Tôi - GV Vật lý, chỉ giải được 20% đề thi học sinh giỏi Hóa 6, 7 của môn KHTN

24/03/2023 06:38
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay vừa dạy vừa học, vừa gia đình, vừa lớn tuổi, sức khỏe trí tuệ giảm sút,…mà học thêm 2 môn trong vài tháng thì tôi chịu thua.

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã thực hiện được một nửa chặng đường.

Ở bậc trung học cơ sở, chương trình mới xuất hiện môn học Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý), tức chương trình mới đã chính thức không còn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý như chương trình 2006.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Làm gì có môn Vật lý, Hóa học mà thi học sinh giỏi Vật lý, Hóa học lớp 7

Gần đây cộng đồng mạng giáo dục xôn xao bàn tán về việc một số địa phương tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 6, 7 theo chương trình mới bậc trung học cở sở với các môn Vật lý, Hóa học,…

Người viết và một số người vô cùng bất ngờ với việc một số địa phương tổ chức kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 6, 7 theo chương trình mới.

Bởi, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, môn Vật lý, Hóa học,..không còn nhưng vẫn có kỳ thi học sinh giỏi là rất vô lý, trái với quy định của chương trình mới theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đó, các môn học ở bậc trung học cơ sở gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật);…

Chương trình môn 6, 7 và cả lớp 8, 9 trong những năm tới chỉ có môn Khoa học tự nhiên hoàn toàn không còn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà chỉ còn học theo các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời; các nguyên lí, khái niệm chung về thế giới tự nhiên: sự đa dạng, tính cấu trúc, tính hệ thống, sự vận động và biến đổi, sự tương tác.

Nên, việc một số địa phương tổ chức thi học sinh giỏi, xuất hiện các môn Hóa học, Sinh học ở lớp 6,7 chương trình mới là không phù hợp, dễ gây hiểu nhầm.

Rất nhiều người ngạc nhiên, băn khoăn với việc xuất hiện kỳ thi học sinh giỏi các môn trên, đã gọi là môn Khoa học tự nhiên nhưng lại chia ra thi các môn Hóa học, Vật lý,…thì trái quan điểm chương trình mới vừa không đúng tên gọi. Sách giáo khoa, thiết kế chương trình vẫn không còn dùng bất kỳ từ nào để nói về môn Hóa học, Vật lý, Sinh học.

Giáo viên Vật lý, Sinh học giải được bao nhiêu % đề thi học sinh giỏi Hóa học 6,7?

Hiện nay, có một số ít giáo viên được đào tạo chứng chỉ Khoa học tự nhiên, còn hầu hết giáo viên vẫn 3 thầy cô dạy một môn, thậm chí có nơi do điều kiện khó khăn đã để 1 giáo viên dù chưa đào tạo chứng chỉ vẫn “ôm” cả 3 phân môn, và đương nhiên chất lượng là kém vì giáo viên không đủ kiến thức.

Tôi là một giáo viên dạy Vật lý cũng hơn 20 năm, thời phổ thông học tốt môn Vật lý, học trung bình môn Hóa học, Sinh học và 20 năm qua gần như không tìm hiểu gì về kiến thức Hóa học, Sinh học.

Nên, kiến thức Hóa học, Sinh học gần như đã không còn nhưng do yêu cầu phân công của lãnh đạo nhà trường, tôi và một số giáo viên đơn môn phải “ôm” cả 3 phân môn.

Bản thân tuy có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh nhưng hiện nay khi đảm nhận môn Khoa học tự nhiên 6, 7, đến giờ dạy các phân môn Hóa học, Sinh học tôi rất “sợ”, “sợ” mình truyền tải kiến thức sai, sợ học sinh không hiểu bài, sợ cả những câu hỏi hóc búa từ học sinh và sợ cả những câu hỏi mà phụ huynh điện thoại hỏi về bài cho con em họ,…

Không phải tôi không chịu học hỏi kiến thức, lười nghiên cứu bài nhưng hiện nay với tuổi đã trên 40 tuổi, tôi vừa phải giảng dạy mỗi tuần 20 tiết, soạn bài, soạn đề thi theo chương trình mới, hồ sơ, công việc ngập đầu, bản thân hầu như không còn thời gian nghiên cứu bài, và mỗi khi nghiên cứu thì rất khó tiếp thu.

Mà giờ nếu được cử đi học chứng chỉ Khoa học tự nhiên 36 tín chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thì cũng khó tiếp thu kiến thức để giảng dạy tốt được 3 phân môn.

Học 1 môn theo chương trình đại học phải 4-5 năm, khi ra trường vừa dạy vừa học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng thường xuyên, kiến thức vẫn còn thấy chưa đủ.

Hiện nay vừa dạy vừa học, vừa gia đình, vừa lớn tuổi, sức khỏe trí tuệ giảm sút,…mà học thêm 2 môn trong vài tháng thì tôi chịu thua.

Học để biết thì còn được nhưng học để dạy học sinh lại là một chuyện khác, để tự tin đứng trên bục giảng thì người thầy phải tường tận, am hiểu kiến thức, phải làm chủ kiến thức, không thể biết “lơ mơ” mà dạy học sinh.

Người thầy phải biết 10 hoặc ít nhất phải biết 7-8 dạy 1, không thể thầy biết 1, 2 mà dạy 1.

Quay trở lại, thật lòng với đề thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 6, 7 bản thân tôi dù được phân công đảm nhận môn Khoa học tự nhiên 6, 7 đã 2 năm nhưng giải đề thi học sinh giỏi Hóa học 6, 7 trên, tôi giải chỉ được khoảng 20%, tức kiến thức hổng còn rất nhiều.

Đề thi học sinh giỏi Hóa 6 của một địa phương.

Đề thi học sinh giỏi Hóa 6 của một địa phương.

Đề thi học sinh giỏi Hóa 7 của một địa phương.

Đề thi học sinh giỏi Hóa 7 của một địa phương.

Từ một giáo viên được đánh giá là tốt, nhiệt tình môn Vật lý, tôi dần trở nên tự ti, sợ khi đối mặt môn Khoa học tự nhiên.

Chỉ riêng lớp 6, 7 tôi đã “sợ”, vô cùng áp lực, không biết rồi đây đến với lớp 8, 9 với kiến thức Hóa học, Sinh học rất khó, tôi và các đồng nghiệp phải đối mặt như thế nào?

Rất nhiều giáo viên như tôi trên 40 tuổi gần như khả năng tiếp thu kiến thức của thêm 2 môn là không khả thi.

Hiện nay, giáo viên và học sinh triển khai chương trình mới đã khá vất vả và áp lực. Quan điểm chương trình mới hướng đến năng lực và phẩm chất, tăng thực hành trải nghiệm nhưng học sinh mới lớp 6, 7 phải trải qua các kỳ thi học sinh giỏi, đa số là lý thuyết, bài tập là không phù hợp, nên được xem xét.

Theo người viết, nên dừng kỳ thi học sinh giỏi ở bậc trung học cơ sở để giáo viên và học sinh chuyên tâm vào bồi dưỡng chương trình mới, đừng tạo áp lực qua các kỳ thi vô bổ ở bậc trung học cơ sở như hiện nay, xin đừng biến học sinh thành “gà chọi”.

Bên cạnh đó, cũng rất tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc bồi dưỡng chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên cho những giáo viên trên 40 tuổi, điều đó tốn kém kinh phí và khó mang lại hiệu quả cao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên