Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (phương án thi) với 2 lựa chọn gồm:
Lựa chọn 4+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi 04 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn tự chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 02 môn tự chọn.
Lựa chọn 3+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn tự chọn (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 02 môn (Ngữ văn, Toán) và 02 môn tự chọn.
Trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn tự chọn (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).
Học sinh Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Ngọc Mai). |
Góp ý lựa chọn phương án thi, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, cả 3 phương án thi đều có ưu điểm chung là kiểm tra và khích lệ học sinh học tập các môn; đa dạng các khối thi nên kết quả căn bản sẽ đánh giá được phẩm chất, năng lực học sinh.
Thầy Hanh cho rằng lựa chọn 3+2 có tính khả thi cao nhất.
"Ưu điểm nổi bật của lựa chọn 3+2 là thí sinh tham gia làm 3 bài thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn sẽ kiểm tra được nhiều môn học, đa dạng các lĩnh vực; điểm xét tuyển vào đại học được phản ánh đúng năng lực, sở trường, nguyện vọng mà học sinh đã định hướng ngay từ đầu. Bên cạnh đó, phương án thi này cũng loại trừ được yếu tố "ăn may" khi làm bài thi trắc nghiệm đối với các môn tự chọn", thầy Hanh chia sẻ.
Tuy nhiên, thầy Hanh cũng cho rằng, lựa chọn 3+2 vẫn không thể tránh khỏi tình trạng học tủ, học lệch.
Để chuẩn bị tốt cho thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, thầy Hanh chia sẻ, nhà trường sẽ phải tăng cường giáo dục, nâng cao phẩm chất năng lực người học bằng những hoạt động thiết thực; thường xuyên tổ chức kiểm tra sản phẩm, đồ dùng và tài liệu học tập; giảng dạy công bằng giữa các môn học, không phân biệt môn thi hay không thi; kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện đánh giá nghiêm túc tất cả các môn học.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường đánh giá hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục; quan tâm toàn diện đến các môn học; tăng cường biện pháp chống bệnh thành tích trong giáo dục bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể.
Cùng bàn về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thầy Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, sau khi tham khảo ý kiến của giáo viên trực tiếp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hầu hết giáo viên của trường đều đồng tình lựa chọn phương án thi 3+2.
Chỉ ra ưu điểm của lựa chọn 3+2, theo thầy Thanh, với phương án này, môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ lâu nay là những môn học đảm bảo tính hài hoà các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và hội nhập quốc tế. Còn 2 bài thi môn tự chọn giúp thí sinh hình thành định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"So với phương án thi 4+2, phương án 3+2 giảm được phần nào áp lực thi cử cho thí sinh và giáo viên, đặc biệt giảm được kinh phí tổ chức kỳ thi. Chưa kể, hiện việc dạy thêm, học thêm đã và đang được quán triệt hơn nên nếu thi 04 môn bắt buộc, học sinh sẽ rất quá tải, áp lực trong quá trình ôn luyện.
Với phương án thi 3+2, thí sinh thi 03 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cũng tương tự như 03 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành (chương trình giáo dục phổ thông 2006). Do đó, việc thi 02 bài tự chọn sẽ không tạo nhiều áp lực cho thí sinh, đảm bảo tính định hướng nghề nghiệp", thầy Thanh nêu quan điểm.
Liên quan đến việc môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng ở lựa chọn 3+2, môn Lịch sử lại nằm trong nhóm các môn tự chọn, thầy Thanh cho rằng, điều này không phải là vấn đề lớn.
Bởi lẽ, ở trường học, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả học sinh đều được trang bị kiến thức nền tảng về văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam thông qua môn Lịch sử. Nhưng để định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử cũng tương tự như các môn học khác (ngoài môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), đều có vị trí và vai trò riêng. Học sinh nào có nguyện vọng, năng khiếu và mong muốn làm những công việc chuyên sâu, nghiên cứu khoa học về Lịch sử đều có thể lựa chọn môn Lịch sử là một trong 2 môn thi tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
"Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh tham gia dự thi được học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ những góp ý của giáo viên trực tiếp giảng dạy, lãnh đạo trường phổ thông và các chuyên gia giáo dục, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án thi phù hợp với phần đông ý kiến, điều kiện thực tiễn để đảm bảo kỳ thi đạt hiểu quả cao nhất, góp phần vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh", thầy Thanh chia sẻ.
Năm học 2023-2024 đưa vào giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 11. Thầy Thanh cho biết, cơ cấu giáo viên trong từng bộ môn của trường chưa ổn định. Có những môn học được thiết kế giảm số tiết so với chương trình cũ nên dẫn đến tình trạng không đồng đều trong số tiết dạy của giáo viên. Cũng trong năm học này, nhà trường chưa triển khai dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên.
"Hiện tại, trường chỉ có 1 giáo viên hợp đồng giảng dạy kiến thức âm nhạc dân ca quan họ Bắc Ninh trong nội dung Chương trình giáo dục địa phương", thầy Thanh chia sẻ thêm.