Thực hiện Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) công khai kết quả chất lượng giáo dục.
Hiện nay, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy là Hiệu trưởng Nhà trường.
Mở rộng quy mô đào tạo theo từng năm
Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh chỉ tiêu cho 36 ngành/ chương trình đào tạo với 04 phương thức xét tuyển, tăng 5 ngành so với năm học 2021-2022.
Tiêu biểu một số ngành có chỉ tiêu tuyển sinh nổi bật như: Ngôn ngữ Trung Quốc (300 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Hàn Quốc (295 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Anh (300 chỉ tiêu), Kĩ thuật ô tô (300 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (495 chỉ tiêu).
Năm học 2022-2023, trường có ba ngành được mở thêm là Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Nhật do Trường Đại học Phenikaa tự chủ quyết định, riêng ngành Y Khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.
Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh năm 2022, một số ngành mở chỉ tiêu tuyển sinh như Vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano (60 chỉ tiêu), Khoa học máy tính (đào tạo tài năng) (30 chỉ tiêu), Vật liệu thông tin và trí tuệ nhân tạo (30 chỉ tiêu), Kinh doanh Du lịch số (100 chỉ tiêu) và Hướng dẫn Du lịch quốc tế (120 chỉ tiêu). Đây là những ngành mà trường đại học này chưa đề cập trong danh mục được phép đào tạo.
Quy mô đào tạo năm học 2022-2023 tăng 74,4% so với năm học 2021-2022.
Quy mô đào tạo sinh viên qua từng năm của Trường Đại học Phenikaa. Bảng: Thảo Ly, số liệu theo báo cáo ba công khai của Trường. |
Về quy mô đào tạo, năm học 2022-2023, trường có tổng số 9.583 sinh viên đại học đào tạo hình thức chính quy, tăng 74.4% so với năm 2021-2022 (tổng 5.493 sinh viên chính quy đang theo học).
Quy mô đào tạo tiến sĩ năm 2022-2023 là 16, tăng gấp 2 lần so với năm học 2021-2022 (tổng là 6).
Trong khi đó, quy mô đào tạo thạc sĩ là 111, giảm 25% so với năm học 2021-2022 (tổng là 148).
Tại Trường Đại học Phenikaa, các ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, kĩ thuật hóa học,… thuộc khối ngành V có tổng số sinh viên đông nhất, với 2.942 sinh viên, chiếm 30.7% tổng số sinh viên toàn trường.
Trong khi đó, khối ngành IV với các ngành như Công nghệ sinh học, Vật lý,… lại có quy mô đào tạo thấp nhất. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, tổng số sinh viên đại học đào tạo chính quy là 71 (năm học 2021-2022, tổng số sinh viên là 8).
Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm luôn duy trì ở mức cao với các khối ngành VI – Khoa học Sức khỏe là 99,2% và khối ngành VII – Khoa học xã hội và nhân văn là 100%.
Theo báo cáo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tính theo công thức: ((Số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm + Số lượng sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao)/tổng số sinh viên tốt nghiệp được khảo sát)*100.
Giảng viên cơ hữu biến động mạnh qua từng năm
Năm học 2022-2023, ghi nhận số giảng viên cơ hữu theo từng khối ngành có sự biến động mạnh so với các năm học trước đó.
Theo báo cáo ba công khai được ký ngày 02/08/2023, toàn trường có 757 giảng viên, trong đó 16 giảng viên có trình độ Giáo sư, 75 giảng viên có trình độ Phó Giáo sư, 243 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 324 giảng viên có trình độ Thạc sĩ và 99 Cử nhân đại học.
Theo ghi nhận, số giảng viên của Trường Đại học Phenikaa được nâng cao theo từng năm.
Số giảng viên thay đổi theo từng năm học của trường Đại học Phenikaa. Bảng: Thảo Ly, số liệu theo báo cáo ba công khai của Trường. |
Đáng chú ý, năm 2023, giảng viên có trình độ đào tạo tăng 4 Giáo sư, 16 Phó Giáo sư, 85 Tiến sĩ, 45 Thạc sĩ và 14 cử nhân Đại học so với năm 2022.
Trong đó, giảng viên có trình độ Thạc sĩ là chủ yếu, (chiếm 43% tổng số giảng viên toàn trường), tăng 16% so với năm học 2021-2022 (tổng số là 279) và tăng 71.4% so với năm học 2020-2021. Cử nhân đại học có số lượng ít nhất (chiếm 13% tổng số giảng viên toàn trường).
Xét theo khối ngành, số lượng giảng viên cơ hữu cụ thể như sau: Khối ngành III là 127 giảng viên, khối ngành IV là 15 giảng viên, khối ngành V là 256 giảng viên, khối ngành VI là 170 giảng viên và khối ngành VII là 189 giảng viên.
Đặc biệt, phải kể đến số giảng viên khối ngành V năm học 2022-2023 tăng 55% so với năm học 2021-2022. Và số giảng viên khối ngành III giảm 31.8% so với năm học 2021-2022.
