"Bài toán" học phí: Cần chính sách giáo dục hợp lý thay vì hoãn thực hiện NĐ 81

07/08/2023 06:32
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giải pháp hợp lí nhất là phải thực hiện đúng tinh thần Luật Giáo dục đại học và Nghị định 81/2021/NĐ-CP đồng thời với các chính sách hỗ trợ người học đi kèm.

Theo thông tin từ báo chí, chiều 10/5/2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về vấn đề học phí năm học 2023-2024 và các vấn đề liên quan, Phó Thủ tướng kết luận đồng ý với phương án để các cơ sở đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Vượt qua rất nhiều khó khăn sau 02 năm giữ ổn định mức thu học phí do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, năm học 2023-2024 một số cơ sở giáo dục đại học công lập dự kiến sẽ tăng học phí theo lộ trình đúng với tinh thần Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Thế nhưng, theo thông báo số 300/TB-VPCP, chiều ngày 17 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận: “...chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 – 2024”.

Với những thông tin này, nhiều cơ sở giáo dục đại học ngỡ ngàng và thực sự rất lo lắng về đời sống của người lao động cũng như kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo.

Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong bối cảnh thực hiện Luật Giáo dục đại học (Luật 34), các cơ sở giáo dục luôn chủ động lập kế hoạch để tự chủ và phát triển, đồng thời đầu tư mạnh các hoạt động bảo đảm chất lượng…

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và hạ tầng kĩ thuật; đầu tư phát triển đội ngũ, với các chính sách thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ cao.

Đặc biệt, hầu hết các cơ sở đều đầu tư một nguồn kinh phí lớn để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo.

Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các cơ sở giáo dục cũng cùng với xã hội chia sẻ khó khăn bằng các hoạt động phục vụ cộng đồng, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách hỗ trợ học phí trong thời gian dịch và ổn định học phí sau khi hết dịch.

Năm 2023, thực hiện Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 01/07 các cơ sở giáo dục đại học công lập đã tăng lương cho viên chức. Điều đó một lần nữa áp lực đè lên “vai” các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập đồng loạt “than khó” và thực sự là quá khó, có cơ sở giáo dục đại học không thể đủ kinh phí để cân đối trả lương.

Học phí đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập được quy định như thế nào?

Căn cứ vào Điều 65 của Luật 34 thì “Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo”.

Cơ sở giáo dục đại học công lập “được tự chủ xác định mức thu học phí” nếu “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên” hoặc “được xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ”.

“Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo”.

“Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.”

Căn cứ vào Luật Giáo dục đại học, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giá và các Luật liên quan khác, ngày 27 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2023/NĐ-CP về “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”.

Theo đó, “mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này”.

Cũng tại Điều 8 của Nghị định 81/2023/NĐ-CP, “nguyên tắc xác định học phí” đối với cơ sở giáo dục đại học công lập là cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên xác định mức học phí không vượt mức trần học phí theo Nghị định này.

Còn đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên xác định mức thu học phí từng ngành theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí.

Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Về hiệu lực thi hành, “Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 và thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là từ khi ban hành đến nay, lộ trình tăng học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập theo nghị định này chưa được áp dụng.

Cùng nhau chia sẻ khó khăn bằng các chính sách giáo dục hợp lý thay vì hoãn thực hiện Nghị định của Chính phủ

Cả nước đã trải qua dịch bệnh và đang trên đà phục hồi kinh tế. Nhiều ngành nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phần đông người dân còn khó nhọc với thu nhập thấp, cũng như không đủ trang trải cuộc sống.

Trong bối cảnh như vậy, để “đầu tư” lâu dài, phần nhiều các bạn trẻ và gia đình vẫn lựa chọn học đại học để phát triển bản thân và nghề nghiệp. Điều đó là hoàn toàn hợp lý và rất cần khuyến khích.

Tuy nhiên, trong lúc xã hội còn khó khăn, học phí đại học cũng là vấn đề mà người học quan tâm, cân nhắc lựa chọn ngành nghề và trường học.

Nếu tất cả các trường trong cả nước đều đồng loạt tăng học phí để bù lại sau 2 năm “không được tăng theo lộ trình” thì rõ ràng là bài toán khó cho các gia đình có mức thu nhập thấp.

Ngược lại, vẫn tiếp tục duy trì “ổn định học phí” và đòi hỏi phải tăng chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập… thì bài toàn càng quá khó cho các cơ sở giáo dục công lập, nhất là nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm cho các cơ sở giáo dục này không tăng để bù cho học phí mà ngược lại còn giảm dần đều vì các trường tiến tới tự chủ.

Trước bối cảnh hiện nay, giải pháp hợp lý nhất là phải thực hiện đúng tinh thần Luật Giáo dục đại học và Nghị định 81/2021/NĐ-CP đồng thời với các chính sách hỗ trợ người học đi kèm.

Nghĩa là “việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo” và “phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí” theo Nghị định hướng dẫn.

Bên cạnh đó cần phải quyết tâm chăm lo cho xã hội bằng chính sách của nhà nước đúng với tinh thần “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó:

Đối với các ngành đào tạo giáo viên, khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn đặc thù… là những ngành phục vụ cho phát triển bền vững đất nước, Nhà nước phải có chính sách miễn giảm học phí để thu hút người giỏi vào học và cam kết phục vụ cho sự nghiệp của Nhà nước trong tương lai.

Đối với các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Nhà nước cần có chính sách cho vay để đóng học phí đồng thời khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư.

Việc làm này sẽ góp phần giúp giải quyết bài toán khó khăn về kinh tế cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người học, đảm bảo công bằng xã hội cũng như góp phần giúp các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo nguồn tài chính để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có các chính sách học bổng khuyến khích, kêu gọi các nguồn tài trợ hỗ trợ người học, cũng như phối hợp với các bên liên quan nắm bắt kịp thời các chính sách của nhà nước nhằm hướng dẫn thực hiện tốt, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật…

Tóm lại, chia sẻ khó khăn cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền lợi là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Theo Điều 17 của Luật Giáo dục (2019) “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”.

“Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp”.

Đặc biệt “Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục”.

Theo đó, để giải quyết bài toán khó cho xã hội và cho các cơ sở giáo dục đại học công lập sau đại dịch COVID, rất cần các chính sách đủ mạnh của Chính phủ tương tự như các gói phục hồi kinh tế chứ không nên tiếp tục trì hoãn việc thực hiện lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ quy định.

Hướng Sáng