Thí sinh ảo luôn là nỗi lo của các cơ sở giáo dục đại học. Nhiều trường dù có nhiều nguyện vọng đăng ký nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi lo không tuyển đủ vì chỉ tiêu ảo. Nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì các trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.
Bàn về tỉ lệ ảo trong tuyển sinh, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp (ngày 9/7), Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận: “Tỉ lệ ảo là đòn cân não với các trường đại học, và Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng vậy”.
Theo thầy Triệu, để tính toán tỉ lệ ảo cần có kinh nghiệm tổng kết, đúc rút quy luật qua nhiều năm thực hiện. Do vậy, mới 2 năm triển khai (đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến - PV) thì rất khó để tính toán chính xác các trường hợp.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Doãn Nhàn |
Được biết, năm 2021, tỉ lệ thí sinh ảo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân khoảng 45%, năm 2022 tỉ lệ này chiếm khoảng 60%. “Tỉ lệ chênh lệch lên tới 15% nên quả thật rất khó để đoán, đành thực hiện theo kiểu bốc thuốc”, vị Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ.
Thầy Lê Anh Đức chia sẻ, thí sinh ảo là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tuyển sinh. Ngay cả các thí sinh tới trường nộp hồ sơ trực tiếp cũng có thể xuất hiện thí sinh ảo. Tình trạng các em nộp hồ sơ nhưng không xác nhận nhập học, hay nhập học chỉ 1-2 tháng rồi rút hồ sơ vẫn còn khá phổ biến.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường hiện nay, nếu tính toán không cẩn thận sẽ dẫn tới tuyển sinh thiếu, hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thông báo phạt một số đơn vị vì vi phạm tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Nhiều đơn vị đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh ngưỡng xử lý vi phạm tuyển sinh vượt chỉ tiêu, từ 3% lên 10%. Chia sẻ quan điểm về ý kiến đề xuất, Phó giáo sư Triệu cho rằng, theo ông điều quan trọng nhất là không được tuyển vượt năng lực đào tạo. Do đó, theo thầy Triệu, nếu tuyển vượt so với chỉ tiêu đăng kí nhưng vẫn nằm trong năng lực đào tạo của đơn vị thì nên có hướng xử lý nhẹ nhàng hơn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cũng cho rằng việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên dựa trên năng lực đào tạo của cơ sở từ các yếu tố về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,... Bên cạnh đó, thầy Đức đề xuất cần xem xét thêm yếu tố về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Việc vượt chỉ tiêu tuyển sinh và có chế tài xử phạt là điều phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định cứng, chúng tôi cũng rất mong muốn có thêm các điều kiện mở nhằm tạo hỗ trợ cho các trường đào tạo phục vụ nhu cầu nhân lực tại địa phương; tất nhiên phải đảm bảo và chứng minh được việc đào tạo phù hợp với năng lực của đơn vị, không chứng minh được năng lực thì sẽ bị phạt”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai đề xuất ý kiến.
Năm 2023, Trường Đại học Đồng Nai mở thêm 2 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và Kỹ thuật cơ khí với số lượng 120 chỉ tiêu mỗi ngành. Bên cạnh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường sử dụng thêm phương thức xét bằng điểm học bạ cho 2 ngành mới này.
Từ quá trình khảo sát thị trường và các doanh nghiệp, nhận thấy 2 ngành này hiện đang là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai, vì vậy nhà trường đã quyết định mở ngành nhằm đáp ứng nhu cầu tại địa phương.
“Đây là 2 ngành học với nhiều cơ hội nghề nghiệp, chế độ lương, đãi ngộ cũng khá tốt. Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, sắp tới lại có cảng hàng không quốc tế Long Thành nên cơ hội việc làm càng cao. Sinh viên học tập tại trường và làm việc tại địa phương là cũng một lợi thế lớn, vì các doanh nghiệp đều mong muốn tuyển dụng được lao động tại địa phương bởi tính ổn định cao hơn. Đội ngũ giảng viên của ngành học đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy, trường có đầy đủ trang thiết bị thực hành”, thầy Đức phân tích.
Chia sẻ thêm, vị Hiệu trưởng cho biết, nhà trường thường xuyên làm việc với doanh nghiệp để giới thiệu về ngành đào tạo này nhằm tìm kiếm đầu ra cho sinh viên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham khảo ý kiến doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho sát với thực tế nhất, đảm bảo sinh viên đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Ngoài 2 ngành mới, một số ngành học “hot” của trường cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh như ngành ngôn ngữ Anh, Kế toán, Quản trị Kinh doanh,...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành học chưa nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Khoa học môi trường và Quản lý đất đai là 2 ngành học có ít sinh viên theo học hơn.
Năm 2023, Trường Đại học Đồng Nai dự kiến tuyển sinh 1000 chỉ tiêu các ngành về sư phạm, ngôn ngữ, kỹ thuật,... Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo tổng 546 chỉ tiêu các ngành sư phạm. Trong đó, ngành Sư phạm Toán học 23 chỉ tiêu, Giáo dục tiểu học là 350 chỉ tiêu, Sư phạm Ngữ văn 36 chỉ tiêu, Giáo dục mầm non 65 chỉ tiêu và Sư phạm tiếng Anh 72 chỉ tiêu.
Từ năm 2021, bên cạnh cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thêm phương án đăng ký trực tuyến. Đến năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và nâng cấp hệ thống phần mềm lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) với mục đích giảm ảo cho các trường và tạo sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh.
Tuy nhiên, ghi nhận hoạt động đăng ký tuyển sinh đại học năm 2022 vẫn còn nhiều lúng túng trong thực hiện như còn tình trạng thí sinh nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, sai phương thức, phần mềm xét tuyển chậm hoàn thiện, thời gian xét tuyển lọc ảo dài,...
Để giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn không đáng có và giảm tải cho thí sinh, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh phần mềm xét tuyển để thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm 2022.