Vắt kiệt sức cho những kỳ thi học sinh giỏi, còn đâu hạnh phúc tuổi thơ?

24/01/2021 07:04
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thi học sinh giỏi, xu hướng đào tạo gà nòi đã lỗi thời đối với nền giáo dục hiện đại. Kiến thức trong thi học sinh giỏi không có tính ứng dụng với thực tiễn.

Mới đây, kết quả của kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia được công bố, có đến 2278/4562 thí sinh đạt giải ở 12 môn thi (đạt gần 50% tổng số thí sinh dự thi) với 93 giải Nhất, 544 giải Nhì, 718 giải Ba và 923 giải Khuyến khích.

Mặc dù chúng ta đang đấu tranh với bệnh sính/ngụy thành tích trong giáo dục, lên án hình thức giáo dục theo kiểu "học để thi", nhưng thực tế, những kỳ thi học sinh giỏi hằng năm theo lối cũ - kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức và mẹo giải bài vẫn được duy trì, những vinh danh, ưu tiên đối với học sinh giỏi vẫn chưa được thay đổi.

Điều này đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi, đặc biệt là về tính thực chất của kỳ thi này, liệu rằng việc đào tạo "học sinh giỏi" có thực sự cần thiết khi hình thức thi vẫn đang theo lối cũ, nội dung đề thi vẫn lặp lại những đơn vị kiến thức từ năm này qua năm khác.

Vắt kiệt sức cho những kỳ thi học sinh giỏi

Từng là một giáo viên dạy học tại trường chuyên, trực tiếp đào tạo đội tuyển học sinh giỏi, cô Phạm Thái Lê (hiện là giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie - Hà Nội) đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam về quá trình đào tạo học sinh giỏi tại trường chuyên.

Theo cô Lê, khi tham gia những kỳ thi học sinh giỏi, cả người học và người dạy đều bị cuốn vào một cuộc chiến ròng rã và tốn nhiều công sức.

Học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12 nhưng quá trình chọn đội tuyển đã bắt đầu từ năm lớp 10 với những kỳ thi tuyển chọn, vòng loại căng thẳng, khốc liệt.

"Những học sinh đặt mục tiêu phấn đấu vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đều phải ôn luyện tích cực, trải qua nhiều vòng loại, lúc nào các em cũng phải "lên dây cót" tinh thần để theo đuổi một mục tiêu duy nhất, đi theo một con đường duy nhất.

Những đứa trẻ ấy đang phải bước vào một cuộc chiến mà người lớn vạch ra, các em đánh mất đi những năm tháng tuổi thơ, đánh mất hạnh phúc, không còn thời gian vui chơi, không có những giây phút vui vẻ trong cuộc sống.

Quá trình thi học sinh giỏi các cấp cũng tương tự như vậy, chúng ta đang tạo ra một guồng quay để học sinh, giáo viên, trường học chạy theo một mục tiêu ảo trong giáo dục ", cô Lê chia sẻ.

Cô Phạm Thái Lê cho rằng thi học sinh giỏi đánh mất đi hạnh phúc của người học (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Cô Phạm Thái Lê cho rằng thi học sinh giỏi đánh mất đi hạnh phúc của người học (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, thi học sinh giỏi còn tồn tại một bất cập lớn, đó chính là học sinh thi một môn học và bỏ qua nhiều môn học khác.

Cô Lê chia sẻ: "Đây chính là hiện thực đang diễn ra ở nhiều trường học hiện nay. Với một học sinh nằm trong đội tuyển toán thì những môn học khác đều được ưu tiên bằng cách bỏ qua những môn học này.

Học sinh giỏi văn thì đa số các môn khoa học tự nhiên đều được tạo điều kiện để các em mang giải về cho nhà trường - thứ mà các trường vẫn đều gọi là thành tích, là điểm sáng trong giáo dục của mỗi trường".

Một khi nền giáo dục chạy theo một mục tiêu ảo, một khi học sinh phải "vắt kiệt sức" cho kỳ thi học sinh giỏi thì môi trường giáo dục sẽ còn nhiều hệ lụy khác.

