Những áp lực, thua thiệt của thầy và trò khi ôn thi học sinh giỏi cấp THCS

02/09/2023 06:45
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Việc Bộ chủ trương bỏ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh 10 đối với những học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh rất thiệt thòi cho học sinh.

Hiện nay, cấp Tiểu học đã bỏ hẳn kỳ thi học sinh giỏi văn hóa nhưng cấp Trung học cơ sở vẫn đang được các địa phương duy trì đều đặn hằng năm và các nhà trường rất chú trọng đến phong trào này. Tuy nhiên, trái ngược với học sinh lớp 12 khi tham gia thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh đạt giải sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp, học sinh Trung học cơ sở đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh không được ưu tiên cái gì.

Các em được giải cấp huyện, cấp tỉnh chỉ được cấp tổ chức thưởng mấy trăm ngàn đồng. Nhà trường nếu vận động được quỹ xã hội hóa thì thưởng thêm một chút. Riêng những em không đạt giải và cả giáo viên ôn thi chẳng có quyền lợi gì sau nhiều tháng trời đằng đẳng ôn thi với nhau.

Trong khi, việc ôn thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay khá nặng nề, kéo dài nhiều tháng trời, thậm chí ngay từ khi học sinh bước vào lớp 6, nhiều trường đã tổ chức thi tuyển, sàng lọc, tuyển lựa để tham gia vào đội tuyển cấp trường. Nhưng, khi tham gia thi học sinh giỏi cuối cấp thì quyền lợi của học sinh chưa được chú trọng khiến cho học sinh hẫng hụt và chịu nhiều thiệt thòi.

Một số địa phương tổ chức thi học sinh giỏi từ lớp 6 (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Một số địa phương tổ chức thi học sinh giỏi từ lớp 6

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Thiệt thòi cho học sinh Trung học cơ sở ôn thi học sinh giỏi dù đạt giải

Những năm trước đây, thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đều có chế độ cộng điểm khuyến khích cho nhiều đối tượng học sinh đạt thành tích cao ở một số lĩnh vực, kỳ thi, trong đó có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh.

Việc cộng điểm khuyến khích đối với học sinh giỏi cấp tỉnh được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019- khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ra văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT. Tại văn bản này, chế độ cộng điểm khuyến khích của các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương trong kỳ thi vào lớp 10 đã được hủy bỏ.

Vì thế, kể từ năm 2019 đến nay, học sinh cấp Trung học cơ sở khi tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải Nhất, Nhì, Ba đã không còn được cộng điểm khuyến khích như trước đây.

Mặc dù không còn được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh 10 hay trong học tập nhưng các địa phương vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh đối với học sinh lớp 9. Một số địa phương còn tổ chức cả lớp 6, lớp 7 và lớp 8.

Trong khi đó, những học sinh lớp 12 khi tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì vẫn được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 40- Quy chế tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, điểm khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông được quy định như sau:

“Đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12: Đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được cộng 2,0 điểm; giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh được cộng 1,0 điểm”.

Như vậy, cho dù cùng là kỳ thi cấp tỉnh do 1 cấp tổ chức nhưng quyền lợi của thí sinh dự thi mỗi cấp học được thực hiện khác nhau. Trong khi, học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 không được cộng điểm khuyến khích nhưng học sinh lớp 12 thì được cộng điểm khuyến khích. Rõ ràng, đây là một thiệt thòi đối với học sinh cấp Trung học cơ sở khi tham gia ôn thi học sinh giỏi.

Nhiều học sinh chểnh mảng các môn học còn lại vì ôn thi học sinh giỏi

Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng của chương trình 2006 nên kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở vẫn duy trì các môn thi: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Lịch sử; Địa lý; Hóa học; Sinh học; Vật lý; Giáo dục công dân.

Những em tham gia ôn thi các môn: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ dù vất vả nhưng có lợi cho các em sau này vì 3 môn thi này gắn liền với 3 môn thi tuyển sinh 10 mà các địa phương đang tổ chức. Việc ôn thi 1 trong 3 môn: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ sẽ giúp cho học sinh có nền tảng chắc về kiến thức để tham dự thi tuyển sinh 10 về sau.