Theo báo cáo, Trường Đại học Phenikaa giảng dạy ở các khối ngành III, IV, V, VI và khối ngành VII. Qua đó, tỷ lệ sinh viên/ giảng viên cơ hữu quy đổi theo khối ngành III là 17.2 sinh viên/ giảng viên, khối ngành VII là 14.4 sinh viên/ giảng viên, khối ngành V là 11.5 sinh viên/ giảng viên, khối ngành VI là 9.71 sinh viên / giảng viên. Và thấp nhất là khối ngành IV với 4.73 sinh viên/ giảng viên.
Hiện nay, diện tích đất/ sinh viên là 11.83 m2/sinh viên và diện tích sàn/ sinh viên là 27.37 m2/ sinh viên.
Trường có 8.947 đầu sách (tương ứng với 51.905 cuốn), số lượng e-book là 32; số tài liệu điện tử thu thập do nguồn số hóa là 8.128 file tài liệu, 08 cơ sở dữ liệu trực tuyến, 33 thư viện điện tử liên kết ngoài trường gồm 02 cơ sở dữ liệu trực tuyến trong nước và 31 cơ sở dữ liệu trực tuyến học liệu mở trên thế giới.
Nếu chiếu theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại điều 4, điều 5, điều 6 về điều kiện mở ngành đạo tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, Trường Đại học Phenikaa đáp ứng đủ điều kiện để mở ngành đạo tạo theo quy định.
Tăng nguồn thu từ học phí tăng mạnh
Theo báo cáo ba công khai, năm học 2022-2023, tổng nguồn thu của trường là 187,697 tỷ đồng (chính xác là 187.697.036.437 đồng), trong đó nguồn thu từ học phí là 177,463 tỷ đồng, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 1,669 tỷ đồng và nguồn thu từ các nguồn hợp pháp khác là 8,564 tỷ đồng.
Được biết, Trường Đại học Phenikaa hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán.
Nguồn thu của Trường chủ yếu là học phí và các khoản lệ phí liên quan đến nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ, công tác sinh viên.
Thống kê trong 02 năm học gần nhất, nguồn thu của trường có nhiều biến động.
Nguồn thu của Trường Đại học Phenikaa qua 3 năm học gần nhất. Bảng: Thảo Ly, số liệu theo báo cáo ba công khai của Trường. |
Ghi nhận của phóng viên, nguồn thu từ học phí tăng 125,119 tỷ đồng và ngược lại, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm 5,543 tỷ đồng so với năm 2021.
Học phí tăng không quá 10%
Học phí các khối ngành có chiều hướng tăng, duy nhất có khối ngành Kinh tế - Kinh doanh vẫn giữ mức thu học phí của năm 2022-2023.
Theo đề án tuyển sinh năm 2022, học phí là mức thu đã được Tập đoàn Phenikaa và Nhà trường hỗ trợ giảm 20% học phí và giữ nguyên mức giảm này trong toàn khóa học. Nếu có tăng thì tăng không quá 10%.
Cụ thể, khối ngành Kỹ thuật – công nghệ tăng 8.15%, khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn tăng 5.26% và khối ngành Khoa học Sức khỏe tăng 6.94% (không tính các khối ngành mở thêm năm 2023).
Học phí của Trường Đại học Phenikaa trong 02 năm. Bảng: Thảo Ly, số liệu theo Đề án tuyển sinh của Trường. |
Năm 2023, ngành Y khoa, Răng – hàm – mặt có mức học phí trung bình là 150 triệu đồng/ năm. Riêng đối với sinh viên trúng tuyển vào ngành năm 2023, mức học phí năm đầu tiên được ưu đãi giảm 50% học phí, từ năm thứ 2 trở đi, được ưu đãi giảm 40% học phí nhưng không quá 5 năm.
Định hướng phát triển thành trường đại học không vì lợi nhuận
Được thành lập ngày 10/10/2007 theo Quyết định số 1368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10/2017, Trường Đại học Thành Tây trở thành thành viên của Tập đoàn Phenikaa – Tập đoàn Công nghệ và Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Ngày 21/11/2018, Trường chính thức mang tên Trường Đại học Phenikaa theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự đầu tư của Tập đoàn Phenikaa, Trường thực sự đã và đang được tái cấu trúc toàn diện theo định hướng Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu để cùng với hệ thống giáo dục liên cấp trở thành mộ trong ba trụ cột của Hệ sinh thái Phenikaa là Doanh nghiệp – Giáo dục – Nghiên cứu khoa học. Hệ sinh thái này tạo điều kiện giúp Trường Đại học Phenikaa hoạt động hiệu quả theo mô hình doanh nghiệp tri thức với định hướng là trường đại học đổi mới sáng tạo, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao, khởi nghiệp và hướng nghiệp; nơi đánh thức và hiện thức hóa tiềm năng, luôn gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển vad tạo ra giá trị mới cho cộng đồng.
Trong định hướng phát triển là một trường đại học không vì lợi nhuận và dựa trên triết lý giáo dục: Tôn trọng – Sáng tạo – Phản biện, Trường Đại học Phenikaa sẽ thực sự trở thành đại học trải nghiệm, nơi mà hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên được gắn liền với thực tiễn. Trong nghiên cứu, Trường phát triển song song cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Quá trình đào tạo gắn kết với hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ kỹ năng thực tế để làm việc hiệu quả.