Không chỉ trải qua thời gian ôn luyện mệt mỏi, sau quá trình được đào tạo theo kiểu gà nòi, sau một cuộc đua hao tốn nhiều công sức, kết thúc kỳ thi, các em sẽ không còn động lực với việc học ở trường.

Đặc biệt, khi đã bỏ qua kiến thức của những môn học khác, học sinh sẽ không còn cảm thấy hứng thú với những môn học này, các em dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng, không thể bắt nhịp trở lại với việc học.

"Việc bỏ qua những kiến thức cơ bản ở phổ thông còn dẫn tới sự lệch lạc, méo mó trong đào tạo con người. Mô hình trường chuyên, lớp chọn, đào tạo học sinh giỏi đã quá lỗi thời đối với nền giáo dục hiện đại.

Rõ ràng điều này mâu thuẫn với xu hướng, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy học phát triển năng lực, phát triển phẩm chất học sinh, hướng đến đào tạo con người toàn diện", cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh.

Bỏ qua hạnh phúc của người học

Theo cô Phạm Thái Lê, kiến thức của cuộc thi học sinh giỏi không có nhiều ý nghĩa, không có tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, kể cả đối với các môn khoa học tự nhiên.

Bản chất của những cuộc thi chỉ là truyền lại, lặp đi lặp lại những đơn vị kiến thức, thậm chí là chia sẻ những bí quyết, những tiểu xảo để người thi giải đề và đạt điểm cao.

Thực tế, những kỳ thi học sinh giỏi với cách ra đề như hiện nay không giúp rèn luyện tư duy, không phát năng lực, khả năng sáng tạo của con người, không gắn liền với thực tiễn và không giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.

Thi học sinh giỏi đã lỗi thời với giáo dục hiện đại (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thi học sinh giỏi đã lỗi thời với giáo dục hiện đại (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

"Vì những lẽ đó, thành tích trong cuộc thi học sinh giỏi là không cần thiết, những con số, giải thưởng không nói lên được điều gì.

Đó không phải là thành tích đào tạo con người, mà là mục tiêu ảo của mỗi trường, các phòng, các sở tự đặt ra, hướng đến, đưa ra những con số để so sánh, đánh giá", cô Lê nêu quan điểm.

Lý giải về sự tồn tại của kỳ thi học sinh giỏi, cô Phạm Thái Lê cho rằng nguyên nhân là do tâm lý chuộng thành tích, các trường đang nhìn vào những con số, kết quả từ kỳ thi để làm mục tiêu giáo dục.

"Chính vì mải miết chạy theo mục tiêu thành tích từ những kỳ thi đó nên chúng ta đang bỏ qua những mục tiêu quan trọng khác của giáo dục, bỏ quên đi hạnh phúc của người học.

Đào tạo con người trong giáo dục hiện đại là chú trọng niềm vui, hạnh phúc cho người học thế nhưng chính những áp lực, guồng quay của những kỳ thi học sinh giỏi phải chăng đang "bóp chết" hạnh phúc của học sinh", cô Lê chia sẻ.

Theo cô Lê, đã đến lúc xã hội phải nhìn nhận lại sự tồn tại của kỳ thi học sinh giỏi, kể cả những chính sách ưu tiên đối với những học sinh đạt giải trong kỳ thi này. Có nhiều chính sách ưu tiên như tuyển thẳng đại học với các học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Điều này dễ dẫn đến xu hướng chạy theo thành tích, xảy ra những tiêu cực trong thi cử.

"Với mỗi kỳ thi học sinh giỏi, dường như người lớn đang ganh đua nhau và đang lôi kéo những đứa trẻ vào một cuộc đua căng thẳng, mệt mỏi. Trong khi ở lứa tuổi học sinh, các em cần có thời gian vui chơi, cần được trải nghiệm, cần có hạnh phúc trong môi trường giáo dục.

Thực tế hiện nay, những người trong cuộc, những người đã từng trực tiếp tham gia luyện thi đã cảm thấy bất bình, không còn hứng thú với kỳ thi học sinh giỏi. Mô hình trường chuyên, lớp chọn, quá trình đào tạo học sinh giỏi đã thực sự lỗi thời", cô Lê khẳng định.

Phạm Minh