ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy ủng hộ phương án thi 4 môn ở kỳ thi tốt nghiệp từ 2025

10/10/2023 06:37
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, việc chọn phương án chỉ thi 4 môn trong 3 buổi sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội...

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (phương án thi).

Về số môn thi, kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện nay đang có 3 lựa chọn.

Thứ nhất, với lựa chọn 4+2 - tức là thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 06 môn, gồm thi bắt buộc 04 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ) phải thi 05 môn, gồm thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Tuy nhiên, lựa chọn này có nhược điểm làm tăng áp lực thi cử cho học sinh và công tác tổ chức thi vì số buổi thi nhiều hơn gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính (Số buổi thi theo lựa chọn này là 05 buổi, nhiều hơn 01 buổi thi so với hiện nay).

Thứ hai, với lựa chọn 3+2 - tức là thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 05 môn, gồm thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn Ngoại ngữ), thí sinh phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Ngữ văn, Toán) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Tuy nhiên, lựa chọn này có nhược điểm ảnh hưởng đến việc dạy và học Lịch sử đối với các học sinh không chọn môn này để thi. Dẫn đến xu hướng tăng việc lựa tổ hợp tuyển sinh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, làm giảm một phần vai trò nhóm môn học tự chọn.

Thứ ba, trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2, cụ thể như sau: Thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử). Kết quả có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến. Trong đó có 40% chọn Lựa chọn 4+2; 59,8% chọn Lựa chọn 2+2 môn thi và 0,2% chọn ý kiến khác.

Lựa chọn 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 04 môn, hiện nay 06 môn). Số buổi thi 03 buổi, giảm 01 số buổi thi so với hiện nay. Không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Thí sinh được chọn 02 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng (Ảnh: quochoi.vn)

Qua nghiên cứu dự thảo phương án thi và các tài liệu liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh,cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” và bảo đảm phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 là “hình thành phẩm chất, năng lực của người học”.

“Do đó tôi chọn lựa chọn 2+2 theo như nhiều ý kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là thí sinh thi bắt buộc 2 môn (Ngữ văn, Toán) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 vì như vậy sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu quan điểm.

Lý giải việc lựa chọn phương án trên, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, việc chọn phương án chỉ thi 4 môn trong 3 buổi sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, có đủ kết quả thi các môn làm dữ liệu cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh, không ảnh hưởng đến việc học 2 môn bắt buộc là Lịch sử và Ngoại ngữ, sẽ được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Ngoài ra, theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cần xác định thi tốt nghiệp là một trong các điều kiện để xét tốt nghiệp.

Kết quả xét tốt nghiệp phải là kết quả tổng hợp của cả 3 nội dung sau:

Một là, tổng kết điểm của 3 năm học trung học phổ thông.

Hai là, kết quả rèn luyện thường xuyên bao gồm việc tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, văn nghệ (điểm cộng).

Ba là, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (lưu ý: đề thi tốt nghiệp theo hướng phải đáp ứng được yêu cầu đánh giá năng lực).

Linh An