Nguồn thu từ NCKH chưa tới 1%/tổng thu, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói gì?

13/10/2023 06:32
Sao Mai
GDVN- Nguyên nhân khó khăn nhất khiến thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ thấp là do chưa có cơ chế đặt hàng các dự án, đề tài từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một trong những mục tiêu của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là duy trì đội ngũ giảng viên có năng lực.

Qua báo cáo báo công khai những năm gần đây của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm học 2017-2018 (1.104 giảng viên) đến năm học 2021-2022 (1.069 giảng viên), số giảng viên cơ hữu giảm 35 người.

Giảng viên chức danh giáo sư chỉ chiếm chưa đến 1%/tổng giảng viên qua các năm học

Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng: Sao Mai).

Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng: Sao Mai).

Từ bảng số liệu trên cho thấy, qua từng năm học, số giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên toàn trường.

Cụ thể, từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021, nhà trương chỉ có 1 giảng viên có chức danh giáo sư. Đến năm học 2021-2022, số giảng viên chức danh giáo sư tăng thêm 9 người (tổng 10 người, chiếm 0,94% tổng giảng viên).

Qua bảng số liệu và biểu đồ trên, từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, số giảng viên chức danh phó giáo sư tăng thêm 15 người, nâng tổng số chức danh phó giáo sư lên 32 người (chiếm 2,99% tổng giảng viên).

Từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, số giảng viên trình độ tiến sĩ tăng 66 người (tăng 34,38%), nâng tổng giảng viên trình độ tiến sĩ của trường là 258 người (chiếm 24,13% tổng giảng viên).

Số giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm nhiều nhất trong tổng giảng viên của các năm học. Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, số giảng viên trình độ thạc sĩ tăng 40 người. Nhưng đến năm học 2021-2022, số giảng viên trình độ thạc sĩ lại giảm 45 người. Năm học 2021-2022, tổng giảng viên trình độ thạc sĩ là 751 người (chiếm 70,25% tổng giảng viên).

Giảng viên trình độ đại học của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chiếm số lượng nhỏ. Từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, giảng viên trình độ đại học giảm 58 người, chỉ còn 18 người (chiếm 1,68% tổng giảng viên).

Xét theo khối ngành đào tạo, năm học 2021-2022, khối ngành II (hiện đang đào tạo duy nhất ngành Thiết kế thời trang) không có giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư mà chỉ có giảng viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ nhưng con số này cũng rất ít (chỉ 2 giảng viên trình độ tiến sĩ và 11 giảng viên trình độ thạc sĩ).

Khối ngành IV không có giảng viên chức danh giáo sư. Tổng số giảng viên khối ngành này cũng rất khiêm tốn (năm học 2021-2022 chỉ 10 người).

Khối ngành VI cũng rất ít giảng viên. Năm học 2021-2022 có 1 giảng viên chức danh giáo sư, 13 giảng viên trình độ tiến sĩ và 8 giảng viên trình độ thạc sĩ, không có giảng viên chức danh phó giáo sư.

Xét theo ngành đào tạo, năm học 2021-2022, ngành không có giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư như: Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật xây dựng,...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (được sự uỷ quyền của lãnh đạo nhà trường) cho rằng, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của trường còn thấp là thực trạng chung của giáo dục đại học ở Việt Nam, đặc biệt là ở một số lĩnh vực như xã hội, nghệ thuật.

"Có nhiều nguyên nhân của việc ít giáo sư ở một số ngành đào tạo của trường, trong đó, có thể kể đến như: các lĩnh vực đào tạo này với trình độ tiến sĩ ở Việt Nam còn hạn chế (nhiều ngành chưa có trường đại học nào ở nước ta đào tạo trình độ tiến sĩ). Do đó, việc có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở một số ngành là không thể. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực ở nước ta còn chưa theo kịp thế giới nên việc tiếp cận các nghiên cứu mới rất khó khăn"

_Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân_

Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ thông qua cơ chế thu hút nhân tài, khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi năm, nhà trường có thêm khoảng 5 phó giáo sư/giáo sư.

"Việc mở ngành đào tạo ở bậc đại học và sau đại học chỉ thực hiện được khi đủ điều kiện về đảm bảo chất lượng. Trong đó có điều kiện về đội ngũ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Chất lượng đào tạo của trường luôn được người học và xã hội đánh giá rất cao", thầy Nhân cho biết.

Thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa tới 1%/tổng thu/năm

Bên cạnh xây dựng đội ngũ giảng viên, mục tiêu của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là tăng doanh thu thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và các tài nguyên khác.

Theo báo cáo ba công khai của nhà trường, giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, tổng thu có tăng lên. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn thu có sự tăng, giảm, biến động khác nhau. Đặc biệt, thu từ nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường có tỷ trọng chỉ xếp sau thu từ học phí nhưng có xu hướng giảm.

Tổng thu của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm, đơn vị: tỷ đồng. (Bảng: Sao Mai).

Tổng thu của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm, đơn vị: tỷ đồng. (Bảng: Sao Mai).

Dựa vào bảng số liệu trên cho thấy, từ năm 2015 (487,38 tỷ đồng) đến năm 2021 (804,6 tỷ đồng), tổng thu của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng 317,22 tỷ đồng (tăng 65,09%), trong đó nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của nhà trường.

Đáng lưu ý là trong 3 năm từ 2019 đến 2021, thu từ nguồn thu hợp pháp khác giảm trong khi thu từ học phí tăng.

Về điều này, thầy Nhân cho biết, giai đoạn năm học 2020-2021 ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động thu từ nguồn thu khác giảm. Hiện tại, nhà trường đang đẩy mạnh các hoạt động này và hi vọng trong thời gian tới sẽ nâng được tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hiện nhà trường đã có 2 doanh nghiệp spin-off (mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp).

Cũng theo bảng thống kê, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2021 chỉ chiếm 0,5% tổng thu và có xu hướng giảm từ năm 2020 đến năm 2021, thầy Nhân cho biết, tỷ trọng nguồn thu thấp từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là thực trạng chung của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn năm học 2020-2021 ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng bị ngừng trệ.

"Một trong những nguyên nhân khó khăn nhất khiến thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thấp là do chưa có cơ chế đặt hàng các dự án, đề tài từ nguồn ngân sách nhà nước cho các trường đại học và sự gắn kết chia sẻ các hoạt động này từ phía doanh nghiệp"

_Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân_

Về học phí, theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, học phí tăng lên. Sau đó, mức học phí này được duy trì ổn định đến năm học 2021-2022.

Học phí những năm gần đây của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng: Sao Mai).

Học phí những năm gần đây của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Bảng: Sao Mai).

Dựa vào bảng số liệu trên cho thấy, mức học phí năm học 2021-2022 và năm học 2020-2021 cao hơn năm học 2019-2020. Cụ thể, với đào tạo trình độ tiến sĩ, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, học phí tăng từ 1-5 triệu đồng/năm học; học phí đào tạo trình độ thạc sĩ tăng nhiều nhất 3 triệu đồng/năm học; học phí đào tạo đại học tăng trên dưới 3 triệu đồng/năm học; học phí đào tạo đại học chất lượng cao tăng từ 850.000-1 triệu 650 đồng/năm học.

Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, mức tăng học phí đào tạo đại học liên thông vừa làm vừa học tăng nhiều nhất. Trong đó, đào tạo đại học liên thông vừa làm vừa học tăng 12.900.000 đồng/năm học đối với khối ngành Kinh tế và tăng 11.700.000 đồng/năm học đối với khối ngành Công nghệ.

Sao Mai