Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như phát triển nền kinh tế số, Trường Đại học Thương mại dự kiến mở thêm 10 chương trình mới trong năm học 2024-2025.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương Mại cho hay: Từ năm 2024, trường sẽ đào tạo thêm 10 chương trình mới, thuộc lĩnh vực kinh doanh quản lý, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng.
Trong đó, nhà trường chú trọng vào các nhóm ngành định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế. Trong 10 chương trình mới có 8/10 lĩnh vực thuộc định hướng này bao gồm: Logistics và xuất nhập khẩu, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại, Kế toán doanh nghiệp, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp.
Trường Đại học Thương mại sẽ mở thêm 10 chương trình mới từ năm 2024. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Theo Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng, đây đều là các ngành đang được ưa chuộng hiện nay, rất phù hợp với việc hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, trường còn mở thêm hai chương trình chuẩn là Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng) và Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).
Để chuẩn bị cho việc mở các ngành mới, nhà trường đã nghiên cứu và lên kế hoạch từ 2 năm trước. Các chương trình theo chuẩn quốc để được cải tiến và phát triển thêm từ các chương trình đào tạo hệ chất lượng cao của trường.
Đối với các ngành học mới này, Trường Đại học Thương mại chú trọng tăng cường các học phần dạy bằng tiếng Anh (chiếm 1/3 chương trình). Đồng thời, yêu cầu về chuẩn đầu ra với sinh viên cũng cao hơn. Người học cần đạt đầu ra tiếng Anh bậc 4/6 theo khung ngoại ngữ của Việt Nam.
Theo cô Hằng, việc này sẽ giúp các bạn sinh viên tiếp xúc và sử dụng thành thạo tiếng Anh.
“Những chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế số. Sau khi ra trường các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm cũng như không bỡ ngỡ khi làm việc trong môi trường quốc tế”, cô Hằng khẳng định.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên được thực hành trực tiếp ngoài thực tiễn.
“Với các chương trình này, nhà trường đề cập đến những khía cạnh nổi bật: toàn diện, thực tiễn, quốc tế. Đồng thời, các yếu tố nguồn lực như: đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập, cơ sở vật chất… được chú trọng đầu tư, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Các bạn sinh viên sẽ được đi thực hành, thực tế nghề nghiệp do chính các chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn, đào tạo. Nhà trường cũng cam kết sinh viên tốt nghiệp ra trường có cơ hội việc làm theo đúng chuyên ngành tại nhiều doanh nghiệp lớn. Đồng thời, trường sẽ quy định các khoa chuyên ngành ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác cũng như có kế hoạch cụ thể để sinh viên được học tập, đào tạo thực tế một cách tốt nhất”, cô Hằng thông tin.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương Mại. (Ảnh: website nhà trường) |
Nói về mức học phí của các ngành mới Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương Mại cho hay vì chất lượng đào tạo tốt hơn, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nên mức học phí cũng sẽ cao hơn các ngành học đại trà.
Về phương án tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại sẽ áp dụng nhiều phương thức, nhưng ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh. Mỗi ngành dự kiến tuyển sinh từ 80-100 sinh viên.
Hiện tại, nhà trường vẫn đang lấy ý kiến về khung chương trình, chuẩn đầu ra, phương pháp đào tạo, từ đó hoàn thiện chương trình trước khi tuyển sinh từ năm 2024. Các thông tin cụ thể về học phí cũng như khung chương trình sẽ được công bố trong đề án tuyển sinh năm tiếp theo.
Được biết, năm 2023-2024, Trường Đại học Thương mại tuyển 4.850 chỉ tiêu theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (chiếm 1%); xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông (30%); xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia (5%); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (10%); xét tuyển kết hợp (54%).
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, học phí của trường dao động từ 2.300.000 đồng - 2.500.000 đồng/tháng đối với chương trình chuẩn. Chương trình chất lượng cao, tích hợp mức học phí dao động từ 3.525.000 - 4.000.000 đồng/tháng. Với các chương trình định hướng nghề mức học phí là 2.500.000 đồng/ tháng.