3 anh chị em, bố mẹ đều làm nông. Vừa qua, Đạt giành kết quả 27,75 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Nam sinh dự kiến sẽ đăng kí học ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Theo tính toán của Đạt, nếu trường không tăng học phí, em sẽ chỉ cần đóng khoảng 24,5 triệu đồng/năm học thay vì mức học phí dự kiến là 36,75 triệu đồng/năm như mức dự kiến.

“Học phí chênh lệch là khoảng hơn 10 triệu đồng/năm học, đây cũng là một khoản tiền lớn với gia đình em. Vì ngoài học phí, bố mẹ còn phải hỗ trợ em chi phí sinh hoạt thời gian đầu nên tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”, nam sinh chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (Thái Bình) hiện có 3 người con. Con út của chị hiện đang học trung học cơ sở, 2 đứa con lớn đều đang là sinh viên đại học. Theo chị Hiền, con trai đầu của chị học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, con gái thứ hai học ở Trường Đại học Thương Mại. Theo đó, mỗi năm gia đình chị chi khoảng gần 60 triệu đồng cho học phí của 2 con, cộng thêm tiền sinh hoạt phí hàng tháng, mỗi năm gia đình chi khoảng gần 100 triệu đồng cho con học đại học.

“Quyết định không tăng học phí trong thời buổi khó khăn như hiện nay là chính xác. Gia đình tôi chỉ làm ruộng và buôn bán nhỏ. Để nuôi các con ăn học thật sự là khoản chi phí rất lớn. Rất mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong giai đoạn khó khăn này”, vị phụ huynh trải lòng.

Gỡ khó cho người học, nhưng lại là bài toán “cân não” với trường đại học

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023, trong khi lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo kinh tế - xã hội quý 3 năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. [*]

Quyết định chưa tăng học phí năm học 2023-2024 của Chính phủ trong thời điểm này được dư luận đánh giá là kịp thời và đúng đắn. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán tài chính “cân não” với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường đang thực hiện tự chủ tài chính.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ lo lắng khi các hoạt động chi cho đào tạo, bổ sung cơ sở vật chất,... có thể sẽ phải tạm dừng do không được tăng học phí. Bên cạnh đó, nguy cơ chảy máu chất xám khi không giữ chân được đội ngũ giảng viên giỏi cũng là nỗi lo của nhà trường khi thực hiện tự chủ trong bối cảnh tài chính hạn chế.

“Nhà trường đang thực hiện tự chủ, ngân sách được hưởng từ nhà nước đều bị cắt giảm hàng năm, trong khi nguồn thu chính của trường vẫn dựa vào học phí. Kể từ khi Nghị định 81 ra đời đến nay đã 3 năm, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa được áp dụng lộ trình thu học phí như quy định, điều này khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Cũng chia sẻ với những khó khăn trên, lãnh đạo một trường đại học khối Y - Dược trăn trở:

“Đào tạo khối ngành Y - Dược đòi hỏi kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhà trường luôn thu học phí thấp hơn chi phí đào tạo, nay lại tiếp tục không tăng học phí thì quả thực rất khó cho chúng tôi”, ông nói.

Theo vị lãnh đạo, muốn chi phí thấp mà duy trì được chất lượng đào tạo tốt là bài toán khó, nhất là trong bối cảnh tự chủ, cạnh tranh giáo dục ngày càng gay gắt.

“Việc cho các đơn vị thực hiện thu học phí theo hướng tính đúng, tính đủ là điều cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động cho trường đại học là điều cần thiết. Giải pháp tối ưu để hỗ trợ cho người học nên là các chính sách về ưu đãi vay vốn, học bổng,... để hài hòa lợi ích giữa 2 bên”, lãnh đạo đề xuất ý kiến.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong đề án tuyển sinh hàng năm, trường đã tính học phí dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật và công khai lộ trình đóng học phí theo từng năm học cho người học theo dõi.

“Chính phủ đã yêu cầu mức học phí năm nay không được chênh lệch so với năm trước thì nhà trường buộc phải tuân thủ”, thầy Khang nói.

Việc lùi lại lộ trình thu học phí cũng đồng nghĩa với việc trường đại học sẽ phải đối mặt với bài toán cân đối thu chi, làm sao đảm bảo hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ ngân sách hạn chế.

“Trường sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như không thể tăng lương cho giảng viên, cơ sở vật chất không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ,... Bên cạnh đó, chi phí vận hành, tổ chức các hoạt động khác cũng sẽ phải sắp xếp, thu hẹp lại”, Tiến sĩ Khang chia sẻ.

Mặc dù vậy, nhấn mạnh thêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin cho rằng, quyết định giữ nguyên học phí sẽ khiến trường đại học gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đây cũng là việc làm cần thiết nhằm chia sẻ với xã hội hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[*]: https://tuoitre.vn/gdp-6-thang-dau-nam-2023-tang-thap-lam-phat-tang-3-29-20230629114511124.htm

Bắc Sơn