Năm học mới, trường đại học có nguyện vọng xây dựng học phí theo Nghị định 81

07/05/2023 06:39
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong bối cảnh tự chủ, trường đại học muốn thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 để đảm bảo kinh phí cho hoạt động đào tạo, phát triển.

Thời điểm hiện tại, đa số các trường đại học đều đang chuẩn bị công bố đề án tuyển sinh nhưng vẫn còn băn khoăn về phương án thu học phí.

Theo quy định hiện hành, Nghị định 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là căn cứ để các trường xây dựng mức học phí. Tuy nhiên, chính sách học phí trong năm học tới có điều chỉnh gì hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Các trường vẫn đang chờ chỉ đạo để có thể công bố học phí với người học và lên kế hoạch tài chính cho các hoạt động đào tạo của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đề nghị các trường chia sẻ khó khăn với người dân, không tăng học phí, việc này là trách nhiệm của các trường đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, giá cả thị trường biến động, đây cũng là thách thức lớn với các trường.

Đối với các trường đại học tự chủ chi thường xuyên, học phí là nguồn thu chính của các trường, nhiều trường chiếm đến hơn 90%. Các nguồn thu khác như hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết, hợp tác, nghiên cứu khoa học chiếm một tỷ lệ rất thấp.

Không tăng học phí, các trường không có nguồn thu khác nào đủ để bù đắp cân đối thu chi, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, nhiều trường đã và đang rơi vào khó khăn, đời sống cán bộ giảng viên không được đảm bảo.

Hiện đầu tư công nói chung, trong đó có giáo dục đào tạo đang bị eo hẹp, hơn nữa, yêu cầu đặt ra phải có kế hoạch trung hạn và dài hạn, việc xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư mới là rất hạn chế. Bài toán kinh phí đang là vấn đề nan giải với các trường đại học.

“Bản thân chính đội ngũ thầy cô giáo cũng là một bộ phận người dân đang chịu ảnh hưởng nhiều mặt bởi dịch Covid-19 cần được chia sẻ, hỗ trợ. Không có điều kiện để cải thiện đồng lương, cải thiện thu nhập cho thầy cô cũng là vấn đề mà nhà trường vô cùng trăn trở.

Nguồn thu của giáo viên rất quan trọng, điều kiện môi trường làm việc nhà trường có thể được cải thiện, nhưng thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, công việc của thầy cô”, thầy Khiêm chia sẻ.

Năm học 2022-2023, căn cứ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tất cả các trường đều được phép điều chỉnh học phí theo lộ trình và nằm trong khung cho phép, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 vào tháng 12/2022, các trường đã tăng học phí đều phải hoàn trả lại cho sinh viên.

Nghị quyết ra muộn (do năm học đã bắt đầu từ tháng 8/2022), các trường đã thu học phí rồi nên gặp nhiều khó khăn, vì từ đầu trường đã có tính toán, dự toán cân đối thu chi cả năm học, báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Chính sách điều chỉnh học phí ra muộn kéo theo mọi hoạt động, kế hoạch của trường đều bị ảnh hưởng rất lớn.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm, năm học mới sẽ bắt đầu từ tháng 8, muộn nhất thì trong tháng 6 các trường đều phải công bố mức học phí với người học, và lên kế hoạch tài chính cho cả năm học tới, vì vậy, mọi chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến chính sách học phí cần được ban hành sớm, tránh tiếp diễn tình trạng điều chỉnh muộn, hoàn trả sau khi các trường đã thu học phí của sinh viên.

Trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh (trong đó có công bố mức học phí), nhà trường phải làm đúng lộ trình học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trình qua Hội đồng trường phê duyệt, đưa vào đề án và thực hiện, nếu cuối năm mới có yêu cầu phải điều chỉnh sẽ rất phức tạp, khó khăn trong cân đối thu - chi của các nhà trường.

“Chính sách học phí nếu có hướng dẫn, chỉ đạo thêm đối với Nghị định 81, mong các bộ ngành chủ quản, Chính phủ phải có quyết định sớm để các trường chủ động trong lập kế hoạch tài chính năm học, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay”, Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm kiến nghị.

Mong muốn thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường có nguyện vọng thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81, vì khi bước vào tự chủ, trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí để đảm bảo các hoạt động đào tạo, đầu tư phát triển.

Ảnh minh họa: NP

Ảnh minh họa: NP

Trong hoàn cảnh dịch bệnh thiên tai, các trường chia sẻ cùng người dân là điều hợp lý, nhưng vừa rồi Nghị quyết 165 ra bị trễ, các trường đã qua một học kỳ nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Thu học phí rồi mà bắt buộc hoàn trả lại cho sinh viên sẽ rất khó, vì trường không chỉ đào tạo đại học chính quy mà còn đào tạo hệ vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Nhà trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, liên quan đến vấn đề liên kết, các đối tượng đặc thù và có nhiều đợt thu học phí với những đối tượng khác nhau. Vì thế, nửa năm học trôi qua mới có chính sách điều chỉnh học phí và trường phải hoàn trả lại là rất phức tạp.

Với những đối tượng người học đang theo học tại trường sẽ dễ hoàn trả hơn. Tuy nhiên, có những học viên, sinh viên đã ra trường thì việc liên lạc lại, lấy thông tin để hoàn trả học phí cũng khó khăn.

Có những trường hợp nhà trường đã thông báo nhiều lần mà người học không đến nhận lại khoản học phí hoàn trả thì số tiền này sẽ được đưa vào Quỹ hỗ trợ sinh viên.

Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang đề xuất, nếu có điều chỉnh quy định về học phí cần ban hành sớm để thời gian tới các trường công bố đề án tuyển sinh, đồng thời có phương án, kế hoạch tài chính cho năm học mới.

Lãnh đạo Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn sẽ được xây dựng mức học phí theo Nghị định 81 cho năm học 2023-2024.

Về chủ đề nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, theo kế hoạch, ngày 12/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.

Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ, trong khung giờ từ 07h45 – 17h00.

Nội dung Hội thảo tập trung vào những vấn đề chính sau:

- Cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển: Vai trò của Nhà nước về nguồn lực cho giáo dục đại học;

- Nguồn lực con người cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực lý tưởng cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ;

- Quyền tự chủ đại học và Nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự công lập;

- Phát triển giáo dục đại học ngoài công lập trong thị trường dịch vụ giáo dục đại học;

- Triển khai mô hình PPP trong giáo dục đại học: Cơ hội, thách thức và rào cản;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học;

- Các vấn đề liên quan

Nguyên Phương