Nhiều trường THPT ở Hải Phòng ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 5 môn, vì sao?

11/10/2023 09:45
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường THPT ở Hải Phòng chọn phương án thi tốt nghiệp 3+2 để giảm áp lực cho học sinh, tránh đánh mất cân bằng giữa tự nhiên và xã hội.

Thực hiện việc góp ý dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Thế Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ (thành phố Hải Phòng) cho biết, nhà trường thống nhất lựa chọn phương án 3+2 tức là thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 5 môn gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Thầy Thế Anh cho rằng, đất nước đang quá trình hội nhập quốc tế và môn tiếng Anh sẽ là điều kiện cần phải có để học sinh cải thiện giao tiếp và thích nghi với xu hướng của xã hội. Cả hai phương án (4+2 và 3+2) đều có môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc đã khẳng định điều này.

Về lựa chọn phương án 3+2, học sinh thi 5 môn sẽ được giảm tải áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội, điều này phù hợp với dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại sẽ phù hợp với tổ hợp môn mà học sinh đã chọn để học trong suốt 3 năm học trung học phổ thông.

Chia sẻ thêm về cách tính điểm xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ tán thành với cách thức hiện hành (vừa tính điểm thi tốt nghiệp, vừa tính điểm trong quá trình học tập). Việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp cần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (thành phố Hải Phòng), nhà trường đã triển khai đến toàn bộ các cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu dự thảo phương án thi để tham gia góp ý cho dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Trường Trung học phổ thông ở Hải Phòng lựa chọn phương án thi tốt nghiệp 3+2 để giảm áp lực cho học sinh, tránh mất trạng thái cân bằng giữa ban tự nhiên và xã hội (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Trường Trung học phổ thông ở Hải Phòng lựa chọn phương án thi tốt nghiệp 3+2 để giảm áp lực cho học sinh, tránh mất trạng thái cân bằng giữa ban tự nhiên và xã hội (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Khắc Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi cho biết, qua thống kê ý kiến của cán bộ giáo viên nhà trường có 69 ý kiến đồng ý chọn phương án 3+2 tức là thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 5 môn gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Còn lại có 14 ý kiến đồng ý với phương án 4+2 tức là thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 6 môn gồm thi bắt buộc 4 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Theo khảo sát, đa số cán bộ giáo viên nhà trường đều chọn phương án 3+2 vì cho rằng phương án 4+2 sẽ gia tăng sự mất cân đối giữa học sinh chọn môn tự nhiên và môn xã hội.

Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Đây là điều rất nguy hiểm không chỉ gây mất cân đối về việc giáo viên thừa thiếu ở các nhà trường mà còn khiến cho cán cân đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bị lệch dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nếu chọn phương án 3+2 sẽ giảm áp lực thi cử. Chủ trương môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình là đúng đắn tuy nhiên không nhất thiết cứ học Lịch sử thì phải thi môn Lịch sử”.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, cách tính điểm xét tốt nghiệp nên theo cách thức hiện nay: Điểm trung bình xét tốt nghiệp gồm cả điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp và điểm trung bình các môn cuối năm lớp 12.

Trong đó điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp là 70%; điểm trung bình các môn của năm học lớp 12 là 30%.

Cách thức này vừa chú trọng kết quả điểm các môn thi tốt nghiệp vừa không đặt áp lực lớn lên học sinh. Đồng thời vẫn chú trọng đến giáo dục toàn diện qua việc xét điểm trung bình các môn ở năm cuối cấp.

Phạm Linh