Tuy nhiên, đối với 6 môn thi còn lại thì rõ ràng các em sẽ chịu thiệt thòi hơn. Vì chỉ có những em tham gia thi vào trường chuyên mới thi các môn này (trừ môn Giáo dục công dân không có lớp chuyên) nhưng số lượng học sinh thi chuyên ít và chỉ tập ở các thành phố- nơi gần địa bàn trường chuyên. Học sinh trường huyện đa phần thi vào các trường không chuyên.

Thế nhưng, khi tham gia ôn thi học sinh giỏi cũng đồng nghĩa các em phải đầu tư cho môn học rất nhiều. Thầy cô nào ôn thi cũng hy vọng học sinh của mình đạt giải để khỏi chạnh lòng “công cốc” gần cả năm trời ôn thi nên luôn bố trí thời gian nhiều nhất có thể để ôn cho học trò.

Bên cạnh đó, sau mỗi buổi ôn thi, giáo viên thường giao thêm một số bài tập, đề thi cho học sinh tự làm ở nhà để học sinh quen dần với các dạng đề, các dạng bài tập có trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Việc học sinh được thầy cô ôn thi giao thêm nhiều bài tập, nhiều đề thi dẫn đến việc các em phải tìm tòi, đầu tư nhiều hơn vì đây đều là những dạng kiến thức cao hơn kiến thức học đại trà ở lớp. Vì thế, những môn học còn lại sẽ ít được đầu tư hơn, chểnh mảng hơn.

Tất nhiên, khi ôn thi các môn thi tuyển sinh 10, các em phải căng mình học tập mới theo kịp bạn bè trong lớp thì mới hy vọng đậu tuyển sinh 10- nhất là những địa phương có tỉ lệ chọi cao.

Bởi thời gian ôn thi học sinh giỏi thường kéo dài, trường nào ít cũng xuyên suốt 1 học kỳ, trường nào nhiều thì ôn từ hè, thậm chí có những trường thực hiện xuyên suốt từ lớp 6 nên những em tham gia đội tuyển cũng luôn gặp nhiều áp lực và vất vả.

Thế nhưng, nếu tham dự cấp huyện mà học sinh đạt giải thì các em được phòng giáo dục thưởng vài trăm ngàn đồng tượng trưng nhưng chủ yếu là rớt vì thông thường cấp huyện chỉ lấy tỉ lệ đạt giải dao động khoảng 20-30% số thí sinh dự thi cho các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích.

Những em đạt giải Nhất và Nhì cấp huyện sẽ nằm trong đội tuyển tham gia dự thi cấp tỉnh và cấp tỉnh cũng chỉ lấy tỉ lệ đạt giải khoảng khoảng 20-30% trong tổng số thí sinh dự thi.

Điều này cũng đồng nghĩa 10 em thi, chỉ có 2-3 em đậu (tùy từng môn), còn lại 7-8 em sẽ rớt. Vất vả, sàng lọc như vậy nhưng các em đạt giải cấp tỉnh không được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh 10 là một thiệt thòi rất lớn.

Một giáo viên đang công tác tại một trường Trung học cơ sở phía Nam tâm sự rằng: “Bản thân tôi được nhà trường phân công ôn thi học sinh giỏi cho năm học 2023-2024. Mặc dù, ngày 5/9 tới đây mới khai giảng năm học và bước vào thực học nhưng cô và trò đã ôn thi từ ngày 01/8 theo kế hoạch của nhà trường.

Khi nhiều đồng nghiệp và học sinh đang nghỉ hè thì cô trò đã bắt tay vào ôn thi, thời gian ôn thi cấp huyện kéo dài gần 30 tuần (từ đầu tháng 8/2023 đến đầu tháng 2/2024 thi cấp huyện), nếu may mắn có học sinh lọt vào đội tuyển thi cấp tỉnh thì tiếp tục ôn thi đến giữa tháng 3/2024”.

Việc ôn thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay đang được các địa phương tổ chức tạo ra áp lực cực lớn cho giáo viên và học sinh tham gia ôn thi vì nó kéo dài trong nhiều tháng trời nhưng khi đạt giải thì học sinh được thưởng vài trăm ngàn đồng. Giáo viên thì nơi có, nơi không.

Rõ ràng, việc Bộ chủ trương bỏ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh 10 đối với những học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trong những năm vừa qua khiến cho nhiều học sinh thiệt thòi vì các em mất quá nhiều thời gian, công sức nhưng quyền lợi khi đạt được thành tích lại không hề tương xứng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN